FED thắt chặt định lượng, nguy cơ gói hỗ trợ lãi suất của Việt Nam chịu tác động

TÀI CHÍNH THẾ GIỚI
09:13 - 25/01/2022
FED thắt chặt định lượng, nguy cơ gói hỗ trợ lãi suất của Việt Nam chịu tác động
0:00 / 0:00
0:00
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc FED tăng lãi suất gây áp lực cho lãi suất ở Việt Nam tăng theo và có nguy cơ làm giảm hiệu lực gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ mà Quốc hội vừa phê duyệt.

Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây khẳng định chống lạm phát là nhiệm vụ quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang (FED). Qua thông điệp này, ông ngụ ý Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ không gặp phải sự phản đối nào từ Nhà Trắng khi mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ, dù động thái như vậy có thể ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Vì sao ông Biden ủng hộ lập trường "diều hâu" của FED? Bởi như Bernard Baumohl, nhà kinh tế trưởng tại công ty dự báo Economic Outlook Group nhận định: “FED đang gánh trên vai một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn khi phải đối mặt với một hiện tượng lạm phát chưa từng có tiền lệ”.

Với chỉ số giá tiêu dùng lên tới 7% vào tháng 12/2021, FED đang chuẩn bị cho một cuộc chiến dài hơi chống lạm phát bằng việc kết thúc sớm chương trình nới lỏng định lượng (QE) vào khoảng tháng 3, mở đường cho lộ trình tăng lãi suất và thậm chí là thắt chặt định lượng (QT) để thu hẹp bảng cân đối kế toán.

CPI tại Mỹ tháng 12/2021 lên mức 7%, cao nhất trong vòng 39 năm, buộc FED hành động mạnh tay hơn (Ảnh: Bloomberg)

CPI tại Mỹ tháng 12/2021 lên mức 7%, cao nhất trong vòng 39 năm, buộc FED hành động mạnh tay hơn (Ảnh: Bloomberg)

FED trước khả năng thực hiện thắt chặt định lượng

Quay trở lại năm 2020, để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có tiền lệ do đại dịch COVID-19, Chính phủ Mỹ đã kích hoạt các gói kích thích tài khóa chưa từng có trong lịch sử làm tăng mạnh thâm hụt ngân sách liên bang. Để hỗ trợ các hành động tài khóa này, FED mua một lượng lớn tài sản để bơm thanh khoản ra thị trường. Kết quả là tỷ lệ nợ trên GDP của Mỹ đạt mức kỷ lục 136% trong khi cung tiền M2 tăng vọt từ 15 nghìn tỷ USD vào tháng 1/2020 lên 21 nghìn tỷ USD vào tháng 11/2021.

Cùng thời điểm đó, FED công bố một số thay đổi đáng kể trong chiến lược dài hạn. “Tuyên bố về các mục tiêu dài hạn và chiến lược chính sách tiền tệ” của cơ quan này sửa đổi vào tháng 8/2020 tái khẳng định mục tiêu duy trì lạm phát dài hạn 2%. Tuy nhiên, một điều khoản bổ sung trong đó quy định các giai đoạn lạm phát dưới 2% sẽ được bù đắp bằng các giai đoạn lạm phát tăng trên 2%.

Thông điệp này mở ra cánh cửa để FED thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ chưa từng có dựa trên nền tảng lạm phát tại Mỹ lắng dịu suốt thập kỷ qua. Cơ quan này tin rằng lạm phát nếu có cũng chỉ là vấn đề tạm thời của nền kinh tế và sẽ được xoa dịu ngay khi chuỗi cung ứng phục hồi. Thực tế chứng minh FED đã sai lầm với nhận định này. Cuối năm 2021, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Mỹ tăng vọt gần 10% trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều dự báo cho rằng CPI sẽ đạt đỉnh vào đầu năm 2022.

Dù đang nhanh chóng thu hẹp chương trình mua tài sản, thực tế là mỗi tháng FED vẫn đang mua hàng tỷ USD tài sản cho đến chừng nào chương trình này kết thúc vào tháng 3 tới. Cơ quan này dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm nay với mức tăng 0,25%/ lần, nghĩa là ở thời điểm hiện tại, lãi suất cơ bản vẫn đang ở mức tiệm cận 0.

Tức là ngay lúc này, FED vẫn đang trong tiến trình trung hòa chính sách tiền tệ chứ chưa thắt chặt. Trong khi đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy bong bóng chứng khoán tại Mỹ đã căng phồng, đang xì hơi. Thị trường nhà đất đang nóng hơn bao giờ hết với mức tăng giá gần 20%/ năm, theo thông tin trên Barrons.

Câu hỏi đặt ra lúc này là mất bao lâu để FED quay lại chính sách tiền tệ thắt chặt? Liệu có lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm nay? Và cơ quan này có mạnh tay thắt chặt định lượng (QT) để thu hẹp bảng cân đối kế toán đã lên tới gần 9 nghìn tỷ USD, hay chỉ tăng lãi suất là đủ để ổn định giá?

Bảng cân đối kế toán của FED hiện đã mở rộng lên gần 9 nghìn tỷ USD, hơn gấp đôi quy mô hồi đầu đại dịch (Ảnh: Bloomberg)

Bảng cân đối kế toán của FED hiện đã mở rộng lên gần 9 nghìn tỷ USD, hơn gấp đôi quy mô hồi đầu đại dịch (Ảnh: Bloomberg)

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất vào tháng 12/2021, các quan chức FED đã gợi mở về khả năng thu hẹp bảng cân đối kế toán bằng QT, tức cắt giảm lượng trái phiếu và chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp mà ngân hàng Trung ương đang nắm giữ trị giá 9 nghìn tỷ USD.

Theo biên bản họp được công bố, các thành viên Ủy ban Thị trường mở (FOMC) thuộc FED cho rằng việc thu hẹp bảng cân đối kế toán có thể bắt đầu ngay sau khi ngân hàng Trung ương tăng lãi suất lần đầu tiên (dự kiến vào tháng 3/2022).

Cụ thể, ông Christopher Waller, một thành viên Hội đồng Thống đốc FED cho hay: “Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán không lâu sau khi tăng lãi suất. Tôi muốn thấy bảng cân đối kế toán của FED giảm quy mô từ 37% GDP như hiện nay xuống còn khoảng 20% (tương đương khoảng 6 nghìn tỷ USD).

Nghĩa là tiến trình hút tiền về của FED có thể bắt đầu trước mùa hè này.

Tốc độ hút tiền dự báo gấp đôi năm 2017

Trong lịch sử hiện đại, FED mới chỉ một lần nỗ lực thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán vào cuối năm 2017, sau 3 năm duy trì bảng cân đối ở mức khoảng 4,5 nghìn tỷ USD. Khi đó, ngân hàng Trung ương lớn nhất thế giới đã rút tối đa 50 tỷ USD khỏi hệ thống tài chính mỗi tháng.

Quá trình thu hẹp này kết thúc vào năm 2019 do những rủi ro giảm tốc kinh tế gây ra bởi thương chiến Mỹ Trung. Vài tháng sau đó, cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đã đẩy FED quay lại mở rộng bảng cân đối kế toán lên gần gấp đôi mức 4,5 nghìn tỷ.

Trong lần hành động này, do áp lực lạm phát đã quá cao, các nhà phân tích dự báo tốc độ hút tiền về nhanh hơn hồi năm 2017.

Chẳng hạn, nhà kinh tế Aditya Bhave từ Bank of America dự báo FED có thể bắt đầu thu hẹp bảng cân đối kế toán với tốc độ 17,5 tỷ USD hàng tháng trước khi tăng lên 70 tỷ USD hàng tháng vào đầu năm 2023.

Giám đốc mảng thị trường tài chính Mỹ Kathy Bostjancic từ Oxford Economics thì dự báo tốc độ hút tiền lên tới 90 tỷ USD mỗi tháng. Vị này lý giải rằng hệ thống tài chính Mỹ hiện tại đang dư thừa khoảng 1,8 nghìn tỷ USD thanh khoản và hoàn toàn có thể chịu đựng được mức thắt chặt định lượng mạnh mẽ như vậy.

Ở một dự báo khác, các nhà kinh tế của Deutsche Bank kỳ vọng mức thu hẹp khởi đầu ở 35 tỷ USD hàng tháng vào tháng 8 và đạt đỉnh 105 tỷ USD mỗi tháng vào tháng 12/2022. Còn JPMorgan dự đoán rằng lộ trình sẽ bắt đầu vào tháng 7 và đạt tốc độ thu hẹp 100 tỷ USD hàng tháng vào cuối năm 2022. Tốc độ này gấp đôi mức tối đa trong thời kỳ FED thực hiện nghiệp vụ QT năm 2017.

Điều đáng nói là trong suốt thời gian qua, hành động mua trái phiếu của FED được coi là yếu tố chủ chốt để duy trì lãi suất ở mức thấp và thanh khoản dồi dào cho nền kinh tế. Do đó, không khó hiểu khi phố Wall phản ứng tiêu cực trước thông tin FED cân nhắc hút tiền về qua nghiệp vụ QT để thu hẹp bảng cân đối kế toán. Thị trường chứng khoán Mỹ giảm sâu trong những ngày qua trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn tăng lên do kỳ vọng FED siết chính sách tiền tệ mạnh mẽ trong năm nay.

Việt Nam chịu tác động ra sao?

Với vai trò thống trị của đồng bạc xanh trong hệ thống tiền tệ quốc tế, lập trường thắt chặt chính sách tiền tệ của FED và nguy cơ đồng USD tăng giá có nguy cơ gây sức ép cho tiền tệ của các thị trường mới nổi và các quốc gia thu nhập thấp - vốn có độ mở cao, thâm hụt tài khoản vãng lai đáng kể và nợ nước ngoài lớn, đặc biệt dễ tổn thương trong điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt.

Cụ thể, đồng USD mạnh lên cùng với lãi suất tăng tại Mỹ sẽ gây hiệu ứng dòng đầu tư đảo ngược, chạy khỏi các thị trường mới nổi để quay trở về với những tài sản trú ẩn an toàn ở Mỹ như những gì đã từng xảy ra hồi năm 2013. Thực tế, công cụ theo dõi dòng vốn của Viện Tài chính Quốc tế cho thấy đầu tư nước ngoài vào cổ phiếu và trái phiếu các thị trường mới nổi ngoại trừ Trung Quốc đã trong xu hướng giảm kể từ tháng 12/2020.

Khi nhà đầu tư nước ngoài bán phá giá tài sản tài chính tại các nền kinh tế mới nổi trong hoảng loạn để rút vốn về nước, áp lực giảm giá với các đồng tiền mới nổi sẽ tăng mạnh. Điều này cuối cùng có thể dẫn tới hiện tượng đồng nội tệ mất giá, kéo theo nguy cơ khủng hoảng tiền tệ.

Nếu muốn ngăn chặn dòng vốn chảy ra và đồng nội tệ mất giá, các ngân hàng Trung ương tại các nền kinh tế mới nổi sẽ chịu sức ép tăng lãi suất để duy trì chênh lệch lãi suất. Động thái như vậy một mặt giữ vững sức hấp dẫn với dòng vốn đầu tư, nhưng mặt khác lại đe dọa đà phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Nhận định về tác động đến Việt Nam khi FED thực hiện thắt chặt định lượng, TS. Lê Xuân Nghĩa (nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia) cho rằng do đồng Việt Nam (VND) hiện được neo với đồng USD nên khi USD tăng giá, VND cũng có xu hướng tăng theo. Như vậy, không cần quá lo về khả năng dòng vốn ngoại rút khỏi Việt Nam.

Tuy nhiên, VND mạnh lên cùng với USD đồng nghĩa VND tăng giá tương đối so với các đồng tiền khác như NDT (Trung Quốc), Baht (Thái Lan), Won (Hàn Quốc)..., khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này đắt lên tương đối. Tiến trình QT của FED có thể kéo dài vài năm, gây áp lực kéo dài cho xuất khẩu.

Ngoài ra, cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, việc FED tăng lãi suất cũng gây áp lực cho lãi suất ở Việt Nam tăng theo. Trong khi đó, NHNN đang huy động các tổ chức tín dụng giảm thêm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Việc lãi suất chịu sức ép tăng như vậy có thể làm giảm hiệu lực gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ sắp được triển khai.

Ảnh tác giả

“Việc lãi suất chịu sức ép tăng từ FED có thể làm giảm hiệu lực gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ sắp được triển khai. Ví dụ trước đây, lãi suất cho vay ở mức khoảng 7%, hỗ trợ lãi suất 2% thì giảm còn 5%. Nay lãi suất chịu áp lực nên tăng lên 8-9%, hỗ trợ 2% lãi suất thì giảm còn 6-7%, như vậy hiệu lực gói hỗ trợ giảm rất nhiều”.

TS. Lê Xuân Nghĩa

Tin liên quan

Đọc tiếp