Fed sẽ tăng lãi suất, chính sách tiền tệ của Việt Nam nên ứng xử thế nào

tiền tệ Việt nAM
15:22 - 19/09/2022
Fed sẽ tăng lãi suất, chính sách tiền tệ của Việt Nam nên ứng xử thế nào
0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh Fed được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất để ghìm cương lạm phát, khiến áp lực đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là hiện hữu. Song, các chuyên gia đều kiên định với việc giữ ổn định, linh hoạt trong điều hành tỷ giá.

Trong tuần này, mối quan tâm của thế giới đổ dồn vào cuộc họp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thứ Tư ngày 21/9 tới. Các chuyên gia kỳ vọng khả năng cao về việc Fed tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, nhưng cũng có kịch bản mức tăng lên đến 100 điểm cơ bản, sau thông tin về chỉ số lạm phát tại Mỹ tăng mạnh hơn kỳ vọng.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cuối tháng trước cũng đã bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc ghìm cương lạm phát kể từ hội nghị Jackson Hole. Ông báo hiệu rằng nhiều khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và duy trì chúng ở mức cao trong một khoảng thời gian.

Theo các chuyên gia, biểu đồ dot-plot của Fed tại cuộc họp sắp tới sẽ cho thấy ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới này dự kiến lãi suất tăng lên ngưỡng 4% vào cuối năm nay và tiếp tục nhích lên trong năm tới

Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất để ghìm cương lạm phát, chính sách tiền tệ của Việt Nam nên ứng xử như thế nào?

Nhìn lại 3 lần tăng lãi suất trước của Fed, tác động đến các quốc gia đều thể hiện rất rõ. Theo đó, mặt bằng lãi suất tăng lên, nhất là lãi suất đồng USD. Đồng thời, tỷ giá tăng lên do đồng USD tăng. Ngoài ra, đối với một số quốc gia, nghĩa vụ trả nợ cũng bị tăng lên và cuối cùng là hiện tượng dịch chuyển dòng vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư gián tiếp.

Với Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, các chuyên gia đánh giá cả 4 tác động này về cơ bản ở mức vừa phải và vẫn trong tầm kiểm soát. Lạm phát được dự báo ở mức khoảng 4% trong năm nay và tỷ giá biến động xoay quanh mức 3%.

Về tác động dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài, theo số liệu thống kê từ HoSE, tính đến đầu tháng 9, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua ròng 76 triệu USD, diễn biến có thể coi là khá tích cực, nếu nhìn vào mức bán ròng hơn 3 tỷ USD 2 năm liền trước, cũng như so với các nước đang bị bán ròng vài tỷ USD.

Song áp lực với việc điều hành chính sách tiền tệ trước tác động của tình hình thế giới là điều mà Ngân hàng Nhà nước phải suy tính.

"Tam giác bất khả thi" trong điều hành chính sách

TS. Vũ Đình Ánh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cả, Bộ Tài chính trong một tọa đàm gần đây đã nhận định, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % thì sẽ gây áp lực khá lớn lên chính sách tiền tệ của Việt Nam. Bởi việc Fed tăng lãi suất sẽ tác động đến hai yếu tố. Một là về tiền tệ, sẽ buộc Việt Nam phải tăng lãi suất. Hai là Fed tăng lãi suất sẽ làm cho đồng USD tiếp tục đi lên, Việt Nam sẽ ảnh hưởng bởi chính sách tỷ giá hối đoái.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trong điều hành chính sách tiền tệ có 3 yếu tố được coi là "tam giác bất khả thi" đó là: Lãi suất - tỷ giá - dòng vốn. TS. Ánh phân tích, theo lý thuyết nếu không muốn ảnh hưởng đến dòng vốn thì cần tăng lãi suất, giảm bớt nguy cơ tỷ giá, hoặc nếu không muốn tăng lãi suất mà vẫn muốn giữ dòng vốn thì phải giảm giá đồng tiền. Vậy nên gọi là tam giác bất khả thi, điều quan trọng là đánh giá tác động để lựa chọn giữa cái được và cái mất.

Hiện nay, áp lực tăng lãi suất của Việt Nam rất lớn khi chịu tác động của cả việc Fed tăng lãi suất và đặc biệt là nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp đang rất cao. Ngoài ra, mất cân đối giữa huy động và cho vay của Việt Nam hiện nay lên tới 7% nên áp lực này càng lớn, TS. Ánh nhấn mạnh.

Quyết tâm ổn định tỷ giá

Góp ý với cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế -Xã hội 2022 ngày 18/9, GS. Andreas Hauskrecht, Đại học Indiana (Mỹ) khuyến nghị, Việt Nam không nên giảm giá tiền đồng, bởi nếu không sẽ gây rủi ro tài chính.

Theo GS. Andreas Hauskrecht, với động thái dự kiến tăng lãi suất trong tháng cuối năm 2022 và 2023 của Fed, nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ sẽ ngày càng rõ rệt hơn. Điều này sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là tỷ giá VND/USD.

Ông dự báo đồng Việt Nam sẽ tăng mạnh so với Euro và các đồng tiền khác. Khi đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với vấn đề thanh toán, ảnh hưởng nhất đến giá trị xuất nhập khẩu.

Ảnh tác giả

Nhưng Việt Nam không nên giảm giá tiền đồng, cũng không tăng lãi suất bởi có thể gây bất ổn tài chính. Thay vào đó Việt Nam nên dùng các công cụ tài chính thận trọng, an toàn.

GS. Andreas Hauskrecht, Đại học Indiana (Mỹ).

Cũng tại diễn đàn, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam lý giải, việc tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương có ba mục tiêu chính: Thông thường khi lãi suất tăng lên, thì cầu giảm, đó là điều mong muốn để hạ bớt cầu về tín dụng ở các quốc gia đang có lạm phát cao. Bên cạnh đó, tăng lãi suất sẽ làm dịu bớt thị trường lao động nóng. Ngoài ra, tăng lãi suất suy cho cùng là làm cho đồng nội tệ tăng lên, hễ lãi suất tăng lên thì tỷ giá sẽ giảm xuống.

Việt Nam cũng như vậy, muốn cho VND tăng giá, NHNN chỉ cần tăng lãi suất lên là VND sẽ tăng giá, USD sẽ giảm giá. Tuy nhiên, việc điều hành lãi suất có ý nghĩa rất quan trọng. "Tôi khuyến nghị lãi suất Việt Nam cố gắng ổn định là tốt nhất'', ông Trương Văn Phước nhấn mạnh.

Ông Phước nói thêm: "Ngày trước khi lạm phát thấp, chính sách tiền tệ của Việt Nam là phải hạ lãi suất nhưng không hạ được. Bây giờ lạm phát tăng cao thì không thể hạ lãi suất được. Nếu tăng lãi suất, sau khi trừ lạm phát kỳ vọng, lãi suất thực dương vẫn cao".

Về vấn đề tỷ giá, TS. Trương Văn Phước nhấn mạnh, Việt Nam phải giữ cho bằng được sự ổn định.

Ảnh tác giả

Ngân hàng Nhà nước đã làm tốt việc này giữ tỷ giá trung tâm khoảng 0,6% và cho thị trường dao động trong biên độ cộng trừ 3%. Sự lan truyền của lạm phát vào Việt Nam sẽ bị ngưng lại bởi phòng tuyến tỷ giá.

Do đó, Việt Nam phải giữ cho bằng được ổn định tỷ giá. Đây là ''phòng tuyến sông Cầu'', nếu vỡ phòng tuyến này thì lạm phát sẽ tràn vào.

TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam.

Ổn định không có nghĩa là bất động

Thế nhưng hiểu thế nào cho đúng về khái niệm "ổn định tỷ giá"?

TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cấp cao, Đại học Bristol, Vương Quốc Anh đưa ra quan điểm, ổn định không có nghĩa là "bất động". Nhưng chắc chắn là không nên "manh động". Theo ông, nếu hiểu quan điểm điều hành tỷ giá chỉ có hai thái cực hoặc là phá giá hoặc là giữ cố định tỷ giá vào USD như hiện tại, dùng phòng tuyến cuối cùng là dự trữ ngoại hối can thiệp là chưa chính xác.

Ông Tuấn lập luận, tỷ giá vốn là thứ khó đoán, bị tác động bởi đủ loại dòng vốn, chính sách, địa chính trị, cho đến những trục trặc cấu trúc của thị trường. Vì vậy, không ai dám đảm bảo tỷ giá sẽ ra sao, áp lực thế nào vào ngày mai, tuần sau.

Cũng không ai có thể khẳng định giữ tỷ giá mốc nào là tốt, và cách tiếp cận chọn "ổn định" không phải là cố định tỷ giá mà là linh hoạt tỷ giá trong bối cảnh hạn chế được những tác động tiêu cực ở mức phù hợp.

Chọn ổn định không có nghĩa là cố thủ mức tỷ giá hiện tại, hay thậm chí lạm phát hiện tại 4% bằng mọi giá. Mà sẽ có điều chỉnh mức thay đổi phù hợp và công cụ song song để hỗ trợ VND chính là tăng lãi suất.

Cũng theo ông Tuấn, chính sách điều hành tỷ giá cần nhìn nhận một cách toàn diện, phụ thuộc vào thực tế 4 nhân tố cán cân thanh toán: Cán cân thương mại; dòng vốn FDI; dòng vốn FPI; Kiều hối và những khoản chuyển giao một lần khác (lợi nhuận công ty nước ngoài rút khỏi Việt Nam)

Trong điều kiện Việt Nam, nếu chỉ nhìn vào dự trữ ngoại hối là một cái nhìn phiến diện. Nếu dòng vốn FDI, FPI tổng thể, kiều hối cân bằng được sức ép về cán cân thương mại, thì sức ép tỷ giá trên thị trường có thể tự thân cân bằng được.

Đọc tiếp