EU đe dọa sẽ áp lệnh trừng phạt tỷ phú Elon Musk

twitter THẾ GIỚI
09:43 - 17/12/2022
Tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu Twitter. Ảnh: Reuters
Tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu Twitter. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Hôm 16/12, Liên minh châu Âu đã đe dọa sẽ trừng phạt tỷ phú công nghệ Elon Musk sau khi chủ nhân mới của Twitter ra chỉ thị đình chỉ tài khoản của các nhà báo đưa tin về ông, gây ra nhiều sự phản đối.

Reuters cho biết cuối ngày 15/12, Twitter đã đình chỉ tài khoản của nhiều nhà báo và phóng viên nổi tiếng, trong đó bao gồm một số phóng viên của CNN cũng như The New York Times. Thông báo trên trang Twitter của mình, ông Musk đưa ra lý do là vì những nhà báo này đã vi phạm chính sách của Twitter về việc tiết lộ thông tin cá nhân.

Theo tỷ phú này, quy định cấm công khai thông tin cá nhân được áp dụng cho tất cả mọi người sử dụng Twitter, trong đó bao gồm cả các nhà báo chứ không dành riêng cho thành phần nào.

Khởi nguồn của việc đình chỉ bắt đầu từ một tài khoản trên Twitter là @ElonJet - một tài khoản chuyên theo dõi vị trí máy bay riêng của ông Elon Musk bằng cách sử dụng các dữ liệu chuyến bay có sẵn công khai. Chủ sở hữu nền tảng Twitter thậm chí đã đưa ra các đe dọa thực hiện hành động pháp lý chống lại người đứng sau tài khoản trên khi cáo buộc người này là “một kẻ bám đuôi điên rồ” gây nguy hiểm tới con trai ông.

Các phóng viên của CNN và The New York Times đã từng đăng tải nhiều tweet từ tài khoản ElonJet và do đó cũng phải chịu đình chỉ.

Phản ứng lại các động thái này từ phía ông Elon Musk, tờ The New York Times khẳng định việc đình chỉ là không thỏa đáng, đồng thời yêu cầu Twitter khôi phục tài khoản cho các phóng viên cũng như đưa ra lời giải thích cụ thể. Trong khi đó, hãng tin CNN khẳng định sẽ xem xét lại mối quan hệ của mình với Twitter tùy thuộc vào lời giải thích từ nền tảng này.

Trong khi đó, phó chủ tịch phụ trách các giá trị và tính minh bạch của Ủy ban Châu Âu Vera Jourova tuyên bố “việc tùy tiện đình chỉ các nhà báo trên Twitter là đáng lo ngại”.

Trong bối cảnh đó, ông Musk đang phải đối mặt với khả năng sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt từ EU. Theo bà Jourova, “đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của EU yêu cầu tôn trọng quyền tự do truyền thông và các quyền cơ bản”. Đạo luật có hiệu lực từ ngày 16/11 này yêu cầu các nền tảng lớn giảm tác hại trực tuyến, thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền của người dùng và đưa ra các báo cáo minh bạch.

Điều này được củng cố theo Luật Tự do Báo chí của EU và bà cho biết ông Elon Musk nên nhận thức được các lằn ranh đỏ. Nếu kết quả điều tra là vi phạm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số của EU, các công ty có thể bị phạt tới 6% doanh thu hàng năm trên toàn cầu.

Tuy nhiên, bà không nói rõ thêm bất kỳ chi tiết nào về các biện pháp trừng phạt.

Lời cảnh cáo đến từ EU phản ánh lại tình hình tương đối hỗn loạn từ khi ông Elon Musk chính thức tiếp quản Twitter hồi tháng 10 với mức giá 44 tỷ USD. Sau khi sa thải hàng loạt nhân viên và ban lãnh đạo cũ của Twitter, ông Musk đã tiến hành khôi phục tài khoản cho nhiều người đã từng bị Twitter cấm trước đó, trong đó bao gồm cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hành động với mục tiêu “tự do ngôn luận” này của ông Musk gây ra nhiều sự phản đối trong các chính trị gia và nhà hoạt động vì quyền tự do dân sự.

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.