Đề xuất Chính phủ hỗ trợ chi phí nhà ở cho người lao động thông qua DN

DOANH NGHIỆP LAO ĐỘNG
09:09 - 10/12/2021
Đề xuất Chính phủ hỗ trợ chi phí nhà ở cho người lao động thông qua DN
0:00 / 0:00
0:00
Nhận định vấn đề nhà ở đang là rào cản tâm lý lớn cho người lao động quay trở lại làm việc, ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất Chính phủ nghiên cứu hình thức “thông qua DN, hỗ trợ tiết giảm chi phí thuê nhà cho NLĐ đang làm việc tại DN”.

Báo cáo tình hình doanh nghiệp và người lao động sau giai đoạn áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP cho thấy, tình hình sản xuất của doanh nghiệp (DN) và việc làm của người lao động (NLĐ) đã dần được phục hồi trong tháng 10/2021, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về nguồn lao động.

30% số DN gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động

Báo cáo được thực hiện bởi Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) và được ông Trương Gia Bình, Trưởng ban IV ký trình lên Thủ tướng Chính phủ ngày 08/12.

Kết quả khảo sát và những kiến nghị mà ban này đưa ra được dựa trên hai cuộc khảo sát diện rộng trong tháng 10/2021 gồm khảo sát nhanh khó khăn về lao động của DN với 3.440 ý kiến trả lời và khảo sát nhanh khó khăn của NLĐ với 8.835 ý kiến trả lời.

Theo đó, trong tổng số 3.440 DN tham gia khảo sát online, số DN “đang hoạt động” chiếm tỷ lệ là 39%, cao hơn gấp 2 lần so với tỷ lệ này trong báo cáo tháng 8/20212.

Trong tổng số 8.835 người lao động trả lời khảo sát online, tỷ lệ số người trả lời hiện đang có việc là 47%, tăng gần 10 điểm phần trăm so với tỉ lệ người có việc ở khảo sát tháng 8.

Đồng thời, mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn nhưng 43% lãnh đạo các DN ở diện “đang hoạt động” vẫn luôn “tỏ ra lạc quan để chèo lái DN”.

Nguồn: Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân
Nguồn: Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân

Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần 4 tại Việt Nam tới hoạt động của DN là rất lớn, các DN vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh “sống chung với dịch”, đặc biệt là sự thiếu hụt lực lượng lao động và áp lực lớn trong chi phí xét nghiệm cho NLĐ.

Cụ thể, có 30% DN tham gia khảo sát cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động nói chung và đặc biệt các lao động có trình độ chuyên môn.

Hơn 45% DN cho là phải đưa ra mức thu nhập cao hơn so với trước dịch để thu hút lao động trở lại.

Được thực hiện trong tháng 10, khảo sát nhận định rằng một trong những lý do thiếu lao động là việc di chuyển của lao động giữa các địa phương không dễ dàng. DN mở hoạt động trở lại nhưng nếu có F0 hoặc khu vực lân cận có F0 thì lại bị đóng. Khoảng hơn 25% DN tham gia khảo sát cho rằng chính quyền địa phương một số nơi vẫn quản lý theo tư duy “zero Covid”.

Đáng chú ý, báo cáo chỉ ra rằng có 31% NLĐ dịch chuyển về quê là do không thể kiếm được việc. Lý do được nêu ra là do NLĐ sợ sống trong cảnh nhà trọ, sợ bị phong tỏa, muốn về quê để tránh dịch và họ không kiếm được việc làm ngay cả khi nhiều tỉnh/thành phố nơi họ làm việc trước đây mở cửa trở lại.

Có 59,3% NLĐ tham gia khảo sát cho biết, họ không có nguồn tiết kiệm để hỗ trợ cuộc sống trong bối cảnh dịch, phải dựa vào vay nợ hoặc trông chờ sự hỗ trợ từ gia đình/xã hội; 41% không tìm được việc; 59% mong muốn được ký HĐLĐ nếu có việc mới, 54% muốn đề nghị DN phải có cam kết đóng BHXH, BNTN.

55% người lao động mất việc chưa xác định được thời điểm tìm việc và 52% số người mất việc về quê mong muốn quay lại nơi làm việc trước đây. Ở góc độ an sinh xã hội, số người lao động này cũng rất cần sự trợ giúp của các chính quyền địa phương nơi cư trú để hỗ trợ tìm kiếm việc làm. Chỉ 52% số người mất việc đã về quê mong muốn quay trở lại nơi làm việc trước đây.

Nguồn: Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân
Nguồn: Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân

Về các chính sách hỗ trợ mà người lao động mong muốn được nhận, báo cáo cho thấy lương thực/thực phẩm và chi phí giáo dục online cho con cái là hai vấn đề mà cả nhóm NLĐ có việc và mất việc tham gia khảo sát đều dành nhiều sự quan tâm và mong muốn có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.

Trong thời gian qua, chỉ có lao động đóng BHXH, BHTN được nhận các khoản hỗ trợ NLĐ theo Nghị quyết 68, nhưng số tiền nhận được là nhỏ. Nhiều NLĐ mất việc không được nhận các gói hỗ trợ từ Chính phủ nên hỗ trợ lương thực/thực phẩm là nguyện vọng của nhiều NLĐ.

Sau lương thực/thực phẩm thì chính sách mà nhóm NLĐ mất việc mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhất chính là thông tin việc làm. Trong khi đó, ở vị trí tương ứng, nhóm NLĐ có việc lại rất quan tâm đến chính sách hỗ trợ giảm lãi suất vay mua nhà trả góp.

Nguồn: Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân
Nguồn: Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân

Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

Căn cứ tình hình khảo sát và qua thảo luận với lãnh đạo của gần 40 Hiệp hội doanh nghiệp, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã đề xuất một số giải pháp lên Thủ tướng Chính phủ.

Ban IV đề xuất Chính phủ nghiên cứu bổ sung hình thức “thông qua DN, hỗ trợ tiết giảm chi phí thuê nhà cho NLĐ đang làm việc tại DN”, bên cạnh các chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội trong gói tín dụng 65.000 tỷ đồng thuộc Chương trình phục hồi kinh bền vững đến năm 2023.

Từ đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đến nay, các khu nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp là những khu vực chịu tác động lớn nhất của đại dịch do tập trung đông lao động, và trở thành rào cản tâm lý lớn khi người lao động muốn quay trở lại làm việc.

Các chính sách phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho NLĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, kết hợp với sự quan tâm, hỗ trợ của DN đảm bảo ổn định đời sống, việc làm cho NLĐ là giải pháp cần thiết nhằm phục hồi sản xuất và kinh tế.

Nhóm nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo rà soát các quy định liên quan tới di chuyển liên tỉnh để nhanh chóng đồng bộ hóa quy định tại các địa phương, nhằm tạo điều kiện để NLĐ các tỉnh quay trở lại làm việc ở các tỉnh thành phố lớn, các trung tâm kinh tế, khu cụm CN lớn.

Đề xuất Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nghiên cứu phương án hỗ trợ trực tiếp cho DN trong đào tạo lại hoặc đào tạo mới tay nghề, kỹ năng cho NLĐ quay trở lại làm việc.

Hiện nay công tác hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ là một trong những chính sách tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch.

Ban IV cũng đề nghị xem xét, bỏ yêu cầu xét nghiệm định kỳ đối với NLĐ đã tiêm vắc xin đủ 2 mũi, chỉ thực hiện xét nghiệm với các nhóm nguy cơ, nguy cơ cao thông qua công tác rà soát, sàng lọc, đánh giá định kỳ; hoặc xét nghiệm tầm soát đột xuất để phòng ngừa rủi ro...nhằm tiết kiệm chi phí cho DN.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.