Gỡ vướng dự án BOT, đại biểu Quốc hội lo ngại những hệ lụy

CHẤT VẤN QUỐC HỘI
10:09 - 07/11/2023
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Bình Dương phát biểu tranh luận với Bộ trưởng GTVT.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Bình Dương phát biểu tranh luận với Bộ trưởng GTVT.
0:00 / 0:00
0:00
Tại Nghị quyết số 62, Quốc hội giao nhiệm vụ Bộ GTVT trong năm 2022 phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT, tuy nhiên đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Chất vấn Bộ trưởng GTVT về vấn đề này chiều 6/11, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và thời gian cụ thể để hoàn thành, trong đó làm rõ tính khả thi, hợp lý về đề xuất tổng mức vốn Nhà nước hơn 10.000 tỷ đồng nhằm xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ GTVT đã quyết liệt trong việc phối hợp với các bộ, ngành và địa phương để triển khai việc tháo gỡ cho các dự án BOT đang có vấn đề. Cụ thể là đối với 8 dự án BOT với tổng chi phí dự kiến khoảng hơn 10.000 tỷ đồng. “Thực tế nội dung này, Bộ đã triển khai từ rất lâu nhưng còn nhiều vấn đề phức tạp, liên quan đến việc tháo gỡ”, ông Thắng nói.

Sau khi Nghị quyết 62 ban hành, Bộ GTVT đã trình Chính phủ kế hoạch tháo gỡ khó khăn, tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến. UBTVQH yêu cầu Chính phủ và Bộ GTVT giải trình làm rõ, ngoài 8 dự án của Trung ương ra, ở địa phương có bao nhiêu dự án? Khó khăn, vướng mắc của các dự án ở địa phương như thế nào? Quan điểm liên quan đến nguồn vốn để giải quyết lấy từ đâu, từ nguồn tăng thu hay lấy từ đầu tư công trung hạn?

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, về pháp lý, cả 8 dự án này đều được triển khai trước khi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực. Do vậy, Bộ GTVT phải nghiên cứu, đề xuất căn cứ vào nghị định và Luật PPP. “Đây là những vấn đề tương đối khó khăn, vướng mắc”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ.

Theo Bộ trưởng GTVT, các dự án BOT trên không chỉ liên quan đến nhà đầu tư mà còn liên quan đến cả các ngân hàng. “Khi làm việc, chúng tôi yêu cầu nhà đầu tư phải hy sinh lợi nhuận, còn các ngân hàng phải hy sinh lãi suất để bảo toàn và thu hồi vốn... Chúng tôi hy vọng trong thời gian sớm nhất Chính phủ sẽ trình Quốc hội để tháo gỡ cho 8 dự án BOT, trong đó có 5 dự án đề nghị Nhà nước mua lại và 3 dự án đề nghị hỗ trợ ", Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn.

Phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng sáng 7/11 về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho rằng sẽ phải cắt giảm lợi nhuận của các chủ đầu tư hoặc đàm phán để cắt giảm vốn của ngân hàng.

“Điều này có thể là cuộc đàm phán không công bằng, bởi về bản chất ngân hàng cũng là các doanh nghiệp kinh doanh vốn, còn các doanh nghiệp đầu tư bỏ tiền đồng để thu tiền hào, để kỳ vọng vào lợi nhuận trong tương lai. Việc đàm phán như vậy có ảnh hưởng đến niềm tin của họ hay không? Khi chim sẻ hoang mang thì đại bàng cũng sẽ lo lắng”, đại biểu băn khoăn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng hết sức cân nhắc. Ông đề xuất nên dùng ngân sách được phân bổ của ngành giao thông để cơ cấu hỗ trợ những dự án mà phải dừng kinh doanh sớm. Nếu không đủ làm một lần thì có lộ trình làm trong nhiều năm, nhiều lần, chỉ cần công bố được lộ trình đó, các nhà đầu tư, nhân dân sẽ yên tâm.

Phản hồi ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, GTVT đang làm việc rất sát sao với các nhà đầu tư và các ngân hàng trên cơ sở đàm phán trên nguyên tắc lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ; nghiên cứu các phương án tạo điều kiện cho nhà đầu tư có thể thu hồi được vốn.

"Việc nhà đầu tư giảm lợi nhuận đầu tư hay ngân hàng giảm lãi cũng là việc cần thiết, còn mức độ như thế nào thì phụ thuộc vào quá trình đàm phán, thuyết phục chứ không thể ấn định nhà đầu tư phải không có lãi hay ngân hàng phải miễn toàn bộ", Bộ trưởng nói.

Theo báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn liên quan lĩnh vực giao thông vận tải, Chính phủ đưa ra 2 giải pháp cụ thể đối với 8 dự án BOT do Bộ GTVT quản lý.

Một là bố trí vốn Nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng và chấm dứt hợp đồng trước hạn đối với 5/8 dự án, gồm: Tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa; cầu đường sắt Bình Lợi; đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3; đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; cải tạo Quốc lộ 91 TP Cần Thơ.

Hai là sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn Nhà nước tham gia (tối đa 49%) để tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với 3/8 dự án BOT còn lại, gồm: Dự án BOT cầu Ba Vì - Việt Trì; BOT cầu Thái Hà; BOT hầm Đèo Cả.

Dự kiến, tổng mức vốn Nhà nước để xử lý vướng mắc tại 8 dự án BOT khoảng 10.342 tỷ đồng, theo giá trị cập nhật đến tháng 3/2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.