Đề xuất Quảng Tây xuất nhập khẩu rau quả ở toàn bộ 9 cặp cửa khẩu

Nông Sản Quảng Tây
14:56 - 31/05/2023
0:00 / 0:00
0:00
Tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) hiện có 9 cặp cửa khẩu với Việt Nam nhưng mới 6 cặp xuất nhập khẩu rau củ quả, do đó, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề xuất tỉnh này mở cửa toàn bộ các cửa khẩu để giảm áp lực thông quan nông sản vào vụ.

Việt Nam xác định Quảng Tây là cửa ngõ đưa nông sản Việt Nam vào Trung Quốc. Do đang vào mùa cao điểm của các loại trái cây như sầu riêng, xoài nên tình hình thông quan tại các cửa khẩu với Quảng Tây có dấu hiệu quá tải.

Trước tình hình đó, tại buổi hội đàm với lãnh đạo Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây và ông Vương Vị Băng, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh, ngày 30/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam đã nêu ra một số đề nghị của phía Việt Nam.

Trong đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề cập đến tình hình một số cửa khẩu đang quá tải, cần có thêm sự trao đổi thông tin giữa các đơn vị ở cửa khẩu để thông quan được thuận lợi hơn.

“Có một số vấn đề chúng ta cần bàn luận trực tiếp, liên quan đến các tiêu chuẩn xuất nhập khẩu hàng nông sản, cơ chế thông quan, cấp mã QR kiểm soát lượng hàng hóa và các chính sách để hai bên cùng phối hợp điều hành”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu vấn đề.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT làm việc với Cục Hải quan Nam Ninh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại Quảng Tây, ngày 30/5. Ảnh: MARD.

Đoàn công tác Bộ NN-PTNT làm việc với Cục Hải quan Nam Ninh, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại Quảng Tây, ngày 30/5. Ảnh: MARD.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hiện nay, lưu lượng hàng hóa của cả 2 nước trao đổi qua khu vực Quảng Tây rất nhiều nên áp lực thông quan là rất lớn. Do đó, để giải quyết kịp thời các vấn đề tại cửa khẩu, Thứ trưởng đề nghị phía Hải quan Nam Ninh thiết lập một đầu mối thông tin để Bộ NN&PTNT Việt Nam và Cục Hải quan Nam Ninh có thể liên lạc dễ dàng với nhau, giảm thiểu trao đổi qua văn bản.

Quảng Tây hiện có biên giới với 4 tỉnh của Việt Nam với 9 cặp cửa khẩu nhưng mới 6 trong số đó được xuất nhập khẩu rau củ quả. Do đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiến nghị Hải quan Nam Ninh xem xét, mở rộng quy mô xuất nhập khẩu rau củ quả lên toàn bộ 9 cặp cửa khẩu, giảm áp lực cho các cửa khẩu truyền thống, tránh ùn tắc, giảm chi phí, đem lại thuận lợi cho cả hai bên.

Bên cạnh đó, đại diện Bộ NN&PTNT Việt Nam cho rằng, trong những cơ chế, chính sách hiện nay vẫn còn những kẽ hở mà kẻ xấu có thể lợi dụng. Ví dụ như cấp chứng thư giả hay vấn đề gian dối số lượng, sản lượng hàng hóa.

Ngoài ra, vấn đề ưu tiên thông quan sớm cho một số mặt hàng nông sản cũng được Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh vì nhiều nông sản không thể chờ lâu, ảnh hưởng đến chất lượng.

Liên quan vấn đề cửa khẩu số, hải quan thông minh, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề xuất phía Hải quan Nam Ninh sớm xây dựng đề án cụ thể vì ở khu vực cửa khẩu có nhiều đơn vị cùng làm nhiệm vụ chứ không phải chỉ Bộ NN&PTNT.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT Việt Nam cũng đề cập ý tưởng thành lập Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam - Quảng Tây. Từ đó tập hợp các doanh nghiệp có nhu cầu xuất nhập khẩu của hai nước để kết nối, quản lý cho thuận lợi hơn.

“Hiện tại, nhu cầu hợp tác các doanh nghiệp nông sản giữa hai nước rất lớn, ví dụ như trong các mùa thu hoạch trái cây như mùa vải đang diễn ra ở Bắc Giang, Hải Dương. Việc thành lập hiệp hội sẽ giúp các cơ quan chức năng tiếp cận gần hơn với các doanh nghiệp, định hướng, hỗ trợ tốt hơn để đẩy mạnh kim ngạch xuất nhập khẩu”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng nêu kiến nghị về việc thành lập các chuỗi doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực logistics. Đặc biệt là chuỗi lạnh với sự kiểm soát của cơ quan chức năng hai nước để phục vụ xuất nhập khẩu nông sản, đảm bảo chất lượng, giảm giá thành trong giao thương.

Lô hàng chuối được thông quan tại cửa khẩu Quảng Tây. Ảnh: MARD.

Lô hàng chuối được thông quan tại cửa khẩu Quảng Tây. Ảnh: MARD.

Trung Quốc sẽ nghiên cứu thí điểm hệ thống cửa khẩu thông minh

Những năm gần đây, Quảng Tây phát huy ưu thế địa lý, đẩy mạnh giao thương với Việt Nam, đạt được hiệu quả nổi bật.

Tính đến năm 2022, Việt Nam đã 24 năm liên tiếp là bạn hàng mậu dịch lớn nhất của Quảng Tây. Riêng trong năm 2022, tổng giá trị nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Quảng Tây đạt hơn 14 tỷ NDT. Từ tháng 1 - 4/2023, mậu dịch nông sản song phương đạt hơn 4 tỷ NDT, tăng hơn 40% so với cùng kỳ.

Làm việc với Thứ trưởng Trần Thanh Nam, ông Vương Vị Băng, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh nhấn mạnh, Hải quan Nam Ninh sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác giữa hai bên. Đối với thương mại nông sản, vấn đề kiểm dịch và đẩy nhanh quá trình thông quan là vấn đề Hải quan Nam Ninh rất coi trọng.

Bàn về giải pháp thúc đẩy thông quan nông sản hai nước, Cục trưởng Hải quan Nam Ninh đưa ra 3 đề xuất với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT. Thứ nhất, đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường giao lưu và thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn.

Thứ hai, tăng cường nghiên cứu đưa hệ thống cửa khẩu thông minh vào hoạt động thí điểm. Hiện nay, phía Trung Quốc đã đề xuất thiết lập hệ thống Hải quan thông minh còn phía Việt Nam thì cho ra đời hệ thống Cửa khẩu số, rất tương đồng về quan điểm.

Thứ ba, tiếp tục tạo thuận lợi cho thương mại nông sản nói riêng và thúc đẩy phát triển thương mại Việt Nam – Trung Quốc nói chung. Trong đó, tiềm năng phát triển hợp tác trong thương mại nông sản giữa hai nước là rất lớn.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và ông Hứa Hiển Huy, Phó Chủ tịch Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây. Ảnh: MARD.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam và ông Hứa Hiển Huy, Phó Chủ tịch Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây. Ảnh: MARD.

Cũng tại buổi làm việc, ông Hứa Hiển Huy, Phó Chủ tịch Khu tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây nhấn mạnh, coi trọng việc đầu tư tại Việt Nam. Hiện tại có 14 doanh nghiệp Quảng Tây đang đầu tư ở Việt Nam. Trong khi đó, tại hai thành phố biên giới là Đông Hưng và Bằng Tường, các khu thương mại nông nghiệp đang được xây dựng.

Tin liên quan

Đọc tiếp