Hơn 1 tỷ USD chảy vào thị trường chứng khoán, VN-Index lên cao nhất 3 tháng

VN INDEX NGÂN HÀNG
16:37 - 04/01/2024
Cổ phiếu ngân hàng kéo dòng tiền lớn vào thị trường.
Cổ phiếu ngân hàng kéo dòng tiền lớn vào thị trường.
0:00 / 0:00
0:00
Dòng tiền mới gia nhập tự tin hơn giúp VN-Index chinh phục thành công mốc 1.150 điểm, cao nhất kể từ đầu tháng 10/2023.

Kết phiên 4/1, chỉ số sàn HoSE tăng gần 7 điểm lên mốc 1.150,72 điểm. HNX-Index tăng 0,9 điểm còn UPCoM giảm nhẹ. Thanh khoản đột phá với tổng giá trị khớp lệnh hơn 26.000 tỷ đồng, chủ yếu là dòng tiền nội. Giao dịch khối ngoại chỉ tăng nhẹ với gần 2.500 tỷ đồng, và chỉ bán ròng nhẹ 17 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Ở chiều bán ròng, dẫn đầu là VHM với 92 tỷ đồng, kế đến là STB, TPB và MSN 27 tỷ đồng; GAS, SHB, DXG, LPB, VNM hơn 20 tỷ đồng… Còn chiều mua ròng dẫn đầu là VCB 98 tỷ đồng. Phiên thứ ba liên tiếp khối ngoại mua ròng mạnh cổ phiếu ngân hàng Vietcombank. Hai mã ngân hàng khác là VPB và MSB cũng được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trên 60 tỷ đồng. Ngoài ra còn có SSI được mua ròng 59 tỷ đồng, CTG 42 tỷ đồng.

Sau hai phiên rục rịch thu hút tiền vào, phiên hôm nay, nhóm “cổ phiếu vua” thực sự tỏa sáng. Các mã đóng góp lớn cho đà tăng của thị trường đều đến từ nhóm này, với MBB +5%, CTG +3,6%, TPB +2,6%, HDB +2%, SHB +1,8%, TCB và VIB +1,5%, VPB +1,3%...

Không chỉ các bluechip, nhiều mã ngân hàng nhỏ cũng tăng bứt phá, như BVB +4,8%, MSB +3,1%, NVB +3,6%, SGB +4,7%. Trong nhóm chỉ có BID giảm nhẹ 0,3%; NAB, VAB và VBB đứng tham chiếu.

Thanh khoản nhóm ngân hàng hôm nay cũng rất nhộn nhịp, với SHB khớp lệnh 61,5 triệu đơn vị, MBB gần 50 triệu đơn vị, STB hơn 31 triệu đơn vị, TPB hơn 30 triệu đơn vị, VPB hơn 25 triệu đơn vị, ACB và MSB hơn 20 triệu đơn vị.

Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng sau khi đón nhận thông tin quan trọng liên quan đến tăng trưởng tín dụng tại buổi họp báo "Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024" diễn ra vào ngày 3/1. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Tính đến cuối năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 13,5%. Mặc dù, kết quả trên thấp hơn con số kỳ vọng là 14 – 15% nhưng không nhiều. "Với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối năm 2023 khoảng 13,5 triệu tỷ, mức tín dụng tăng thêm ước khoảng 2 triệu tỷ đồng", Phó Thống đốc Đào Minh Tú ước tính.

Thực tế thị trường hôm nay tăng điểm chủ yếu nhờ nhóm ngân hàng. Các nhóm công nghệ thông tin, chứng khoán thủy sản, bảo hiểm cũng tăng vốn hóa nhưng ít cổ phiếu vượt trội. Nhóm chứng khoán có SSI tăng 2%, trong khi VND, VCI, HCM, BSI, FTS lại giảm nhẹ. VIX, CSI, VDS, AGR, TVS tăng nhưng tỷ lệ điều chỉnh chỉ trên dưới 1%.

Số nhóm ở chiều giảm nhiều hơn, với nhóm nông nghiệp “rơi” mạnh nhất. Nguyên nhân do hai “anh cả” của nhóm là HAG và HNG đều giảm sâu 3-4%. Hai mã này chịu áp lực chốt lời sau giai đoạn tăng nóng thời gian qua.

Nhóm xây dựng và bất động sản diễn biến giằng co, các cổ phiếu điều chỉnh trong biên độ hẹp. Chiều tăng có DIG, DXG, CEO, VHM, NVL, HUT, VRE, KDH, REE, BCG, HDG, HDC, SZC… Ngược lại, chiều giảm có KBC, VCG, CII, HHV, CTD, SJS, VPI, PC1, ITA, BCM, HQC, LCG, FCN, KHG, TIG… VIC, PDR, NLG, TCH đứng tham chiếu.

Nhóm thép ghi nhận HPG, HSG và NLG đều giảm giá nhưng mức giảm chỉ dưới 1%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của PV OIL. Nguồn: Petrovietnam.

PV OIL: Theo đuổi mục tiêu niêm yết trên HoSE

Ban lãnh đạo PV OIL thông tin, dự kiến cuối năm 2024 công ty đặt mục tiêu xoá sạch lỗ luỹ kế và trong năm nay hoặc năm tới sẽ bỏ bớt điểm ngoại trừ của kiểm toán trên báo cáo tài chính, đưa cổ phiếu ra khỏi diện cảnh báo.