Động lực nào giúp cổ phiếu CKG của CIC Group tăng gấp đôi?

CIC Group Kiên Giang
12:17 - 13/10/2022
Khu đô thị Tây Bắc do CIC Group triển khai.
Khu đô thị Tây Bắc do CIC Group triển khai.
0:00 / 0:00
0:00
Tỏ ra ít tác động trong bối cảnh thị trường chung biến động mạnh vừa qua, từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu CKG của CTCP Tập đoàn Tư vấn Đầu tư & Xây dựng Kiên Giang (CIC Group) đã tăng gấp đôi giá trị.

CKG giao dịch phiên sáng 13/10 ở mức giá 25.600 đồng. Trong giai đoạn VN-Index giảm sâu từ cuối tháng 9 đến nay, cổ phiếu này cũng có đi xuống nhưng vẫn khả quan hơn nhiều mã khác, chỉ giảm khoảng 15%. Trong khi đó, nếu tính từ giai đoạn từ 20/6 đến nay, CKG đã tăng gấp đôi giá trị, từ vùng giá 13.000 đồng.

Trong bối cảnh đó, ông Quảng Trọng Sang, thành viên độc lập, Phó Chủ tịch HĐQT CIC Group vừa đăng ký bán 322.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,95% về còn 0,58% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 17/10 đến 15/11. Nếu tính theo giá thị trường hiện tại, ước tính ông Sang có thể thu về hơn 8,2 tỷ đồng.

Cổ phiếu CKG leo dốc và vẫn chống chọi tốt với đợt biến động thị trường vừa qua.

Cổ phiếu CKG leo dốc và vẫn chống chọi tốt với đợt biến động thị trường vừa qua.

Cổ phiếu của CIC Group dường như bắt đầu “tạo sóng” sau khi doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh và triển khai kế hoạch nâng vốn điều lệ lên sát 1.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, CIC Group ghi nhận doanh thu đạt 646 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ 2021; lợi nhuận sau thuế đạt 99 tỷ đồng, tăng gấp đôi.

Năm 2022, công ty đặt kế hoạch doanh thu 1.320 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 164 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 30% và 16% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, CKG đã hoàn thành 57% kế hoạch lợi nhuận năm.

Kế hoạch tăng vốn điều lệ được HĐQT thông qua vào cuối tháng 8/2022, theo đó, CIC Group sẽ chào riêng lẻ 13,4 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với giá 15.000 đồng/cổ phiếu; qua đó nâng vốn điều lệ từ 856 tỷ đồng lên 990 tỷ đồng.

Với 201 tỷ đồng huy động được, công ty dự kiến sử dụng để thanh toán nợ vay đến hạn, các khoản nợ phải trả cho đơn vị thi công, tiền mua vật liệu, tiền lương, tiền công cán bộ, nhân viên.

Tuy nhiên đến ngày 21/9 vừa qua, CKG lại ra Nghị quyết HĐQT về việc tạm dừng việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ trên. Việc tạm dừng sẽ kéo dài đến sau khi kết thúc đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021.

Mới đây, CIC Group thông báo 20/10 là ngày chốt quyền trả cổ tức năm 2021, ngày giao dịch không hưởng quyền là 19/10. Tỷ lệ thực hiện đạt 10% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận 10 cổ phiếu mới). Theo đó, công ty dự kiến phát hành gần 8,7 triệu cổ phiếu.

Sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ của CKG sẽ tăng lên 943 tỷ đồng. Nếu tiếp tục triển khai và hoàn tất kế hoạch chào bán riêng lẻ 13,4 triệu cổ phiếu, vốn điều lệ của doanh nghiệp này sẽ tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh

CIC Group tiền thân là Công ty Khảo sát thiết kế được thành lập từ năm 1992, vốn điều lệ 118 triệu đồng. Sau khi cổ phần hoá, vốn điều lệ của công ty đạt 45 tỷ đồng và đến nay đã tăng lên hơn 865 tỷ đồng.

CKG hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản với các dự án đang triển khai như Khu đô thị Tây Bắc, dự án khu dân cư phường An Bình, dự án Hoa viên nghĩa trang Vĩnh Hằng, dự án khu dân cư Nam An Hòa... Ngoài ra, doanh nghiệp này còn góp mặt trong lĩnh vực đầu tư tài chính, thương mại dịch vụ và giáo dục.

Việc CKG đạt lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm là kết quả đáng tích cực trong so sánh với nhiều các doanh nghiệp trong ngành xây dựng và bất động sản đang gặp khó vì bão giá nguyên vật liệu và ách tắc việc huy động vốn triển khai dự án.

Tuy nhiên, điểm trừ trong báo cáo tài chính của CIC Group có lẽ sẽ là việc dòng tiền kinh doanh chính âm 37 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 83 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 98 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 135 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.

Giai đoạn từ 2015 đến năm 2019, CIC Group liên tục ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm với tổng lên tới 765 tỷ đồng. Công ty chỉ mới ghi nhận dòng tiền dương trở lại trong 2 năm gần đây, năm 2020 ghi nhận dương 55 tỷ đồng và năm 2021 dương 54,7 tỷ đồng.

Tính tới 30/6/2022, tổng tài sản của CIC Group không thay đổi nhiều so với đầu năm, đạt 4.678 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho, đạt 2.773 tỷ đồng, chiếm 59% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 928 tỷ đồng.

Tổng nợ phải trả là 3.486 tỷ đồng, giảm 233 tỷ đồng so với đầu năm. Vay nợ ngắn hạn giảm trong khi vay nợ dài hạn lại tăng. Tính chung, tổng vay nợ là 1.438 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm.

Đọc tiếp