Thủ tướng: 'Doanh nghiệp đầu tư vào Gia Lai cần có cảm xúc từ trái tim và khối óc'

Gia Lai ĐẦU TƯ
18:59 - 21/05/2022
0:00 / 0:00
0:00
Từ những tiềm năng và thế mạnh của Gia Lai trong việc thu hút đầu tư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh hãy nghiên cứu vùng đất này với nhiều cảm xúc để có thể quyết tâm "biến cái không thể thành có thể".

Nằm trong chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư các tỉnh Tây Nguyên, hội nghị “Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022” được tổ chức chiều 21/5 tại Pleiku đã gợi mở nhiều dư địa và định hướng thu hút đầu tư cho tỉnh. Phát biểu tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra định hướng cho Gia Lai về tăng cường thu hút đầu tư trên góc nhìn tổng thể quốc gia.

Đầu tư vào Gia Lai cần phải có nhiều cảm xúc để biến không thành có

Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, Việt Nam nằm trong vị trí địa chiến lược quan trọng của khu vực bao gồm cả những yếu tố thuận lợi và không thuận lợi. “Để thực hiện một đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa đa phương hóa là bạn bè tốt của các nước trên thế giới. Việt Nam cần xây dựng được một nền kinh tế độc lập tự chủ cần dựa vào sức mình là chính, phát huy nội lực và kết hợp ngoại lực. Đây cũng là đường lối áp dụng cụ thể cho từng tỉnh và Gia Lai không nằm trong số đó”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phân tích.

Theo người đứng đầu Chính phủ, tỉnh Gia Lai cần tranh thủ nguồn lực từ các doanh nghiệp bên ngoài, từ các doanh nghiệp quốc tế đến tỉnh đầu tư và tìm ra cách để huy động, hội tụ được các nguồn lực đó. Đồng thời với chiến lược này, Gia Lai cũng phải tự xây dựng nội lực vững mạnh để tăng tính thu hút đầu tư với bên ngoài.

Muốn làm được điều đó, Thủ tướng nhấn mạnh, Gia Lai cần phải có những đột phá, trong đó quan trọng nhất là vốn. Theo đó càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Gia Lai, tỉnh càng có cơ hội tăng thêm vốn. Thứ hai là khoa học công nghệ, cách thức sản xuất vì chỉ khi có sự cải cách, làm mới so với lối mòn thì sẽ mang lại cho tỉnh nhiều thuận lợi để có thể gia tăng giá trị cho sản phẩm quan trọng của tỉnh là nông sản.

Đột phá thứ ba không thể thiếu của Gia Lai theo Thủ tướng Chính phủ là vấn đề cơ chế, chính sách cần có sự cởi mở, thông thoáng để các doanh nghiệp có thể dễ dàng nhận thấy sự thu hút từ các tiềm năng của tỉnh, từ đó xúc tiến các hoạt động đầu tư kinh doanh.

“Gia Lai phải tập trung phát triển hạ tầng về kinh tế nói riêng và các hạ tầng đồng bộ nói chung. Tránh sự dàn trải, manh mún, đầu tư phải có tập trung trọng điểm, đẩy mạnh hợp tác công - tư. Cùng với đó là cải cách hành chính để có sự thông thoáng trong thủ tục đầu tư”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra những giải pháp xúc tiến đầu tư và phát triển cho tỉnh.

Ảnh: Quách Sơn

Ảnh: Quách Sơn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

“Các doanh nghiệp khi có dự định đầu tư vào Gia Lai hãy nghiên cứu vùng đất này với nhiều cảm xúc, yêu nơi này, yêu con người nơi đây để có thể quyết tâm biến không thành có, biến cái không thể thành có thể. Chính những cảm xúc từ trái tim, khối óc sẽ tạo ra quyết tâm để doanh nghiệp đầu tư thành công, xây dựng được lợi ích hài hòa, chia sẻ rủi ro một cách cân bằng tại Gia Lai”.

Trong khi đó, thông tin về những tiềm năng thế mạnh của tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết, tuy nền kinh tế - xã hội của cả nước năm 2021 gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng năm qua lại là năm khởi sắc của kinh tế tỉnh Gia Lai.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 (theo giá so sánh 2010) tăng 9,71% so với năm 2020, thu ngân sách nhà nước đạt gần 7.900 tỷ đồng, tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 70.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1,48 tỷ USD, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2020.

Năm 2021, Gia Lai có 60 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký 29.227 tỷ đồng. Bên cạnh đó là 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng.

“Trong năm 2021, Gia Lai đã có cơ hội tiếp nhiều nhà đầu tư có tiềm năng và năng lực về tài chính đến nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư, hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có Công ty TNHH Meiwa Việt Nam, Công ty TNHH Phú Thái Holdings, CTCP Đầu tư Alphanam, CTCP Shinec, CTCP Eurowindow Holding, CTCP Bất động sản Tân Á Đại Thành”, ông Thành cho biết thêm chi tiết.

Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng đã có các hoạt động làm việc trực tiếp và trực tuyến với các Đại sứ quán, Lãnh sự quán Ấn Độ, Cu Ba, Phần Lan, Hà Lan... hứa hẹn nhiều triển vọng về thu hút đầu tư vào tỉnh vùng Tây Nguyên này.

Ảnh: Quách Sơn

Ảnh: Quách Sơn

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành,

“Những điều kiện thuận lợi của tỉnh đang từng bước được Gia Lai phát huy hiệu quả, mở ra cánh cửa mới để chào đón các nhà đầu tư tiềm năng vào 3 lĩnh vực thế mạnh gồm: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo du lịch”.

Đây cũng chính là 3 lĩnh vực trụ cột được Chủ tịch tỉnh Gia Lai nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu “Xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm khu vực tiểu vùng Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại”.

Điểm sáng nhất Tây Nguyên nhìn từ những dư địa phát triển

Dưới góc nhìn của các chuyên gia phân tích về lợi thế, cơ hội đầu tư của tỉnh, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, Gia Lai là điểm sáng nhất Tây Nguyên nếu nhìn từ những dư địa phát triển, đang có nhiều cơ hội để có thể tạo thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Dư địa đầu tiên theo ông đến từ vị trí địa lý nằm trong hàng lang kinh tế đông - tây vốn là một lợi thế mang tính dài hạn. Trong thời gian qua, lĩnh vực nông nghiệp Gia Lai đã phát triển theo chiều ngang tăng diện tích nhưng chưa tăng được giá trị. Nếu tính giá trị theo năng suất canh tác, Gia Lai mới đạt 45% so với chỉ tiêu của Nhà nước. Do đó, tỉnh có thể giảm diện tích canh tác, đưa khoa học công nghệ và vốn vào có thể đạt được những giá trị vượt bậc trong lĩnh vực này.

“Dư địa về gỗ cũng là một bài toán dễ mà khó của nông nghiệp, khi diện tích thì rất lớn nhưng giá trị còn chưa đạt như kì vọng. Ngoài ra, sản lượng nông sản của Gia Lai tuy lớn nhưng giá trị không tăng vì thiếu yếu tố chế biến”, TS. Trần Du Lịch cho biết thêm.

Từ thực tế đó, ông khuyến nghị Gia Lai cần chú trọng vào các trụ cột như nâng cao nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch và logistics; phát triển kinh tế đô thị gắn với công nghiệp hóa; hình thành những đô thị cảng hàng hóa. Ngoài ra, ông còn gợi mở các giải pháp cho tỉnh tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thu hút vào đầu tư.

Ảnh: Quách Sơn

Ảnh: Quách Sơn

TS. Trần Du Lịch - Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia

“Gia Lai cần có những hành động tạo niềm tin cho người dân về định hướng phát triển với các chính sách thích đáng cho những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” để lan tỏa mạng lưới liên kết”.

Cùng với đó, ông Lịch cũng lưu ý hạ tầng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh. Hiện hệ thống hạ tầng của Gia Lai mới ở mức tương đối hoàn thiện. “Gia Lai cần có sự ưu tiên xây dựng cửa khẩu Vị Thanh – Pleiku – cảng Quy Nhơn với sự phối hợp của 3 tỉnh Hậu Giang, Gia Lai và Quy Nhơn để tạo sự thuận lợi. Đây là một đề án mà Gia Lai có thể đề xuất với Chính phủ thực hiện càng sớm càng tốt”, ông Lịch nhấn mạnh.

Tiềm năng lớn cho nông nghiệp công nghệ cao

Đại diện các doanh nghiệp đầu tư vào Gia Lai cũng có những đánh giá tích cực về tỉnh dưới góc nhìn các nhà đầu tư trực tiếp. Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec, doanh nghiệp tiên phong mô hình khu công nghiệp sinh thái của Việt Nam, đánh giá Gia Lai có vị trí chiến lược quan trọng của Tây Nguyên, nằm ở cửa ngõ lưu kinh tế với các tỉnh cũng như hai nước láng giềng Lào và Campuchia.

Bên cạnh đó, ông cũng nhìn nhận Gia Lai sở hữu lợi thế hiếm có về điều kiện tự nhiên thuận lợi, vùng đất đỏ màu mỡ rộng lớn mang nhiều tiềm năng phát triển ngành nông nghiệp với quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến và phát triển du lịch.

“Với môi trường đầu tư hấp dẫn và nhiều tiềm năng như Gia Lai, Công ty Shinec đang hoàn thiện thủ tục đầu tư liên 2 cụm công nghiệp tại ĐakĐoa. Đây là mô hình cụm công nghiệp sinh thái chuyên thu hút các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và chế biến nông lâm sản, tối ưu hiệu quả sản xuất và hình thành chuỗi logistics, sử dụng năng lượng tái tạo, hướng tới trung hoà cacbon để tận dụng lợi thế các chứng chỉ sản xuất xanh, nguồn tín dụng xanh hướng tới xuất khẩu các sản phẩm ra quốc tế, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản của địa phương”

Ông Phạm Hồng Điệp (đứng giữa) Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec là một trong những nhà đầu tư nhận quyết định chấp thuận đầu tư của tỉnh Gia Lai tại hội nghị chiều 21/5. Ảnh: Quách Sơn

Ông Phạm Hồng Điệp (đứng giữa) Chủ tịch HĐQT CTCP Shinec là một trong những nhà đầu tư nhận quyết định chấp thuận đầu tư của tỉnh Gia Lai tại hội nghị chiều 21/5. Ảnh: Quách Sơn

Cũng là một trong các doanh nghiệp được cấp giấy phép đầu tư tại Gia Lai, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty Xuất nhập khẩu Việt – Phúc chia sẻ, Gia Lai đang có nhiều tiềm năng về các loại nông sản và được tỉnh tạo điều kiện đưa các kỹ thuật canh tác thông minh ứng dụng vào sản xuất cho các hợp tác xã, hộ sản xuất.

“Việt Phúc tin rằng với tiến độ và những tiềm năng thế mạnh cũng như sự mở rộng môi trường đầu tư tại Gia Lai, chúng ta sẽ sớm có một khu nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh”.

“Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, tiềm năng, các doanh nghiệp vẫn đang còn vướng mắc những cơ chế chính sách liên quan đến đất đai, điều kiện đầu tư cần được khơi thông. Mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ/ngành để các doanh nghiệp sớm có thể phát triển đúng định hướng của của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030”, bà Hương bày tỏ ý kiến.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.