Hỗ trợ kinh tế phục hồi: Không phải cứ bơm tiền là đủ

CHÍNH SÁCH Việt nAM
16:55 - 13/12/2021
Hỗ trợ kinh tế phục hồi: Không phải cứ bơm tiền là đủ
0:00 / 0:00
0:00
“Ta nên nhìn vào thực tế là tiền đã có rồi mà chưa tiêu hết trong khi nhiều địa phương thậm chí còn phải trả lại ngân sách, vậy thì tại sao phải bơm thêm tiền khi chúng ta vẫn còn”, TS. Quách Mạnh Hào đặt vấn đề việc hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay. 

Trong khi chính phủ đang rất khẩn trương với Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022-2023 để đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp, tạo đà cho tăng trưởng, vấn đề đặt ra hiện nay là bơm bao nhiêu tiền và qua kênh nào để doanh nghiệp hấp thụ tốt nhất mà không “rơi rớt” sang các thị trường tài sản như chứng khoán hay bất động sản.

Việc lấy tiền từ nguồn nào để bơm thúc đẩy kinh tế mà vẫn đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng và không làm tăng rủi ro lạm phát cũng là vấn đề đang được các nhà hoạch định chính sách phải cân nhắc. Đặc biệt là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang thận trọng hơn trước nguy cơ nợ xấu và sức ép rủi ro lạm phát tăng cao trong năm tới.

Sau gần 2 năm dịch COVID-19, dù Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ cả về tài khóa và tiền tệ, người dân và doanh nghiệp hiện vẫn mong chờ chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế xã hội với quy mô đủ lớn để lấy lại đà tăng trưởng. Nhất là trong bối cảnh làn sóng dịch thứ 4 đang để lại những hậu quả nghiêm trọng khi tăng trưởng GDP -6,17% thấp kỷ lục và hàng loạt chỉ tiêu kinh tế chạm đáy.

Tuy nhiên, sau hàng loạt biện pháp như cơ cấu nợ, giảm phí cho khách hàng, duy trì thanh khoản và ổn định mặt bằng lãi suất ở mức thấp kỷ lục trong 20 năm, hiện dư địa cho chính sách tiền tệ còn lại không nhiều. Do vậy trọng trách trong chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 giờ nghiêng hơn về phía chính sách tài khóa.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 tuần trước, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhận định dư địa chính sách tài khóa của Việt Nam còn khá dồi dào do nền tảng vĩ mô vững chắc, như thu ngân sách nhà nước năm 2021 dự kiến đạt hơn 100% kế hoạch, thâm hụt ngân sách và nợ công được kiểm soát tốt và các cân đối lớn của nền kinh tế vẫn trong ngưỡng an toàn.

Trong khi đó, quy mô hỗ trợ tài khóa mà Việt Nam đưa ra trong giai đoạn 2020-2021 còn khá khiêm tốn khi mới ước đạt gần 3%. Còn thực tế kinh nghiệm ở các quốc gia khác trong triển khai chương trình phục hồi kinh tế từ đại dịch cũng cho thấy các biện pháp tài khóa đóng vai trò trung tâm.

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề xuất gói hỗ trợ kinh tế quy mô hơn 843.000 tỷ đồng, thực chi hơn 445.000 tỷ đồng...

Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề xuất gói hỗ trợ kinh tế quy mô hơn 843.000 tỷ đồng, thực chi hơn 445.000 tỷ đồng...

... đồng thời gợi ý một số nguồn huy động vốn cho gói hỗ trợ kinh tế

... đồng thời gợi ý một số nguồn huy động vốn cho gói hỗ trợ kinh tế

Vậy vấn đề đặt ra là huy động vốn ở đâu để thực thi các gói hỗ trợ kinh tế? Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Quốc hội gợi ý một số nguồn như tiết giảm chi phí chi thường xuyên, nguồn lực từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, phát hành trái phiếu chính phủ trong nước hoặc vay các tổ chức tài chính quốc tế khi lãi suất đang ở mức thấp, hoặc thậm chí tính tới cả việc sử dụng một phần dự trữ ngoại hối nếu cần.

Trong khi đó, TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia Tài chính công từ Học viện Tài chính cũng đề xuất kênh huy động vốn bằng cách đẩy nhanh việc thoái vốn tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ quyền chi phối, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang có nhiều thuận lợi như giai đoạn vừa qua.

Bên cạnh đó là kênh phát hành trái phiếu nội địa để vay trong nước khi lãi suất trái phiếu đang khá thuận lợi cho vay nợ. Ngoài ra còn có kênh phát hành trái phiếu Chính phủ hay khai thác sử dụng nguồn vốn đang tồn động tại các quỹ ngoài ngân sách Nhà nước như quỹ dịch vụ viễn thông công ích hay quỹ vaccine.

Tiền trong nền kinh tế không thiếu

Trong khi các chuyên gia trăn trở tìm các nguồn vốn để hỗ trợ nền kinh tế, thì ở một góc nhìn khác tiền lại được cho là không phải vấn đề.

Tại Đối thoại “Thị trường chứng khoán với gói kích thích kinh tế: Cú hích tăng trưởng và rủi ro bong bóng” sáng 13/12, TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln (Anh) đặt vấn đề: “Ta nên nhìn vào thực tế là tiền đã có rồi mà chưa tiêu hết, nhiều địa phương thậm chí còn trả lại ngân sách. Vậy thì tại sao lại phải bơm thêm tiền khi chúng ta vẫn còn?”. “Hiện nền kinh tế không thiếu tiền, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng không thiếu”, ông Hào nhận định thêm.

TS. Quách Mạnh Hào cũng cho rằng các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sắp tới có khả năng không hướng tới bơm ra thị trường một lượng tiền mới khổng lồ như cách thông thường nhiều người tưởng tượng, mà “dùng chính số tiền đã bơm ra thị trường trong quá trình trước đó để đưa lại vào nền kinh tế”. Thậm chí, ngay cả khi có bơm một lượng tiền mới nhất định thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ, thì việc phát hành trái phiếu cũng sẽ chỉ nhằm vào các cái nguồn tiền dư thừa nhàn rỗi hiện có trên thị trường.

Thực tế, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tính đến hết tháng 11 ước đạt 367,7 nghìn tỷ đồng, mới đạt 73,8% kế hoạch năm 2021, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê. Trong khi đó, vốn đầu tư khu vực tư nhân cũng đang tắc nghẽn do niềm tin người dân, doanh nghiệp còn yếu.

Tại phiên họp chiều 12/10 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng từng đặt vấn đề “tiền trong dân thì vẫn còn khá nhiều”, nhưng khó ở chỗ khơi thông nguồn lực ra sao. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thì trăn trở câu chuyện làm sao để người dân yên tâm bỏ tiền ra đầu tư kinh doanh, chứ không phải tập trung vào nhà cửa, đất đai, vàng bạc, USD hay tích trữ, gửi tiết kiệm.

TS. Quách Mạnh Hào lập luận nền kinh tế hiện nay giống như một cỗ máy, vấn đề không nằm ở việc thiếu tiền mà nằm ở việc cỗ máy đó chưa được khôi phục hoàn toàn để chạy. Thực tế việc quá nhiều tiền, dư thừa tiền đã và đang đẩy các thị trường tài sản lên cao, do đó bản chất gói hỗ trợ kinh tế trước mắt sẽ không tập trung vào bơm thêm tiền mà tập trung vào tìm cách đưa tiền sẵn có trở lại với các hoạt động kinh tế, tức là tiền dần dần sẽ được đẩy vào các dự án đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Ảnh tác giả

"Câu chuyện của những người thiết kế gói hỗ trợ hiện nay là họ đang muốn làm sao để chuyển đổi lượng tiền thực tế đã bơm ra nhưng chưa được sử dụng để nó quay trở về đúng mục tiêu, là đi vào các dự án về cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội…"

TS. Quách Mạnh Hào

Cũng theo TS. Quách Mạnh Hào, điều này vô hình chung vừa giải quyết bài toán hấp thụ vốn của nền kinh tế do hướng đến sử dụng vốn hiệu quả, vừa giải quyết được rủi ro lạm phát do không phải tính đến sức ép từ việc bơm lượng tiền quá lớn ra nền kinh tế.

“Khi ta sử dụng vốn hiện có tốt thì đó chính là cách hấp thụ vốn hiệu quả rồi. Không phải lại bơm thêm tiền để rồi ta lại phải ngồi giải bài toán hấp thụ ra sao”, TS. Hào nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp