Hà Nội đề xuất lùi 5 năm để hoàn thiện tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội

ĐƯỜNG SẮT HÀ NỘI
09:31 - 13/09/2022
Hà Nội đề xuất lùi 5 năm để hoàn thiện tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội.
Hà Nội đề xuất lùi 5 năm để hoàn thiện tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
UBND TP Hà Nội đề xuất điều chỉnh thời gian hoàn thành Dự án Metro Nhổn - Ga Hà Nội vào năm 2027, chậm 5 năm với kế hoạch ban đầu. Đồng thời, đề xuất nâng tổng mức đầu tư tăng gần 2.000 tỷ đồng.

UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.

Theo đó, thành phố đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án ban đầu là 2009 - 2022 thành 2009 - 2027 (chưa bao gồm thời gian bảo hành 24 tháng). Trong đó, đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào năm 2022; đưa vào khai thác, vận hành toàn tuyến vào 2027 (gồm cả đoạn ngầm).

TP Hà Nội đưa ra 8 lý giải cho đề xuất lùi thời hạn hoàn thành dự án. Đó là khó khăn trong giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật; năng lực nhà thầu gói thầu công trình kiến trúc Depot còn hạn chế; năng lực triển khai dự án của chủ đầu tư, tư vấn và sự phối hợp các sở, ngành chưa tốt; sự khác nhau giữa quy định hợp đồng quốc tế với pháp luật Việt Nam; ảnh hưởng của đại dịch Covid-19...

Theo UBND thành phố, tiến độ hoàn thành dự án hoàn toàn phụ thuộc vào gói thầu CP03 (hầm và các ga ngầm). Do khó khăn trong bàn giao mặt bằng nên chủ đầu tư đã thống nhất với nhà thầu điều chỉnh tiến độ thi công lên khoảng 4-5 năm. Hiện gói thầu này đã bị dừng thi công hơn một năm, chủ đầu tư đang phấn đấu bàn giao mặt bằng trong tháng 10 và đàm phán để nhà thầu thi công trở lại.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đề xuất điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ 32.910 tỷ đồng lên thành 34.826 tỷ đồng. Nguồn vốn bổ sung cho phần tăng thêm sử dụng từ ngân sách Nhà nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, phần vốn ngân sách của thành phố tăng 3.896 tỷ đồng (bổ sung cho các gói thầu AFD, DGT và các phần việc thuộc vốn đối ứng); giảm phần vốn vay ODA 1.980 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân tăng tổng mức đầu tư, UBND TP Hà Nội đưa ra các nguyên nhân bao gồm biến động tỷ giá quy đổi, điều chỉnh khối lượng công việc, chậm tiến độ, bổ sung các công việc còn thiếu...

Báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở kế hoạch giải ngân dự kiến, sẽ cần bố trí 850 tỷ đồng vốn tăng thêm trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 của thành phố.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm cấp thành phố cập nhật đến nay là 235.308 tỷ đồng, trong đó đã phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án cấp thành phố là 234.007 tỷ đồng và dự phòng 1.301 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 30/8, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình gửi HĐND cập nhật, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, trong đó đề xuất bổ sung vốn để làm cơ sở điều chỉnh dự án và phê duyệt chủ trương đầu tư cho 3 dự án giao thông trọng điểm của thành phố và dự án có sử dụng vốn ODA là 5.640 tỷ đồng.

Như vậy, Hà Nội đảm bảo đủ để bố trí vốn ngân sách thành phố cho phần vốn tăng thêm của Metro Nhổn - Ga Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025 (850 tỷ đồng), còn phần vốn tăng thêm còn lại sẽ cân đối trong giai đoạn 2026 - 2030.

Dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm. Dự kiến, sau khi vận hành, tuyến đường có tốc độ khai thác thương mại 35km/h; 8 đoàn tàu cùng hoạt động; một đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm; một đoàn tàu cứu hộ.

Dự án đang triển khai thực hiện 10/10 gói thầu chính. Tính đến hết tháng 8, tiến độ tổng thể chung của dự án đạt khoảng 75%, trong đó tiến độ thi công đoạn tuyến trên cao đạt 96,3%.

Liên quan đến giải phóng mặt bằng, báo cáo của UBND thành phố cho thấy hiện vẫn còn khiếu nại của 177 hộ dân tại Depot và đường dẫn vào Depot đối với các chính sách bồi thường, hỗ trợ. Với đoạn ngầm, công tác bồi thường, hỗ trợ, tạm cư 50 căn nhà bị ảnh hưởng trong quá trình thi công tuyến hầm (43 căn nhà cần tạm cư và 7 căn nhà cần phá dỡ, đều không phải thu hồi đất) gặp nhiều vướng mắc do chưa có quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện ở Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp