Doanh nghiệp Việt và tham vọng IPO trên sàn quốc tế

DOANH NGHIỆP Việt nAM
07:39 - 19/01/2022
NYSE là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới mà nhiều doanh nghiệp Việt nhắm tới.
NYSE là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới mà nhiều doanh nghiệp Việt nhắm tới.
0:00 / 0:00
0:00
IPO trên sàn quốc tế không chỉ mang lại nguồn vốn lớn mà còn góp phần nâng cao vị thế của doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải việc đơn giản khi nhiều “đại gia” đã đánh tiếng từ lâu tham vọng IPO ở nước ngoài nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Những tham vọng mới

Vừa qua, Thaiholdings, thành viên tập đoàn Thaigroup của doanh nhân Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), gây chú ý với đề xuất chủ trương đầu tư Cảng Vũ trụ du lịch quy mô 30.000 tỷ đồng tại Phú Quốc. Đơn vị này còn ngay lập tức thành lập Thaispace với mục tiêu thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trong tương lai.

Du lịch vũ trụ không phải là ngành viển vông, các công ty tư nhân lớn trên thế giới đã quan tâm đầu tư lĩnh vực này. Đi tiên phong có hai công ty Blue Origin của tỷ phú Jeff Bezos và Virgin Galactic của tỷ phú ngành hàng không Richard Branson. Công ty SpaceX của tỷ phú sáng lập hãng xe điện Tesla là Elon Musk cũng đang tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ bay vào không gian.

Tất cả các doanh nghiệp trên đều của Mỹ và có tiềm lực tài chính cũng như công nghệ tốt nhất trên thế giới hiện nay. Việt Nam cũng hội đủ các điều kiện để có thể đặt Cảng vũ trụ du lịch trong tương lai. Tuy nhiên, để dấn thân vào lĩnh vực tối tân của loài người này, đòi hỏi tiềm lực đi kèm về tài chính và công nghệ phải rất lớn.

Trong khi đó, Thaispace dự kiến có vốn điều lệ 26.688 tỷ đồng. Trong đó, Thaiholdings chỉ góp khoảng 5%, tương ứng hơn 1.300 tỷ đồng. Số tiền còn lại, công ty sẽ phải huy động từ các nhà đầu tư. Và để nhanh chóng có đủ vốn cũng như ghi danh vào lĩnh vực du lịch vũ trụ, Thaispace dự định IPO trên sàn chứng khoán Mỹ ngay trong năm 2022.

Đây không phải doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam bày tỏ tham vọng IPO quốc tế như trên. Trước Thaispace, rất nhiều tên tuổi lớn của Việt Nam cũng có chung kế hoạch huy động vốn trên kênh chứng khoán quốc tế. Đáng chú ý trong số này có tập đoàn Vingroup của tỷ phú giàu nhất Việt Nam Phạm Nhật Vượng.

VinFast đang tái cấu trúc để chuẩn bị cho kế hoạch IPO trên sàn NYSE.

VinFast đang tái cấu trúc để chuẩn bị cho kế hoạch IPO trên sàn NYSE.

Thông tin tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự định IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) cho công ty thành viên VinFast được hai hãng thông tấn lớn là Bloomberg Reuters đưa tin hồi tháng 4/2021. Với kỳ vọng huy động được khoảng 3 tỷ USD, ước tính định giá của VinFast là hơn 50 tỷ USD.

Ngay sau khi tiết lộ dự định trên, VinFast rất tích cực mang các mẫu xe điện đến Mỹ để quảng bá. Đáng chú ý, hồi cuối năm 2021, HĐQT Vingroup đã phê duyệt việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp trong Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast cho Công ty VinFast Trading and Investment Pte.Ltd., một công ty con của Vingroup có trụ sở chính tại Singapore.

Theo chia sẻ của đại diện Vingroup, việc chuyển nhượng này là để tái cấu trúc nội bộ. Sau khi hoàn thành, Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast sẽ trực tiếp sở hữu 100% cổ phần của VinFast Trading and Investment. Và đây chính là một bước trong quá trình chuẩn bị để tập đoàn IPO VinFast tại Mỹ vào nửa sau năm 2022.

Cũng trong tháng 4/2021, Reuters đưa tin ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Bamboo Airways tiết lộ rằng hãng hàng không này có kế hoạch huy động 200 triệu USD thông qua IPO tại Mỹ, bằng việc phát hành từ 5 - 7% cổ phần công ty, thời gian thực hiện dự kiến trong quý 3/2021.

Sau đó, xác nhận với báo chí Việt Nam, đại diện FLC cũng xác nhận Bamboo Airways đang có kế hoạch trên. Theo đó, hãng hàng không đã lựa chọn một công ty kiểm toán quốc tế để chuẩn bị cho kế hoạch IPO này, dự kiến trên sàn giao dịch chứng khoán New York. “IPO sẽ là một phần nỗ lực mở rộng dịch vụ ra toàn cầu của chúng tôi”, ông Quyết chia sẻ với Reuters.

Tham vọng IPO trên NYSE của Bamboo Airways diễn ra trong bối cảnh hãng bay này nhắm tới việc khai thác các chuyến bay thẳng đi Mỹ. Tuy nhiên đến nay, việc IPO của Bamboo Airways vẫn chưa có thông tin gì mới, dù hãng đã thành công trong việc mở đường bay thẳng tới xứ cờ hoa.

Bamboo Airways chưa có động thái mới về IPO dù đã bay thẳng tới Mỹ.

Bamboo Airways chưa có động thái mới về IPO dù đã bay thẳng tới Mỹ.

Tiki cũng là một trong những doanh nghiệp Việt gần đây bày tỏ tham vọng muốn niêm yết cổ phiếu tại thị trường chứng khoán Mỹ. Công ty thương mại điện tử này vừa huy động được 258 triệu USD hồi tháng 11/2021, trong vòng gọi vốn do công ty bảo hiểm AIA dẫn đầu.

Startup thương mại điện tử Tiki cũng muốn mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và dự định niêm yết tại Mỹ vào năm 2025. Tuy nhiên, CEO Tiki Trần Ngọc Thái Sơn chia sẻ muốn đẩy kế hoạch này lên sớm 1 năm, có thể thông qua hình thức SPAC (sáp nhập với công ty thâu tóm chuyên nghiệp).

The CrownX là công ty con của tập đoàn Masan và nắm giữ trực tiếp hai mảng kinh doanh có doanh thu lớn nhất là Masan Consumer Holdings (sản xuất hàng tiêu dùng) và WinCommerce (sở hữu chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng tiện lợi Winmart+).

Mới được thành lập từ giữa năm 2020 nhưng The CrownX đã thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư quốc tế, thể hiện qua việc huy động được hơn 1,5 tỷ USD. Gần đây nhất, công ty gọi vốn thành công với trị giá 350 triệu USD từ Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi và Temasek – cơ quan đầu tư của chính phủ Singapore.

Sau đợt gọi vốn này, ông Danny Lê (Tổng giám đốc Masan) tiết lộ, The CrownX sẽ IPO trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023-2024.

Được tạo điều kiện nhưng cũng nhiều rào cản

IPO là viết tắt của cụm từ “Initial Public Offering”, có nghĩa là phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. IPO giúp các doanh nghiệp gia tăng vốn, mở rộng sản xuất. Khi tiến hành IPO ở thị trường chứng khoán nước ngoài, doanh nghiệp Việt ngoài thu hút được nguồn tiền lớn còn giúp nâng cao được vị thế, hình ảnh của doanh nghiệp, đất nước.

Tuy nhiên thực tế việc này lại có vẻ không hề dễ dàng. Nhiều năm trước khi Thaispace, Vinfast hay Tiki bày tỏ tham vọng IPO, đã có một số công ty lớn của Việt Nam từng đưa ra kế hoạch lên sàn ngoại gọi vốn nhưng đều chưa thành công.

Đơn cử như VNG (tiền thân là Vinagame) - startup “kỳ lân” (có định giá trên 1 tỷ USD) đầu tiên của Việt Nam. Được thành lập năm 2004, VNG thành công ở mảng cung cấp các dịch vụ trò chơi trực tuyến, điện toán đám mây, nền tảng truyền thông, dịch vụ tài chính và thanh toán.

Năm 2017, VNG ký kết một biên bản ghi nhớ về việc niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq ở Mỹ. Nhưng sau đó, hoạt động này không có gì tiến triển. Phải đến tháng 8 năm 2021, VNG mới tiếp tục nhắc đến việc IPO tại Mỹ. Theo đó, công ty đang tìm hiểu phương án niêm yết thông qua sáp nhập với một SPAC. Giao dịch này có thể định giá VNG ở mức 2-3 tỷ USD. Tuy nhiên, công ty vẫn nghiêng về phương án IPO truyền thống.

Quá trình chuẩn bị IPO tại nước ngoài của VNG đã diễn ra từ 2017 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Quá trình chuẩn bị IPO tại nước ngoài của VNG đã diễn ra từ 2017 nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Xa hơn, từ tháng 10/2008, Vinamilk cũng nhận được thư chấp thuận niêm yết từ SGX-ST (Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore) về việc phát hành và niêm yết hơn 8,7 triệu cổ phiếu phổ thông mới. Nhưng sau đó kế hoạch này bị hoãn lại. HĐQT Vinamilk không tiết lộ lý do cụ thể, chỉ cho biết sẽ thực hiện việc phát hành và niêm yết cổ phiếu trên SGX-ST khi điều kiện thị trường thuận lợi hơn.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, doanh nghiệp IPO tại nước ngoài thành công sẽ mang lại nhiều lợi ích. Điển hình nhất là bổ sung nguồn vốn cho doanh nghiệp; giúp doanh nghiệp thu hút các tổ chức tài chính lớn, các tổ chức kinh doanh cùng lĩnh cực. Ngoài ra, việc này còn giúp quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp, của đất nước trên thị trường quốc tế.

Theo Luật Chứng khoán 2019; Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Chứng khoán (bao gồm một mục riêng hướng dẫn chi tiết chào bán chứng khoán ra nước ngoài)…; nếu không thuộc diện lĩnh vực hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo và được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán nhà nước là có thể tiến hành IPO trên sàn quốc tế.

Tuy nhiên tại sao đến nay vẫn chưa doanh nghiệp nào thành công? Các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp của Việt Nam vẫn gặp khó trong việc IPO tại nước ngoài vì nhiều yếu tố. Điển hình như việc phải chịu sự điều chỉnh của ít nhất hai hệ thống pháp luật khác nhau. Như quy định về giới hạn tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty niêm yết theo pháp luật Việt Nam. Đối với những công ty có tỷ lệ sở hữu nước ngoài đã đạt mức cao thì khả năng tăng vốn thông qua phát hành và niêm yết quốc tế rất khó.

Hay như yêu cầu về chuẩn mực tài chính kế toán. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các doanh nghiệp phải áp dụng hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Còn tại các sàn giao dịch chứng khoán thế giới, chuẩn mực kế toán thường là các chuẩn mực hoặc thông lệ kế toán đã được áp dụng chung trên toàn cầu như GAAP của Mỹ, Canada hay Nhật, IFRS, IAS.

Grab trong lễ rung chuông đầu tiên của Nasdaq được tổ chức tại Đông Nam Á.

Grab trong lễ rung chuông đầu tiên của Nasdaq được tổ chức tại Đông Nam Á.

Một thách thức khác là doanh nghiệp niêm yết chứng khoán ra nước ngoài còn phải tuân thủ quy định của các sàn giao dịch quốc tế. Điều kiện để tham gia các sàn này cực kỳ nghiêm ngặt, có thể là điều kiện về lợi nhuận trước thuế, phân bố cổ phần, tình trạng tài chính và thanh khoản, tiêu chuẩn kế toán, thủ tục kiểm tra đánh giá hồ sơ đăng ký niêm yết…

Như NYSE là sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất thế giới có vốn hóa lên tới 24,5 nghìn tỉ USD. 82% các công ty S&P 500 (500 công ty có mức vốn hóa thị trường lớn nhất của Mỹ) được giao dịch trên sàn NYSE. Sàn này được kiểm soát rất chặt chẽ bởi Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Mỹ (SEC), nhằm duy trì một hệ thống trật tự và công bằng cho các nhà đầu tư. Vì vậy, để niêm yết được trên sàn này, các doanh nghiệp phải đáp ứng khá nhiều điều kiện “khó nhằn”.

Khó nhưng không phải là không thể thực hiện, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam đang mở cửa, thúc đẩy hợp tác quốc tế như hiện nay. Bằng chứng là đã có công ty Đông Nam Á thực hiện thành công thương vụ IPO trên sàn chứng khoán Mỹ. Đó chính là Grab, công ty kinh doanh dịch vụ đặt xe và giao hàng qua ứng dụng di động lớn nhất Đông Nam Á. Grab vừa niêm yết theo chỉ số Nasdaq trên Phố Wall vào ngày 2/12 vừa qua với mã chứng khoán GRAB.

Grab lên sàn tại Mỹ bằng “cửa sau” sau khi đạt được thỏa thuận sáp nhập trị giá 40 tỉ USD với Altimeter Growth, một công ty SPAC hồi tháng 4/2021. "Đây là giao dịch niêm yết tại Mỹ lớn nhất trong lịch sử được thực hiện bởi một công ty Đông Nam Á", ông Bob McCooey, Chủ tịch Nasdaq khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng trong quý 1/2024

Quý đầu năm 2024, Vinhomes báo lãi 884 tỷ đồng, giảm 92% so với mức 11.917 tỷ đồng của quý cùng kỳ năm ngoái. Lý giải nguyên nhân, doanh nghiệp này cho biết do chưa đến kỳ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cho các sản phẩm đang xây dựng dở dang.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 của DBC tổ chức sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Dabaco muốn chào bán hơn 140 triệu cổ phiếu

CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024 vào sáng ngày 27/4 tại TP Bắc Ninh. Tính đến 9h30 cuộc họp với sự tham dự của 294 cổ đông và người được ủy quyền, đại diện cho 53,59% vốn điều lệ DBC.