Hoa Sen Group khởi động lại mảng bất động sản, muốn săn quỹ đất nghìn tỷ

HSG hoa sen group
14:37 - 27/12/2023
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen.
Ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen.
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn Hoa Sen đã lấn sân bất động sản từ lâu nhưng gặp nhiều trắc trở và đến nay vẫn chưa ghi được dấu ấn trên thị trường này.

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) vừa công bố nghị quyết HĐQT thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức góp vốn với tỷ lệ 40% để thành lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn. Thời gian triển khai đầu tư dự kiến trong tháng 1/2024.

Mục đích góp vốn nhằm thành lập công ty trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm bất động sản có giá trị 1.000-3.000 tỷ đồng để phát triển các dự án văn phòng, trung tâm thương mại và nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho tập đoàn; cho thuê hoặc chuyển nhượng bất động sản.

Hình thức đầu tư là góp vốn thành lập. Trong trường hợp tình hình thị trường thay đổi hoặc Hoa Sen có nhu cầu thu hồi vốn, tập đoàn sẽ chuyển nhượng phần vốn góp cho cổ đông hiện hữu của CTCP Hoa Sen Sài Gòn.

Công ty sau thành lập sẽ có vốn điều lệ 100 tỷ đồng - tương đương 10 triệu cổ phần. Trụ sở chính dự kiến tại TP Thủ Đức (TP HCM). Phần vốn góp dự kiến của Hoa Sen là 40 tỷ đồng. Người đại diện phần vốn góp là ông Trần Ngọc Chu - Phó Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group.

Tập đoàn Hoa Sen đã lấn sân bất động sản từ lâu nhưng gặp nhiều trắc trở và đến nay vẫn chưa ghi được dấu ấn trên thị trường này. Năm 2009, với định hướng trở thành một tập đoàn đa ngành, Hoa Sen đã cùng lúc đầu tư vào bất động sản với 5 dự án: Khu chung cư cao tầng Hoa Sen - Phố Đông (quận 9, TP HCM); dự án căn hộ Hoa Sen Phước Long B (quận 9, TP HCM); dự án căn hộ Hoa Sen Riverview (quận 9, TP HCM); dự án Văn phòng trụ sở Hoa Sen Group (quận 2, TP HCM); góp 45% vốn vào dự án Cảng quốc tế Hoa Sen - Gemadept.

Thế nhưng chỉ sau 2 năm, Hoa Sen bất ngờ tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép. Công ty chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 4 dự án, chỉ giữ lại dự án Phố Đông – Hoa Sen đang xây dựng dở dang.

Mặc dù vậy, tham vọng làm bất động sản của doanh nhân Lê Phước Vũ vẫn chưa dừng lại. Năm 2016, Hoa Sen trở lại lĩnh vực này với việc thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm CTCP Hoa Sen Yên Bái, CTCP Hoa Sen Hội Vân, CTCP Hoa Sen Vân Hội và CTCP Hoa Sen Quy Nhơn. Tuy nhiên một lần nữa, cái duyên của “vua tôn” với bất động sản vẫn chưa tới.

Tháng 7/2018, Hoa Sen công bố quyết định giải thể Hoa Sen Hội Vân. Lý do được đưa ra là công ty chấm dứt triển khai Dự án Khu du lịch suối nước nóng Hoa Sen Hội Vân tại Phù Cát, Bình Định. Tháng 9/2018, Hoa Sen tiếp tục giải thể CTCP Hoa Sen Vân Hội, chủ đầu tư dự án Khu du lịch sinh thái hồ Vân Hội tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Lý do giải thể là do công ty ngừng tổ chức, triển khai dự án.

Đối với CTCP Hoa Sen Quy Nhơn, Hoa Sen cũng đã ra quyết định giải thể sau khi rút lui khỏi dự án Cảng biển Tổng hợp Cà Ná và dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận.

Tại báo cáo tài chính niên độ 2022-2023 đã kiểm toán, Hoa Sen chỉ còn một công ty con trong lĩnh vực bất động sản, đó là CTCP Hoa Sen Yên Bái. Dự án tiêu biểu của công ty này là Khu Trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái, được khởi công từ năm 2016. Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, Hoa Sen ghi nhận 385 tỷ đồng chi phí xây dựng dở dang tại dự án này.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.