Thoạt nhìn, nhiều người không nghĩ đây là một chiếc bánh trung thu bởi tác phẩm được tạo hình, màu sắc giống như một mô hình điêu khắc. |
Chia sẻ với Mekong ASEAN về ý tưởng thực hiện chiếc bánh độc đáo, bạn Thùy Dương cho biết: “Trong một lần vô tình nhìn thấy các tác phẩm điêu khắc gỗ trên mạng xã hội, mình đã tìm ra phong cách làm bánh trung thu độc đáo riêng. Thay vì cứ mãi tạo hình thông thường, mình mong muốn biến những chiếc bánh trung thu của mình thành một tác phẩm nghệ thuật 3D đầy ấn tượng.
Sinh ra ở làng quê Bắc Bộ, những mái ngói, sân gạch, bờ tường rêu phong hay cây cau trước nhà đều trở thành ký ức bao giờ quên. Đó cũng chính là lý do mình đặt tên cho tác phẩm này là 'Hồi ức', như một cách tái hiện khung cảnh thơ ấu đầy thân thuộc”.
Bộ bánh trung thu mang tên "Hồi ức" mô phỏng làng quê truyền thống Bắc Bộ. |
Thoạt nhìn, nhiều người không nghĩ đây là một chiếc bánh trung thu bởi tác phẩm được tạo hình, màu sắc giống như một mô hình điêu khắc.
Ngôi nhà ba gian thời xưa của vùng nông thôn Bắc Bộ hiện lên sinh động với mái ngói cũ, bức tường rêu phong, sân gạch đỏ, cây cau, chum nước… Mỗi ngóc ngách, mỗi đồ vật đều được tái hiện về hình ảnh một làng quê truyền thống, yên bình.
Mỗi ngóc ngách, mỗi đồ vật đều được tái hiện về hình ảnh một làng quê truyền thống, yên bình. |
Điều đặc biệt là bánh được làm từ những nguyên liệu quen thuộc như bột nếp, đường, nước lọc… “Tuy nhiên, thay vì sử dụng công thức vỏ bánh nướng truyền thống bằng nước đường vàng như năm ngoái, lần này mình dùng nước đường trắng theo công thức vỏ bánh nướng hiện đại để màu sắc sinh động. Nhân bánh mình vẫn sử dụng nhân đậu xanh để dễ tạo hình,” bạn Thùy Dương nói.
Thùy Dương cùng các cộng sự mất 5 ngày hoàn thiện bánh trung thu mô phỏng làng quê Bắc Bộ. |
Chiếc bánh trung thu “Hồi ức” được bạn Thùy Dương cùng 3 người bạn khác thực hiện trong khoảng 5 ngày, nặng gần 30 kg. Trong đó, Dương là người lên ý tưởng và thực hiện chính. Tất cả các chi tiết đều được cả nhóm nặn thủ công bằng tay, từ bức tường cho đến từng viên ngói, viên gạch, lá cây…
Bánh được làm từ những nguyên liệu quen thuộc như bột nếp, đường, nước lọc... |
Công đoạn khó khăn nhất là bánh sau khi nướng dễ bị gãy và cong, đôi lúc phải gỡ hàng trăm viên ngói ra làm lại, khiến cả nhóm đôi lúc nản chí.
Tất cả các chi tiết đều được Dương và nhóm bạn nặn thủ công bằng tay. Từ viên ngói, viên gạch, bức tường, lá cây... |
“Mình cố gắng mô tả sao cho giống căn nhà cổ nhất. Chẳng hạn như gạch sân đâu có thẳng hàng thẳng lối, sẽ có viên nứt, viên vỡ. Hay phần mái nhà nhìn trông mới quá, sẽ cần làm cho nó nứt hơn, cổ kính hơn. Vì nước mưa rơi xuống phần kẽ ở mái sẽ tạo nên lớp rêu phong ẩm mốc, mình cứ mường tượng và làm từng chút. Mình và cả nhóm đã phải làm và sửa lại chiếc bánh không biết bao nhiêu lần. Khi sản phẩm hoàn thành thì lại thấy công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng,” bạn Thùy Dương kể.
Bộ bánh trung thu “Hồi ức” này sẽ không bán mà được bạn Thùy Dương trưng bày ở số 2 Đinh Liệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) trong ngày 29/8 tới đây nhằm quảng bá nét văn hóa Việt Nam. Vì bánh không sử dụng chất bảo quản nên phải duy trì thủ công bằng phương pháp sấy khô 2 - 3 ngày/lần. Bánh sẽ giữ được hơn một tháng mà không bị mốc hỏng.
Đây không phải lần đầu Thùy Dương “gây bão” mạng xã hội với những chiếc bánh trung thu độc đáo. Từ năm 2021, Thùy Dương đã có ý tưởng biến bánh trung thu thành tác phẩm nghệ thuật.
Thùy Dương còn là chủ nhân của nhiều sản phẩm bánh trung thu độc đáo và khác lạ. |
Từ lúc còn là sinh viên, Thùy Dương đã đam mê làm bánh và tham gia các khóa học làm bánh ngắn hạn. Sau đó tự mày mò, sáng tạo, làm ra những sản phẩm đặc biệt. Mỗi lần chia sẻ hình ảnh sản phẩm trên mạng xã hội, nhận được nhiều lời khen, Thùy Dương lại có thêm nhiều động lực sáng tạo.
Yêu văn hóa truyền thống Việt Nam, Thùy Dương thường lựa chọn chủ đề mang tính chất lịch sử hoặc gợi nhớ ký ức tuổi thơ. Bánh trung thu của Dương vẫn giữ được hương vị truyền thống bởi nguyên liệu dùng làm bánh đều từ bột gạo, đậu xanh, đường.