HSBC: Dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam và các nước châu Á

FDI CHÂU Á
19:59 - 18/07/2023
HSBC: Dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam và các nước châu Á
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia HSBC cho rằng, phần lớn các dự án FDI đầu tư vào khu vực châu Á tập trung vào lĩnh vực sản xuất, củng cố vị trí của khu vực với tư cách là một trung tâm thương mại toàn cầu.

Ngày 18/7, Ngân hàng HSBC công bố Báo cáo "Asia chart of the week - Dòng đầu tư vẫn chảy" đánh giá về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của châu Á, trong đó nhận định đại dịch Covid-19 đã không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn FDI của khu vực này và đây vẫn là một đích đầu tư tương đối tốt trong bối cảnh hiện nay.

Theo HSBC, bất chấp những ồn ào về triển vọng tăng trưởng mờ nhạt và xu hướng địa phương hóa, đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vẫn tiếp tục đổ vào châu Á. Thêm nữa, phần lớn các dự án đầu tư này tập trung vào lĩnh vực sản xuất, củng cố vị trí của khu vực với tư cách là một trung tâm thương mại toàn cầu.

ASEAN đã vượt qua Trung Quốc đại lục trong hai năm liên tiếp về thu hút FDI. Ấn Độ cũng đang tìm được chỗ đứng cho mình, nhất là về đầu tư mới, thay vì tái đầu tư. Trong khi đó, các nhà sản xuất từ Trung Quốc đại lục cũng đang tăng cường đầu tư vào các nền kinh tế khác, đặc biệt là ở ASEAN.

Làm rõ hơn về chi tiết này, nhóm phân tích HSBC chỉ ra, Trung Quốc đại lục thường xuyên nhận được lượng lớn dòng vốn đổ vào. Năm ngoái, nền kinh tế này đã nhận được lượng đầu tư cao kỷ lục mặc dù nhu cầu sụt giảm và những thách thức đi kèm với chiến lược "zero Covid". Tuy nhiên, dòng vốn chảy vào ASEAN đã tăng vọt, thậm chí khu vực này nhận được nhiều vốn hơn Trung Quốc đại lục trong hai năm liên tiếp.

Điều này đồng nghĩa các dự án đầu tư mới chủ yếu hướng đến Đông Nam Á và Ấn Độ. Đồng thời, các công ty cũng không "từ bỏ" Trung Quốc đại lục, bằng chứng là tổng vốn FDI kỷ lục vào năm ngoái cho thấy những công ty đã có chỗ đứng trên thị trường đang tiếp tục mở rộng hoạt động tại quốc gia này.

Báo cáo của HSBC cũng cho thấy, dòng vốn đầu tư có xu hướng chảy đặc biệt nhiều vào các quốc gia gồm Việt Nam, Malaysia, Australia và New Zealand, trong khi đổ ít hơn vào Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục và Nhật Bản.

"Tuy nhiên, nhìn chung, đại dịch không ảnh hưởng nhiều đến dòng vốn FDI châu Á. Đây vẫn là một đích đầu tư tương đối tốt bất kể các thông tin thời sự", nhóm phân tích HSBC khẳng định.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các nước trên thế giới đã sụt giảm một thời gian sau khi đạt đỉnh vào năm 2015 như một phần của xu hướng "đảo ngược toàn cầu hóa" và "phân mảnh địa kinh tế". Ngược lại, dòng vốn FDI vào châu Á tiếp tục tăng cao hơn với bước nhảy vọt đáng chú ý trong ba năm qua, đem đến một hình ảnh sôi động với dòng vốn FDI vào khu vực này đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2010.

Chuyên gia phân tích HSBC.

Các dòng FDI đóng vai trò thế nào trong bức tranh tổng thể?

Các chuyên gia HSBC nhận định, đầu tư xuyên biên giới giúp phổ biến công nghệ, nâng cao năng suất nền kinh tế ở quốc gia sở tại và nơi được rót vốn, đồng thời giúp thúc đẩy thương mại và kết nối quốc tế. Ngoài ra, FDI cũng đóng góp trực tiếp vào GDP các nước dưới hình thức các khoản chi đầu tư.

Số liệu từ ngân hàng này cho thấy, tại Việt Nam, Malaysia, New Zealand, Austrailia và Philippines, dòng vốn FDI chiếm hơn 2% GDP. Ngược lại, ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đại lục và Bangladesh, dòng vốn FDI chiếm khoảng 1% GDP hoặc ít hơn.

"Bức tranh tổng thể FDI khu vực châu Á không thể hiện sự suy giảm, có lẽ nói đúng hơn là có sự dịch chuyển nhưng dòng vốn FDI nói chung vẫn duy trì ổn định bền vững. Châu Á vẫn là một địa điểm khá tốt để đầu tư", chuyên gia HSBC nhận định.

Đọc tiếp

Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle. Ảnh: Bosch Vietnam

Chân dung tân Chủ tịch EuroCham

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới công bố Hội đồng quản trị năm 2024 và bổ nhiệm ông Dominik Meichle, Tổng Giám đốc điều hành của Bosch Việt Nam, làm tân chủ tịch.