Dồn lực cho hạ tầng chiến lược để Gia Lai sớm có đường ra biển

THỦ TƯỚNG Gia Lai
22:35 - 22/05/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai. Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, Gia Lai đang phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là hạ tầng giao thông còn bất cập dẫn đến kết nối Gia Lai và Tây Nguyên với khu vực xung quanh, với các cảng biển còn khó khăn.

Sáng 22/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về kết quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại và xây dựng hệ thống chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đến nay; phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Đề xuất triển khai cao tốc Pleiku - Quy Nhơn

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Gia Lai, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) năm 2021 của tỉnh (theo giá so sánh năm 2010) tăng 9,71% so với năm 2020. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2021 theo giá hiện hành đạt 49.602,35 tỷ đồng, tăng 13,99% so với cùng kỳ năm trước.

Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 24.801 tỷ đồng, tăng 10,13% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 610 triệu USD, tăng 5,17% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 915 triệu USD, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ do nhập khẩu máy, thiết bị phục vụ thi công các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn.

Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 7.881 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 70.000 tỷ đồng, tăng 2,42 lần so với cùng kỳ. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng thứ 26 toàn quốc, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên, tăng 12 bậc so với năm 2020. Trong năm 2021, đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 54 dự án, tổng vốn đăng ký là 21.645 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội Gia Lai tiếp tục chuyển biến tích cực. Theo đó, GRDP quý I tăng 7,08%. Thu ngân sách 4 tháng đạt hơn 2.362 tỷ đồng, tăng 4,5%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 8.844 tỷ đồng, tăng 15,78%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 320 triệu USD, tăng 48%. Thành lập mới 315 doanh nghiệp, tăng 13,6%, toàn tỉnh hiện có 8.060 doanh nghiệp...

Kết quả trên là thành quả bước đầu trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư của tỉnh, nhất là trong phát triển các chương trình, dự án nông nghiệp, các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Tỉnh uỷ Gia Lai cũng nhìn nhận, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, năng lực cạnh tranh còn thấp; tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa đạt yêu cầu; hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là các ngành dịch vụ, du lịch, vận tải; hạ tầng giao thông tuy được cải tạo, nâng cấp song vẫn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển...

Trước tình hình đó, tỉnh nêu một số đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý là đầu tư đường cao tốc Pleiku - Quy Nhơn, tỉnh đề xuất với Trung ương, Chính phủ bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giao các ban, bộ, ngành Trung ương giúp tỉnh Gia Lai tìm đối tác để sớm triển khai trước năm 2030.

Trước đó, lãnh đạo 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Bình Định đã cùng ký tờ trình gửi Thủ tướng xem xét cho xây cao tốc kết nối ba địa phương, với chiều dài 160 km, tổng đầu tư 56.000 tỷ đồng. Tuyến cao tốc có điểm đầu giao quốc lộ 1 tại huyện Tuy Phước (Bình Định), điểm cuối giao tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây khu vực TP Pleiku, trước đó đã được quy hoạch, kết nối khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Dự án quy mô 4 làn xe, chạy song song quốc lộ 19, kinh phí dự kiến từ ngân sách, vốn vay ODA và thu hút nhiều nguồn khác. Giai đoạn một (2021-2025), tuyến sẽ làm trước hai làn, giải phóng mặt bằng 4 làn xe, với kinh phí 40.000 tỷ đồng.

Trong tờ trình gửi Thủ tướng, 3 địa phương nêu cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đặc biệt quan trọng, phát huy lợi thế vị trí địa kinh tế tỉnh Gia Lai, Bình Định và Kon Tum. Đây cũng là tuyến ngang kết nối các cao tốc dọc (cao tốc Bắc - Nam), góp phần hoàn chỉnh mạng lưới cao tốc Việt Nam. Tuyến đường cũng tạo trục cao tốc thông qua hệ thống các cảng biển của khu vực duyên hải miền Trung, kết nối Biển Đông với khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, vươn xa hơn kết nối các nước Thái Lan, Myanmar.

Đèo An Khê trên tuyến Quốc lộ 19 kết nối Gia Lai và Bình Định.

Đèo An Khê trên tuyến Quốc lộ 19 kết nối Gia Lai và Bình Định.

Phát huy khả năng tự lực, tự cường của Gia Lai

Trao đổi với tỉnh Gia Lai trong buổi làm việc ngày 22/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương nỗ lực và đánh giá cao kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai đạt được. Thủ tướng nhận định, Gia Lai hội tụ cả 3 thế mạnh nội lực là con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa. Thời gian qua, tỉnh đã đi đúng hướng, đã có đường nét phát triển.

Tuy nhiên điều Thủ tướng trăn trở là Gia Lai chưa phát triển tương xứng với tiềm năng lớn; cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; tỉnh đã có sự tự tin vươn lên từ nội lực nhưng chưa lớn; các bộ, ngành đã quan tâm tới tỉnh nhưng chưa nhiều; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn khó khăn…

Thủ tướng đề nghị Gia Lai và các bộ, ngành phải trăn trở, suy nghĩ để tỉnh tăng tốc nhanh hơn, đột phá hơn, bền vững hơn. "Tỉnh cần tập trung giải quyết cơ chế, chính sách để phát triển, phát triển hạ tầng chiến lược và quan trọng nhất tự tin vươn lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình, tự lực tự cường hơn nữa, phát huy nội lực mạnh hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh. Ông cũng lấy ví dụ về đội bóng "Phố Núi" CLB Hoàng Anh Gia Lai đã đạt nhiều thành tích lớn trong nước và khu vực, để chứng minh về khả năng tự lực, tự cường vươn lên của Gia Lai.

Lưu ý một số vấn đề trọng tâm đối với Gia Lai trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh để "khai thác tốt tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực để xây dựng Gia Lai phát triển nhanh, bền vững, giàu bản sắc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng động lực của khu vực Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia".

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ứng dụng khoa học và công nghệ; Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - xây dựng, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông, lâm sản gắn với phát triển, bảo vệ rừng; Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả đầu tư công, trong bối cảnh nguồn lực có hạn cần mạnh dạn cắt giảm các dự án đầu tư công chưa cần thiết, tránh manh mún, dàn trải, kéo dài, tập trung cho các dự án trọng tâm, trọng điểm, có tính lan tỏa cao...

Với các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng cho biết Trung ương sẽ cùng với Gia Lai để tìm đối tác triển khai đầu tư cao tốc Pleiku-Quy Nhơn theo hướng dự án hợp tác công tư. Tỉnh thực hiện nhiệm vụ cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tiết kiệm ngân sách, tham gia bố trí nguồn vốn cho dự án này để có đường ra biển nhanh chóng, thuận tiện.

Thủ tướng cũng đồng tình về việc xây dựng cơ chế, chính sách với những địa phương có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, bảo đảm an ninh lương thực… Tinh thần là tạo điều kiện để địa phương và người dân có sinh kế, phát triển, giàu lên từ rừng, từ an ninh lương thực.

Tin liên quan

Đọc tiếp