Định giá cổ phiếu hàng không vẫn ở mức cao do triển vọng lợi nhuận yếu

VIETNAM AIRLINES Hàng KHông
07:09 - 02/02/2023
Vietnam Airlines vẫn lỗ nặng trong năm 2022.
Vietnam Airlines vẫn lỗ nặng trong năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù Trung Quốc mở cửa trở lại là yếu tố tích cực nhưng ngành hàng không vẫn phải đối mặt với một số bất lợi trong năm nay, bao gồm suy thoái tại những quốc gia lớn, thu nhập khả dụng giảm đáng kể do tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất tăng.

Ngành hàng không toàn cầu ghi nhận phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu và hiệu suất trong năm 2022. Việt Nam đã mở cửa trở lại cả hai tuyến nội địa và quốc tế từ ngày 15/3/2022 và là một trong những nước mở cửa sớm nhất châu Á, giúp nhu cầu bay trong nước hồi phục mạnh mẽ. Năm 2022, mặc dù mở cửa hoàn toàn chỉ trong 9 tháng, ngành hàng không Việt Nam đã đón tiếp 99 triệu lượt khách.

Các yếu tố tiêu cực như giá dầu cao, khách quốc tế đến ít, chi phí tài chính cao vẫn tạo ra gánh nặng cho các hãng hàng không (HVN, VJC), trong khi các doanh nghiệp dịch vụ sân bay (ACV, SCS, AST, SGN) bắt đầu ghi nhận sự phục hồi mạnh về doanh thu và lợi nhuận khi không chịu áp lực cạnh tranh cao như các doanh nghiệp hàng không.

Nhìn sang năm 2023, Chứng khoán SSI cho rằng ngành hàng không sẽ có triển vọng tích cực. Rõ ràng nhất là việc nhu cầu toàn cầu tiếp tục hồi phục khi Trung Quốc hủy bỏ chính sách Zero Covid, tạo cơ hội cho du lịch Châu Á -Thái Bình Dương và du lịch xuyên lục địa.

Đối với Việt Nam, đây là yếu tố đáng kể tác động đến ngành hàng không, khi khách Trung Quốc chiếm 32% khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không trong năm 2019 và Trung Quốc là điểm đến du lịch sôi động nhất đối với người Việt Nam.

SSI ước tính khách Trung Quốc đến Việt Nam dần hồi phục trong quý 2/2023, trước khi đạt đỉnh vào kỳ nghỉ hè 2023. Các chuyến bay quốc tế 2024 có thể vượt qua mức 2019, đánh dấu hồi phục hoàn toàn cho ngành hàng không Việt Nam.

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này vẫn có nhiều thách thức do 3 năm vừa qua thiếu vắng khách quốc tế. Do đó, SSI cho rằng việc hồi phục cần nỗ lực về tuyển dụng nhân sự và cải thiện cơ sở vật chất. Những thách thức khác bao gồm suy thoái tại những quốc gia lớn, như US, EU, Nhật Bản, và thu nhập khả dụng giảm đáng kể do tỷ lệ thất nghiệp và lãi suất tăng.

Mặc dù lợi nhuận các hãng hàng không được hỗ trợ bởi giá nhiên liệu giảm và công suất đội bay tăng nhưng SSI cho rằng vẫn duy trì ở mức thấp hoặc âm, do chi phí nhiên liệu vẫn ở mức cao hơn khoảng 20% so với trước đại dịch, trong khi doanh thu từ khách quốc tế sẽ phục hồi từ từ và bối cảnh ngành sẽ khá cạnh tranh trong giai đoạn đầu mở cửa lại.

Ngoài ra, một số biện pháp tiết kiệm chi phí, như khấu hao theo giờ bay trong Covid-19 có thể không còn hiệu quả khi bước vào giai đoạn phục hồi, thêm một áp lực chi phí đối với các hãng hàng không.

Doanh nghiệp sân bay có triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ hơn

Dựa trên bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại và chuyến bay quốc tế hồi phục, SSI lựa chọn các cổ phiếu sân bay nhờ triển vọng lợi nhuận mạnh mẽ. Nhóm phân tích ước tính sản lượng khách quốc tế đạt 80% mức trước Covid trong 2023 (từ 20% năm nay), nhờ đó doanh thu, lợi nhuận các công ty dịch vụ sân bay cải thiện mạnh.

Như ACV, SSI ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2023 sẽ đạt 8.700 tỷ đồng (cải thiện từ 7.000 tỷ đồng trong 2022), tương đương 85% mức năm 2019. Đối với AST (bán lẻ tại sân bay và hàng miễn thuế), ước tính lợi nhuận trước thuế 2023 tăng lên 234 tỷ đồng, từ mức hòa vốn trong 2022 và tương đương 88% mức năm 2019. Tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất trong kỳ nghỉ lễ mùa hè (quý 2, quý 3), khi sản lượng khách quốc tế bắt đầu hồi phục.

SSI không lựa chọn cổ phiếu hàng không cho năm 2023 do cạnh tranh và chi phí nhiên liệu vẫn tạo áp lực mạnh lên biên lợi nhuận ngành vốn thường ở mức thấp (biên lợi nhuận 2019 các công ty hàng không là 3-7%). Cần thêm thời gian để tỷ trọng các chuyến bay quốc tế tăng giúp giảm cạnh tranh về giá, giảm chi phí vốn và rủi ro chi phí nguyên liệu, ước tính diễn ra vào cuối 2023.

Đáng chú ý, Vietnam Airlines (HVN) có khả năng hủy niêm yết do vốn chủ sở hữu âm trong năm 2022, sau khi công bố báo cáo tài chính đã kiểm toán trong quý 1/2023. Nếu hủy niêm yết, cổ phiếu vẫn giao dịch tại UpCOM. Theo quy định của HoSE, để niêm yết trở lại, công ty cần giải quyết lợi nhuận giữ lại âm (khoảng -26.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022). SSI cho rằng HVN có thể mất nhiều năm để giải quyết hoàn toàn (khoảng 10 năm dựa trên lợi nhuận 2019).

Về định giá, đối với nhóm sân bay, giá cổ phiếu ACV đã hồi phục và vượt mức trước Covid trong năm 2022. EV/EBITDA 2024 dự phóng là 16x, cao hơn EV/EBITDA 2019 là 11x. Đối với AST, PE dự phóng 2023 là 16x, tương đương mức trung bình trước Covid (trong khoảng 14x20x). Định giá sẽ trông hấp dẫn hơn nếu nhìn vào PE 2024 ở mức 11x, nhờ lợi nhuận 2024 ước tính vượt mức trước Covid.

Đối với nhóm hàng không, định giá vẫn duy trì mức cao do triển vọng lợi nhuận yếu. Đối với HVN, SSI vẫn ước tính công ty chịu lỗ trong 2023 mặc dù ở mức thấp hơn so với 2022 do chi phí nhiên liệu giảm và công suất đội tàu tăng.

Tin liên quan

Đọc tiếp