Giảm lãi suất điều hành và tín hiệu chính sách của NHNN

LÃI SUẤT CHÍNH SÁCH
19:32 - 15/03/2023
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV
0:00 / 0:00
0:00
Theo các chuyên gia, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, đánh dấu phản ứng chính sách tiền tệ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần, tạo tiền đề giảm lãi suất cho vay thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ngày hôm qua đã công bố quyết định hạ một loạt lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 15/3. Theo đó, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.

Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế cũng được điều chỉnh giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm.

"Động thái tích cực và mạnh dạn của Ngân hàng Nhà nước"

Trao đổi với Mekong ASEAN về động thái giảm lãi suất của cơ quan điều hành, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhìn nhận, đây là một động thái tích cực và mạnh dạn của NHNN trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều rủi ro, mặt bằng lãi suất quốc tế vẫn còn xu hướng tăng nhẹ, ít nhất là đến giữa quý 2/2023.

Việc giảm lãi suất mà trước mắt là lãi suất cho vay ngắn hạn hỗ trợ một phần chi phí cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp. Qua đó, giúp giảm chi phí đầu vào, tác động tích cực đến nguồn vốn doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp đang loay hoay trong việc xoay vòng, huy động vốn.

Mặt khác, việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ. Lãi suất giảm sẽ có tác động tích cực một phần lên một số thị trường khác khi nhà đầu tư có thể sẽ chuyển dịch một phần từ tiền tiết kiệm sang chứng khoán hay bất động sản với mong muốn tìm kiếm tỷ suất sinh lời cao hơn.

Ông Lực cho rằng, động thái này đánh dấu bước thay đổi chính sách tiền tệ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng một phần. Tất nhiên, lần này chỉ giảm lãi suất cho vay ngắn hạn, bằng nội tệ, đối với các lĩnh vực ưu tiên, nên phạm vi ảnh hưởng chưa nhiều.

Tuy nhiên, như NHNN đã đề cập, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng các ngân hàng giảm lãi suất cho vay.

"Doanh nghiệp và người dân hoàn toàn có thể kỳ vọng xu hướng lãi suất dễ chịu hơn trong thời gian tới, kích thích hoạt động sản xuất, tiêu dùng, đầu tư, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội", ông Lực nhìn nhận.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV

Lý giải về động thái trên, TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận có mấy cơ sở. Đầu tiên, xét các yếu tố bên ngoài, áp lực lãi suất và tỷ giá từ bên ngoài đã và đang giảm dần, nhất là sau sự cố Ngân hàng SVB của Mỹ, nhiều ngân hàng trung ương, trong đó có Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ thận trọng hơn trong việc tăng lãi suất.

Cũng theo ông Lực, bước đi này của NHNN phù hợp diễn biến của thị trường trong nước khi thanh khoản hệ thống có nhiều cải thiện thời gian qua. Theo NHNN, thanh khoản của hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã vượt khoảng 50.000 tỷ đồng so với yêu cầu bắt buộc của hệ thống. Trong khi, thanh khoản tốt là điều kiện để các TCTD giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng như giảm lãi suất cho vay để thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của NHNN.

Chưa kể, lạm phát trong nước được kiểm soát tốt trong 2 tháng đầu năm và đã có xu hướng giảm dần từ tháng 2/2023. CPI hai tháng đầu năm tăng 4,31%, từ mức tăng 4,89% của tháng 1 và lạm phát cơ bản tăng 4,96%, từ mức tăng 5,21% của tháng 1 so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, vẫn với câu chuyện lạm phát, vị chuyên gia này nhấn mạnh quan điểm không chủ quan, vì lạm phát của Việt Nam còn cao, áp lực tăng còn khá lớn do có độ trễ nhập khẩu lạm phát, giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể tăng như giá điện, phí y tế, giáo dục, lương cơ sở tăng từ 1/7, vốn đầu tư công cao kỷ lục hơn 700 nghìn tỷ đồng...

Theo đó, để việc giảm lãi suất điều hành phát huy tác dụng và là tiền đề để giảm lãi suất cho vay, ông Lực cho rằng, cần nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém và thanh khoản còn mỏng nhằm giảm cạnh tranh tăng lãi suất không lành mạnh, tạo điều kiện giảm lãi suất đầu vào cũng như đầu ra.

Ngoài ra, bản thân các TCTD và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, tiết giảm chi phí, tăng cường quản lý rủi ro qua đó có điều kiện giảm lãi suất trên diện rộng và bền vững hơn.

Quan trọng, theo ông Lực, cần theo sát tình hình thị trường tài chính quốc tế, nhất là sau các sự cố phá sản ngân hàng Mỹ vừa qua, để đưa ra kịch bản ứng phó phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn, ổn định hệ thống tài chính trong nước, cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Kỳ vọng sớm giảm lãi suất

Đồng tình với những hiệu ứng tích cực từ việc giảm lãi suất mang lại, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng nhìn nhận, lần điều chỉnh lãi suất này của NHNN tương đối khiêm tốn khi yếu tố quan trọng nhất là lãi suất tái cấp vốn chưa được điều chỉnh. NHNN chỉ hạ lãi suất tái chiết khấu và lãi suất liên ngân hàng qua đêm, do đó tác động sẽ không nhiều vì vay tái chiết khấu của các TCTD là khá khiêm tốn.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, động thái này cũng có thể được hiểu NHNN đang có những bước điều hành linh hoạt, thận trọng, quan sát diễn biến của các ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ liên bang Mỹ.

"Nếu trong cuộc họp cuối tháng 3 này, Fed nhẹ tay với lạm phát và cho thấy những dấu hiệu đảo chiều chính sách, rất có thể sau đó, NHNN Việt Nam sẽ cân nhắc điều chỉnh lãi suất tái cấp vốn. Ngược lại, nếu Fed tiếp tục mạnh tay với lạm phát, cơ quan điều hành sẽ còn phải đợi thêm một nhịp nữa", ông Nghĩa phân tích.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Ông Nghĩa cho biết, điều này tương đối dễ hiểu khi lạm phát thế giới còn cao, có thể tác động đến Việt Nam qua con đường nhập khẩu. Hơn nữa, NHNN cũng có cơ sở để lo ngại về áp lực đồng USD trong trường hợp Fed tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt định lượng.

Với thực tế doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, cộng thêm, các kênh huy động vốn như chứng khoán, trái phiếu, bất động sản... đều trông cậy vào cung ứng tiền của NHNN, ông Nghĩa kỳ vọng, NHNN có thể sớm xem xét điều chỉnh lãi suất, kể cả lãi suất tái cấp vốn để hỗ trợ kinh tế phục hồi và phát triển.

Nhóm Big 4 ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng

Ngay sau động thái của NHNN, ngày 15/3, nhóm 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước bao gồm VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đã đồng loạt giảm 0,2% lãi suất huy động tại kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7,2% so với mức niêm yết tuần trước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.