HoREA: Năm 2022 có hơn 1.200 doanh nghiệp bất động sản giải thể, phá sản

DOANH NGHIỆP địa ốc
15:12 - 17/02/2023
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA). Ảnh: VGP
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA). Ảnh: VGP
0:00 / 0:00
0:00
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), thị trường bất động sản đang rất khó khăn, các doanh nghiệp bất động sản thiếu tiền mặt, thiếu thanh khoản nghiêm trọng, sở hữu khối tài sản lớn nhưng không bán được.

Phát biểu tại hội nghị “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” ngày 17/2, Chủ tịch HoREA cho biết hiện nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải đẩy mạnh tái cấu trúc, tái cơ cấu sản phẩm, giảm giá bán, đình hoãn các dự án hoặc ngừng kinh doanh.

Nhiều công trình dừng triển khai xây dựng, các nhà thầu không có dự án, không có việc làm, công nhân mất việc, nhiều doanh nghiệp giảm 30-50% lực lượng lao động, lực lượng môi giới giảm đến 70%. Năm 2022 có hơn 1.200 doanh nghiệp bất động sản dừng hoạt động, giải thể, phá sản. Theo Chủ tịch HoREA, điều này rất nguy hiểm do thị trường bất động sản liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác.

Lĩnh vực bất động sản là một trong “21 ngành kinh tế cấp 1” quan trọng nhất của nền kinh tế đất nước, nên thị trường bất động sản gặp khó khăn sẽ tác động bất lợi dây chuyền lan sang nhiều ngành kinh tế và tác động đến nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Doanh nghiệp bất động sản rất khó tiếp cận tín dụng

Theo ông Châu, hiện thị trường bất động sản đang phải đối mặt với 2 khó khăn lớn. Đầu tiên là vướng mắc pháp lý” chiếm 70% khó khăn của doanh nghiệp bất động sản. Tiếp đến là khó khăn về nguồn vốn, trước hết là vốn tín dụng ngân hàng, kế đến là vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng.

HoREA cho hay, nguồn vốn tín dụng là “bà đỡ” của doanh nghiệp bất động sản nhất là sau khi doanh nghiệp đã bỏ nguồn vốn lớn để tạo lập quỹ đất dự án nên rất cần được vay vốn tín dụng để đầu tư xây dựng các công trình.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, trong số 3 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng thì có đến 70% là tín dụng tiêu dùng bất động sản, tức là cá nhân, hộ gia đình vay để xây, sửa và mua nhà chứ không phải là doanh nghiệp. Nếu như vậy thì lượng tín dụng cung ứng cho các doanh nghiệp bất động sản tại TP HCM chỉ chiếm có 30%, chưa đến 1/3 cho nên doanh nghiệp bất động sản tiếp cận tín dụng rất khó.

Do vậy, hiệp hội rất kỳ vọng các tổ chức tín dụng thấu hiểu và chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp như những người cùng trên một con thuyền phải cùng nhau chèo chống vượt qua cơn phong ba bão táp dữ dội hiện nay.

Ảnh tác giả

"Chúng tôi đánh giá rất cao và tin tưởng, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ thường xuyên nói câu "lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ", tức là phải công bằng về lợi ích".

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA

HoREA cho biết thêm, hiện nay một số doanh nghiệp phải đối mặt với việc có khoản vay tín dụng sắp đáo hạn nếu không được cơ cấu lại nợ vay, không được giữ nguyên nhóm nợ thì có nguy cơ bị nhảy nhóm nợ xấu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có khoản vay tín dụng đã bị xếp vào nợ xấu nhóm 2 hoặc nhóm 3 nếu không được khoanh nợ khoản nợ xấu này thì không thể tiếp cận được khoản vay mới để có cơ hội phục hồi sản xuất kinh doanh hoặc bị nhảy nhóm nợ xấu hơn.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường

Trước thực trạng nêu trên, đưa ra giải pháp cho nguồn vốn tín dụng, ông Châu kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện để doanh nghiệp có các khoản nợ tín dụng sắp đến hạn thì giữ nguyên nhóm nợ, cho phép tái cấu trúc không thành nhóm nợ xấu hơn.

Chỉ cho vay đối với những dự án để điều kiện như dự án có tài sản bảo đảm, dự án có điều kiện pháp lý, dự án có tính khả thi được ngân hàng đánh giá là có khả năng trả nợ.

Đồng thời, ông Châu cũng đề nghị sớm ban hành Nghị định liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp, trong đó gia hạn phù hợp thời hạn trái phiếu, rà soát, sửa đổi các nghị định khác chưa phù hợp.

Về pháp lý, trong thời gian 17 tháng tới đây chờ các Luật mới có hiệu lực, Hiệp hội đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương trình Chính phủ ban hành 4 Nghị định quan trọng trong tháng 2 hoặc đầu tháng 3/2023 gồm dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về đất đai; dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng và dự thảo Nghị định về quy trình, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng dự án bất động sản, nhà ở, đô thị. Sau đó, các Bộ, ngành ban hành các thông tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Tin liên quan

Đọc tiếp