Nông nghiệp Việt Nam phải thuận theo vòng xoáy thay đổi của thế giới

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
11:06 - 09/05/2022
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp Việt Nam cần kết hợp nội lực và ngoại lực, hòa mình vào cách mạng 4.0.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp Việt Nam cần kết hợp nội lực và ngoại lực, hòa mình vào cách mạng 4.0.
0:00 / 0:00
0:00
Xác định nông nghiệp thế giới đang thay đổi từng ngày với nhiều đổi mới, Bộ trưởng NN&PTNT khẳng định nông nghiệp Việt Nam cần tranh thủ sự hỗ trợ của bạn bè thế giới kết hợp với nội lực sẵn có để không bị văng khỏi vòng xoáy thế giới.

Nhằm cung cấp kiến thức công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp của các quốc gia phát triển tới các doanh nghiệp Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp cùng các Mạng lưới Đổi mới sáng tạo tại Australia, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Đài Loan tổ chức Hội thảo quốc tế về nông nghiệp hiệu quả cao năm 2022, ngày 8/5.

Hòa mình vào cách mạng 4.0

Thể hiện quan điểm của ngành nông nghiệp Việt Nam trước những thay đổi, xu hướng mới của ngành nông nghiệp thế giới, chia sẻ tại hội thảo, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đã có Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Đây là lần đầu tiên nền nông nghiệp Việt Nam có một chiến lược mang tính dài hạn và tích hợp cả nông nghiệp và nông thôn. Chiến lược đặt ra mục tiêu giải quyết những vấn đề nội tại của nền nông nghiệp Việt Nam khi đang đứng trước sự thay đổi toàn cầu như VUCA (biến động, bất định, phức tạp và mơ hồ), biến đổi khí hậu, biến động thị trường; chuyển đổi xu hướng thị trường như nền kinh tế xanh, thị trường xanh; tích hợp giá trị của Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 giữa nền nông nghiệp tri thức và nông nghiệp thông minh”, Bộ trưởng Hoan nhận định.

Theo ông Hoan, ngành nông nghiệp phải hòa nhịp vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0. Việt Nam có nhiều tiềm năng và tham vọng, nhưng cần trước mắt cần giải quyết từng vấn đề riêng lẻ, trước khi đưa ra một kế hoạch tổng thể.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

“Vì nguồn lực, ngân sách trong nước còn hạn chế, do đó, để ngành nông nghiệp không bị văng khỏi vòng xoáy thay đổi của thế giới, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trong nước rất cần tranh thủ ngoại lực để kết nối với bạn bè thế giới, đồng thời tận dụng được những giá trị tích lũy đã khẳng định được tính đúng đắn trong thực tiễn”.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp cũng nhắc lại cam kết phát thải carbon bằng 0 mà Việt Nam đưa ra tại COP26. “Để đạt được mục tiêu ấy, nền nông nghiệp chạy theo sản lượng sẽ khó bền vững mà cần chuyển hóa những tư duy, kiến thức mới thành kế hoạch cụ thể trong thực tế”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Đồng thời Bộ trưởng NN&PTNT cũng khẳng định đã đến lúc nông nghiệp Việt Nam cần lấy chuẩn mực thị trường để sản xuất nông nghiệp, thay vì lấy sản xuất để định hình thị trường, trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay.

Với “đầu bài” của ngành nông nghiệp đưa ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho rằng, cần có sự kết nối cụ thể, thực chất giữa chuyên gia - nhà quản lý và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sự liên kết hợp tác, chia sẻ kiến thức, mở rộng cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp thông minh.

Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược về kinh tế vĩ mô, Bộ KH&ĐT xác định nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế vừa trải qua dịch COVID-19 và trên đà phục hồi như hiện nay, ngành nông nghiệp càng phát huy giá trị trong đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, cũng như thực hiện các mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có chính sách hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nông nghiệp, ông Phương cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với ngành nông nghiệp Việt Nam.

Trong thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã chủ động thúc đẩy các hoạt động kết nối thông qua Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại nhiều nước trên thế giới nhằm tạo diễn đàn trao đổi về thực tiễn phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các hoạt động nông nghiệp của các nước tiên tiến.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương

“Đây là nguồn kiến thức hết sức giá trị và thực tiễn cho các doanh nghiệp, cá nhân và cả nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt với sự tham gia của Bộ NN&PTNT, đây sẽ là bước khởi đầu tích cực để kết nối các nguồn lực tri thức, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam chủ động tiếp cận với các giải pháp, công nghệ, kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến của các nước trên thế giới".

Những chuyện 20 năm trước không làm được giờ hoàn toàn có thể

Một trong những nội dung được hội thảo bàn luận và định hướng sớm hiện thực hóa là công nghệ chọn giống cây tốt. Tham luận tại hội thảo, GS.TS Henry Nguyen, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học (Đại học Công nghệ Texas) và Trung tâm Công nghệ Sinh học Đậu nành Quốc gia (Đại học Missouri) chia sẻ, trước đây các chính phủ tập trung vấn đề an ninh thực phẩm, sản lượng, tăng năng suất, song hiện chất lượng là điều quan trọng.

Ở quốc gia có sự phát triển nông nghiệp hàng đầu thế giới như Mỹ, việc tạo giống cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt được chú trọng. Công nghệ lai tạo giống giúp tạo giống phát triển nhanh, thậm chí giúp rút ngắn một nửa thời gian và đưa ra sản phẩm tốt.

Ảnh tác giả

“Công nghệ mới sẽ giúp lựa chọn giống tốt rất nhanh, như sử dụng bigdata, deep learning giúp chọn dòng bố mẹ tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Những chuyện 20 năm trước không làm được, giờ đây hoàn toàn có thể”.

GS.TS Henry Nguyen, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học tại Đại học Công nghệ Texas

Lấy ví dụ về công nghệ chỉnh sửa gene, GS.TS Henry Nguyen cho biết, cùng công nghệ giải mã, bản đồ di truyền, những bản đồ mật mã của các giống cây trồng như cà phê, lúa bắp, đậu nành, khoai tây giúp người dân biết khi nào nên trồng cây gì, chuyển lựa gene nào có năng suất cao.

“Chỉ trong vòng 5 - 10 năm, chúng ta sẽ được hưởng lợi từ tri thức trong tương lai khi giống thay đổi hữu hiệu. Việc sử dụng công nghệ mới sẽ giúp làm rất nhanh, như sử dụng bigdata, deep learning giúp chọn dòng bố mẹ tốt, các loại drone đánh giá cây con và công nghệ phòng lab tạo giống tốt giúp chuyển lựa gene”, ông Henry Nguyen khẳng định.

Tại hội thảo, các chuyên gia đưa thêm các ý kiến về công nghệ mới giúp cải tiến giống cây trồng như hiện trạng trồng bơ tại Việt Nam, hay công nghệ bảo quản nông sản để đạt được cây trồng năng suất cao phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời các chuyên gia cũng bàn luận về giải pháp hỗ trợ các địa phương tìm ra các giải pháp nâng cao năng suất cây trồng phục vụ xuất khẩu, thúc đẩy trao đổi và chuyển giao khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.