Hành trình tấn công thị Trung Quốc của kỳ lân chuyển phát J&T Express

Vận Tải TRUNG QUỐC
07:25 - 10/03/2022
Bưu cục của J&T. Ảnh: J&T Express
Bưu cục của J&T. Ảnh: J&T Express
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi chính thức gia nhập câu lạc bộ kỳ lân công nghệ Indonesia, startup chuyển phát nhanh J&T Express đang tiến tới mở rộng tại thị trường logistics lớn nhất thế giới là Trung Quốc.

Được thành lập năm 2015 bởi cựu Giám đốc điều hành Oppo Indonesia, Jet Lee và Tony Chen, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Oppo. Công ty startup chuyển phát lấy tên từ tên viết tắt của hai người đồng sáng lập. Hiện J&T Express đang cung cấp các dịch vụ giao hàng chặng cuối tại các thành phố và tỉnh tại thị trường Đông Nam Á và Trung Quốc.

Hiện nay, startup này được cho là đang có kế hoạch IPO tại Hong Kong vào quý đầu năm 2022. Vào tháng 11 trước đó, công ty cũng đã huy động được thêm 2,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư lớn như Capital, Hillhouse Capital Group, Sequoia Capital China và đặc biệt là gã khổng lồ Tencent.

Mức định giá của công ty do đó đã đạt 20 tỷ USD và khiến J&T trở thành startup công nghệ có giá trị thứ hai tại Indonesia sau GoTo được định giá ở mức 30 tỷ USD.

Vị thế của J&T Express tại Indonesia và Đông Nam Á

Sau khi bắt đầu hoạt động tại Indonesia từ năm 2015, công ty đã nhanh chóng mở rộng ra quốc tế. Vào năm 2017, thị trường của J&T mở rộng tới Malaysia và Việt Nam và tiếp tục tới hai thị trường Philippines và Thái Lan 1 năm sau đó. Vào năm 2019, startup này chính thức có mặt tại Singapore và Campuchia, rồi tấn công ngành công nghiệp logistics nghìn tỷ USD của Trung Quốc.

Logistics là một phần thiết yếu của quản lý chuỗi cung ứng và có vai trò đảm bảo rằng hàng hóa được gửi từ kho hoặc từ người bán sẽ đến tay khách hàng một cách an toàn. Dịch vụ logistics đã nở rộ ở Indonesia trong 6 năm qua nhờ sự bùng nổ thương mại điện tử. Theo Ken Research, thị trường logistics tại quốc gia này dự kiến sẽ đạt 94 tỷ USD vào năm 2025.

Cùng với J&T, một làn sóng các công ty cũng đã tham gia vào lĩnh vực này, bao gồm các doanh nghiệp vận tải như JNE, SiCepat Ekspres, Shipper và Paxel. Kaushik Sriram, một đối tác của công ty tư vấn quản lý Kearney, cho biết: “Khách hàng thương mại điện tử ở Indonesia ngày càng trở nên khó tính hơn và họ mong đợi mức độ phục vụ tốt hơn về mặt thời gian giao hàng, độ tin cậy, chính sách trả hàng dễ dàng và tùy chọn nhận hàng linh hoạt”.

Hiện vẫn chưa có báo cáo công khai nào xác định công ty dẫn đầu thị trường logistics Indonesia hiện tại. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành J&T là Robin Lo cho biết công ty của mình đã tăng trưởng vượt bậc nhờ các mối quan hệ đối tác với các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee, Tokopedia và Bukalapak.

Ông chia sẻ: "Khối lượng vận chuyển của công ty đã tăng 50% trong năm nay. Hiện chúng tôi gửi 2,5 triệu gói hàng mỗi ngày. Chúng tôi cũng đã phá kỷ lục vận chuyển hàng ngày của Indonesia vào Ngày Độc thân năm nay với 16,5 triệu gói hàng được vận chuyển”.

Các dịch vụ của J&T bao phủ khắp Indonesia. Đặc biệt, công ty còn cam kết cung cấp logistics tốc độ nhanh tại các khu vực không có tàu điện ngầm. Dịch vụ J&T Super có bao gồm việc giao hàng trong vòng 2 ngày tại Java, Bali, Kalimantan, Sumatra, Sulawesi và Batam – các thành phố cấp 2 và cấp 3. Theo ông Sriram, các thành phố này dự kiến sẽ đóng góp gần 50% tổng giá trị hàng hóa trực tuyến vào năm 2025 ở các quốc gia như Indonesia. Do đó, đây là một cơ hội thị trường lớn.

J&T Express có tiềm năng trở thành 1 trong 3 công ty giao hàng lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: J&T Express

J&T Express có tiềm năng trở thành 1 trong 3 công ty giao hàng lớn nhất Trung Quốc. Ảnh: J&T Express

Mở rộng hoạt động tại Trung Quốc

Cùng với tham vọng thống trị thị trường Đông Nam Á, công ty cũng muốn tấn công cả thị trường logistics lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Những gã khổng lồ như STO Express, ZTO Express, YTO Express và SF Express đang thống trị thị trường này và khiến việc mở rộng trở thành một thách thức lớn cho bản thân công ty và các nhà đầu tư từ Trung Quốc.

Đối với thị trường Trung Quốc, J&T đang áp dụng phương pháp tương tự từng thực hiện tại Đông Nam Á, đó là tập trung vào các thành phố cấp 2 và cấp 3 với những khoản đầu tư lớn và chính sách giá cả thân thiện. Ở Trung Quốc, J&T hoạt động dưới cái tên Jitu – hay còn có ý nghĩa là “con thỏ tốc độ”. Đối tác đầu tiên của hãng chính là Oppo, với số tiền đầu tư hiện chưa được tiết lộ.

Theo Late Post, nhà bán lẻ trực tuyến Pinduoduo chiếm tới 80% số lượng đơn đặt hàng được xử lý bởi Jitu. Tới tháng 1/2021, Jitu đã vận chuyển hơn 20 triệu gói hàng mỗi ngày tại Trung Quốc. Con số này chiếm 10% thị trường logistics của nước này và đứng sau các doanh nghiệp hàng đầu như ZTO, YTO và Yunda Holding.

Chưa bằng lòng với tốc độ phát triển của mình, J&T Express vẫn có nhu cầu mở rộng hơn nữa. Nhằm nâng cao vị thế tại thị trường Trung Quốc, công ty đã tiến hành mua lại mảng kinh doanh logistics của Best Express trong một thỏa thuận trị giá 1 tỷ USD hồi tháng 10/2021. Theo dự kiến, việc chuyển giao các hoạt động nội địa như nhân sự, tài sản và cửa hàng phân phối sẽ được hoàn thành sau quý I/2022.

Theo đại diện J&T và cả Best Express, việc mua lại sẽ không ảnh hưởng tới các hoạt động các của Best bao gồm quản lý chuỗi cung ứng, hàng hóa, vận chuyển hàng hóa và các hoạt động kinh doanh toàn cầu khác. Với sự hậu thuẫn của Alibaba, Best là một trong những nhà cung cấp dịch vụ logistics chính cho tập đoàn này.

Dự đoán tương lai của J&T Express tại Trung Quốc

Với thương vụ mua lại này, J&T sẽ có thể mở rộng mạng lưới hậu cần tại Trung Quốc và có khả năng sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ cho Alibaba. Theo ước tính của Sealand Securities, khi tiếp nhận hoạt động của Best, J&T sẽ chính thức đạt 15% thị phần để trở thành công ty giao hàng lớn thứ 4 ở Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, cung cấp dịch vụ logistics cho Alibaba cũng sẽ giúp Jitu thu nhiều lợi nhuận hơn từ mạng lưới của mình. Một nhà phân tích ẩn danh nhận định các trang thương mại điện tử khác nhau có các sản phẩm và cơ sở khách hàng hoàn toàn khác nhau trên toàn quốc. Do đó, các công ty giao hàng phải kết hợp với nhiều nền tảng để tận dụng hết mạng lưới phân phối của mình và giảm chi phí hơn nữa.

Chỉ trong vòng 2 năm, J&T đã có thể bước vào thị trường hậu cần có tính cạnh tranh cao của Trung Quốc, đồng thời mua lại mảng kinh doanh chuyển phát nhanh của một đối thủ cạnh tranh lớn.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, J&T sẽ phải giải quyết một số thách thức chính để tiếp tục phát triển. Theo Sealand Securities, rào cản chính là so với các công ty hậu cần hàng đầu khác, J&T ít quen thuộc với thị trường Trung Quốc hơn. Việc dàn trải kinh doanh đòi hỏi sự chú ý cao vào các chi tiết nhỏ và hiện vẫn chưa rõ J&T đã bỏ ra đủ lực chú ý hay chưa.

Theo một chuyên gia, J&T có tiềm năng để trở thành 1 trong 3 công ty giao hàng hàng đầu ở Trung Quốc. Tuy nhiên, một khả năng khác tồn tại là công ty hoàn toàn có thể đốt hết sạch tiền và đi vào ngõ cụt trong kinh doanh.

Song, ông Sriram lại giữ cái nhìn lạc quan về tương lai của J&T tại Trung Quốc. Ông chia sẻ: "Tôi tin rằng J&T Express có cơ hội tốt để tham gia và phát triển trong thị trường hậu cần thương mại điện tử Trung Quốc vốn là một thị trường rất lớn. J&T có tầm nhìn đầy tham vọng và các nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, những người có thể xác định đúng thị trường và đổi mới chi phí giao hàng. Với tâm lý của người chấp nhận thử thách, tập đoàn sẽ phát triển được”.

Đọc tiếp

Tổng giám đốc Lê Đình Quang phát biểu tại đại hội. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ OCH: Kế hoạch kinh doanh thận trọng

Đại hội cổ đông thường niên năm 2023 của CTCP One Capital Hospitality (HNX: OCH) được tổ chức ngày 15/5 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Tính đến 8h ngày 15/5, số đại biểu tham dự là 4 cổ đông, đại diện cho 74,59% số cổ phần có quyền biểu quyết.