Doanh nghiệp Đà Nẵng hoạt động cầm chừng vì thiếu nguồn lao động

DOANH NGHIỆP Việt nAM
07:09 - 07/10/2021
Thiếu nguồn lao động, doanh nghiệp Đà Nẵng lao đao, hoạt động cầm chừng
Thiếu nguồn lao động, doanh nghiệp Đà Nẵng lao đao, hoạt động cầm chừng
0:00 / 0:00
0:00
Do người lao động chưa thể trở lại làm việc, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng chỉ mới hoạt động cầm chừng.
Người lao động chưa thể trở lại Đà Nẵng làm việc. Ảnh: Phước Nguyên

Người lao động chưa thể trở lại Đà Nẵng làm việc. Ảnh: Phước Nguyên

Thời gian qua, để kiểm soát dịch bệnh, TP.Đà Nẵng đã thực hiện các biện pháp cứng, đặc biệt là áp dụng Chỉ thị 16+. Cùng với đó, thành phố đã tiến hành các chốt ở các tuyến đường để kiểm soát lượng người đi lại.

Chính vì phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong thời gian dài, các doanh nghiệp đã bị “tổn thương” nặng nề dù đã nới lỏng. Và các doanh nghiệp vẫn chưa thể hoạt động bình thường khi nguồn lao động từ các tỉnh vẫn chưa thể trở lại địa phương làm việc.

Theo ghi nhận của PV MEKONG ASEAN thì, hiện việc đi lại giữa các chốt kiểm dịch của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng vẫn đang gặp phải một số bất cập trong quá trình áp dụng của các cơ quan có thẩm quyền. Chính vì vậy, người lao động, khi qua các chốt bị mắc lại không thể vào các tỉnh khác.

Cụ thể, người từ TP.Đà Nẵng vào Quảng Nam trong ngày (không lưu trú dài ngày) thì căn cứ mục 4.1 trong văn bản hướng dẫn tạm thời trong việc quản lý đi lại của người dân mà UBND tỉnh Quảng Nam ban hành ngày 01/10, phần dành riêng cho các trường hợp từ TP.Đà Nẵng vào tỉnh Quảng Nam và ngược lại.

Đối với chuyên gia, người lao động sinh sống tại TP.Đà Nẵng vào làm việc tại Quảng Nam, người dân có nhu cầu đi và về trong ngày: Phải cam kết thực hiện đi và về trên một tuyến đường cố định; khai báo y tế tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID-19; hạn chế tối đa việc tiếp xúc với cộng đồng, thực hiện nghiêm 5K.

Trường hợp ở lại tỉnh Quảng Nam mới phải đáp ứng bổ sung một trong hai điều kiện như đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19, đã khỏi bệnh COVID-19 nhưng cũng không yêu cầu xét nghiệm âm tính.

Trong khi đó, ở mục 5, dành cho người từ các tỉnh, thành phố đến Quảng Nam và ngược lại, UBND tỉnh Quảng Nam mới yêu cầu có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính do cơ quan có thẩm quyền cấp trong vòng 72 giờ.

Chính vì vậy, khi tách riêng phần dành cho 2 địa bàn giáp ranh Đà Nẵng - Quảng Nam áp dụng cho mục 4 thì người dân không sai khi chưa có giấy xét nghiệm âm tính. Nhưng khi áp dụng rộng ra cho các địa phương cụ thể, thành áp dụng cho mục 5 thì các chốt buộc người dân quay lại là có cơ sở.

Với những bất cập hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP.Đà Nẵng gặp không ít khó khăn trong hoạt động sản xuất vì thiếu nguồn lao động. Dù thiếu nguồn lao động, các doanh nghiệp không thể tuyển ngay lao động khác để thay thế.

Ông Hà Đức Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cơ khí Hà Giang Phước Tường bày tỏ, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP. Đà Nẵng phải tổ chức 3 tại chỗ. Tuy nhiên, việc vừa thực hiện biện pháp 3 tại chỗ vừa đảm bảo sản xuất gặp không ít khó khăn. Dù đơn hàng đã được khôi phục, tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn không thể đáp ứng được các đơn hàng như trước.

Nguyên nhân là nguồn lao động từ các địa phương khác chưa thể trở lại thành phố. Nguồn lao động hiện tại của Công ty ông Hà Đức Hùng đang bị thiếu hụt 50%. Doanh nghiệp cũng không thể nào tuyển thêm lao động. Bởi nguồn lao động cũ đã quen việc và muốn tuyển thêm thì phải mất ít nhất từ 6 tháng cho đến 1 năm để đào tạo họ quen việc. Do tình hình này, doanh nghiệp ông Hùng vẫn chưa dám nhận nhiều đơn hàng.

Với tình hình hiện nay, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cơ khí Hà Giang Phước Tường cho rằng, thành phố cần phải cho các nhà máy làm việc 100% số lượng công nhân.

Tiếp theo đó, việc xét nghiệm cho người lao động trong các doanh nghiệp cần giảm tần suất để bớt gánh nặng chi phí cho các doanh nghiệp; công tác tiêm vaccine cho người lao động tại các doanh nghiệp cần phải đẩy nhanh, để người lao động sớm quay trở lại làm việc. Cuối cùng, các địa phương cần tháo bỏ các thủ tục rườm rà khi qua các chốt kiểm dịch tỉnh.

"Thành phố cần xác định việc sống chung với dịch bệnh, theo tình hình mới chứ không nên đưa về trạng thái zero bệnh nhân COVID-19", ông Hùng nói.

Ngoài ra, thành phố cũng cần thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công, tạo ra dòng tiền ở ngoài thị trường, để các nhà đầu tư mạnh dạn tiếp tục đầu tư. Đồng thời, địa phương nên miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp hoặc cơ sở kinh doanh, nhằm tạo động lực khích lệ.

"Đến giờ phút này, doanh nghiệp nào còn cầm cự được thì đã rất thành công. Yếu tố thành công lớn nhất hiện giờ là giữ được khách hàng. Khi giữ được khách hàng, doanh nghiệp đó còn có thể trở lại hoạt động kinh doanh bình thường", vị Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cơ khí Hà Giang Phước Tường chia sẻ.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cơ khí Hà Giang Phước Tường cũng hy vọng, thành phố sớm đề xuất với Chính phủ về việc xuất gia hạn nợ cho các doanh nghiệp. Bởi qua mùa dịch này, các doanh nghiệp đóng cửa hầu như không còn nguồn thu trả nợ cho các ngân hàng. Các chính sách về giãn nợ cho doanh nghiệp cũng chưa thấy ngân hàng thực hiện.

Ông Lê Trường Kỹ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần DINCO cho hay, do tác động của dịch COVID-19, doanh nghiệp của ông bị ảnh hưởng nặng nề. Dù vậy, Công ty vẫn luôn tìm mọi cách để người lao động vẫn có mức lương tối thiểu để trang trải cuộc sống.

"Chúng tôi có khoảng trên 400 nhân sự và quỹ lương mỗi tháng là 5 tỷ đồng, nhưng vì dịch bệnh nên chỉ còn 2,5 tỷ đồng. Dù quỹ lương giảm, chúng tôi vẫn cố gắng cho người lao động vẫn có mức lương tối thiểu để đáp ứng cuộc sống. Nếu dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp sẽ gặp phải áp lực lớn khi không thể hoạt động sản xuất", ông Kỹ tâm sự.

Ông Kỹ nói chuyện với phóng viên về hoạt động của doanh nghiệp, hơn một tháng qua, doanh nghiệp của ông hầu như không thể hoạt động do phong tỏa cứng. Còn tại trụ sở chính, công ty có 100 nhân sự, nhưng nay chỉ còn 3 người làm việc, để xử lý các vụ việc.

Cũng theo vị Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần DINCO, việc tiêm vaccine cho doanh nghiệp Đà Nẵng vẫn còn ít. Nhưng đối tượng tiêm chủ yếu chỉ là chủ công ty, còn nhân viên thì vẫn chưa được. Trong khi đó, cơ cấu kinh tế thương mại dịch vụ Đà Nẵng lớn.

Do đó, chúng ta cần học hỏi các tỉnh việc mở cửa trở lại. Bởi nhiều doanh nghiệp cũng đã kiệt quệ về tài chính. Chủ của những doanh nghiệp này phải làm những ngành khác để sinh sống qua ngày.

“Những doanh nghiệp không còn khả năng hoạt động thì không hoạt động. Nhưng sợ nhất là những doanh nghiệp còn nguồn lực nhưng không chịu hoạt động. Bởi các doanh nghiệp đang có tâm thế bất an khi thành phố đóng mở các hoạt động liên tục. Nên điều này tạo tâm thế ngủ đông cho doanh nghiệp. Và ai cũng ngủ đông như vậy thì làm sao nền kinh tế có thể phục hồi được?”, ông Kỹ lo lắng./.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Grab tăng trưởng tích cực nhờ du lịch

Trong quý 1/2024, Grab ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh và khoản lỗ được thu hẹp. Hầu hết các mảng kinh doanh của công ty đều có cải thiện, nhờ lượng khách du lịch tăng cao trong các đợt lễ hội và các buổi hòa nhạc lớn ở khu vực Đông Nam Á.