HSBC: 'FDI xanh' sẽ là xu hướng tương lai mà Việt Nam không đứng ngoài cuộc

FDI XANH Việt nAM
15:25 - 11/07/2022
0:00 / 0:00
0:00
Chuyên gia HSBC nhìn nhận, FDI sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam. Trong đó, FDI “xanh” sẽ là xu hướng quan trọng trong tương lai mà Việt Nam không đứng ngoài cuộc.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam vừa có một số nhận định về tình hình nửa cuối năm 2022. Theo ông, năm 2022 của Việt Nam đã khởi đầu bằng những bước đi vững chắc. Kiên trì theo đuổi chiến lược “sống chung với COVID-19”, Việt Nam triển khai chương trình tiêm chủng thần tốc và gỡ bỏ dần các biện pháp phòng dịch giúp phục hồi nhu cầu mua sắm trong nước, bức tranh tiêu dùng nội địa khởi sắc trở lại.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm đã tăng lên 11,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,9%. Đặc biệt, việc mở cửa hoàn toàn từ giữa tháng 3 đóng vai trò hết sức quan trọng với sự phục hồi của ngành dịch vụ. Nửa đầu năm, Việt Nam đón 602.000 lượt khách quốc tế, gấp 6,8 lần so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của chuyên gia HSBC, năm nay dự báo du lịch Việt Nam phục hồi vẫn còn chậm. Dịch COVID-19 là một nguyên nhân khiến du khách quốc tế hình thành tâm lý e ngại đi nước ngoài, cộng thêm tình hình vật giá leo thang ảnh hưởng đến chi tiêu dành cho du lịch của người dân nhiều nước trên thế giới.

Một nguyên nhân khác là tình hình căng thẳng ở Nga và chiến lược “zero COVID” của Trung Quốc, hai thị trường cung cấp nguồn khách du lịch lớn của Việt Nam, ảnh hưởng nghiêm trọng sự phục hồi ngành du lịch Việt Nam, ông Khoa chia sẻ.

Trong khi đó, sản xuất công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng vững chắc với tốc độ 8,48% toàn ngành so cùng kỳ năm 2021, trong đó linh kiện điện thoại tăng 22,2%. Chỉ số PMI ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 51,7 điểm trong tháng 4 lên 54,7 điểm trong tháng 5, mức cao nhất trong 12 tháng qua, trước khi lùi một chút về 54 điểm trong tháng 6. Nhờ nguồn FDI ổn định trong nhiều năm đổ vào ngành sản xuất công nghệ, Việt Nam đã vươn mình rở thành một công xưởng sản xuất của thế giới.

Quan trọng nhất theo ông Khoa là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam đã bắt đầu chứng kiến những bước phục hồi mạnh mẽ khi tình hình thiếu hụt lao động tiếp tục giảm bớt. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trên 90% lao động đã trở lại TP HCM. Tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số đều tích cực góp phần đưa tăng trưởng GDP quý 2 đạt 7,72% so với cùng kỳ năm trước, đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 6,42%.

Cẩn trọng với các rủi ro trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao

Song, mặc dù tình hình nhìn chung có vẻ lạc quan, các yếu tố cản trở tăng trưởng vẫn còn đó. Cụ thể, Việt Nam đang gặp một loạt thách thức trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Điều đó sẽ khiến chi phí nhiên liệu tăng, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại của Việt Nam.

Trong khi đó, giá dầu tăng cao làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân, làm chậm quá trình phục hồi tiêu dùng cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Giá năng lượng thế giới không có dấu hiệu hạ nhiệt đẩy giá dầu trong nước liên tục lên những mức cao kỷ lục mới.

Cụ thể, báo cáo chỉ ra rằng, giá năng lượng thế giới tăng cao vẫn là rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng của Việt Nam. Tác động rõ rệt nhất chính là chi phí năng lượng tăng lên. Mặc dù xuất khẩu vững mạnh, cán cân thương mại đã thu hẹp lại dẫn đến mức thặng dư khiêm tốn chỉ 0,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, bào mòn lợi thế của tài khoản vãng lai, tạo áp lực lên đồng VND. Chúng tôi dự báo Việt Nam sẽ thâm hụt tài khoản vãng lai năm thứ hai liên tiếp mặc dù mức độ thâm hụt sẽ ít hơn so với năm 2021.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần hết sức lưu ý những cơn gió ngược chiều cản trở tăng trưởng thương mại đang mạnh dần lên. Một mặt, tiêu dùng thế giới đang dịch chuyển từ hàng hóa sang dịch vụ. Mặt khác, gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc khiến các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam gặp ngày càng nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động xuất khẩu trong tương lai. Đây chính là những yếu tố quyết định tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có khả năng duy trì đà tăng trưởng vững mạnh như hiện nay đến bao giờ, ông Khoa nhìn nhận.

Ngoài ra, mặc dù Chính phủ đã triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 giúp đảm bảo an sinh xã hội, lạm phát gia tăng sẽ khiến việc phục hồi cuộc sống diễn ra không đồng đều. Các hộ gia đình thu nhập thấp sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn khiến tình hình bất bình đẳng trở nên nghiêm trọng hơn trong ngắn hạn.

Chính sách kinh tế đang tạo môi trường vĩ mô ổn định cho Việt Nam

Trong bối cảnh đó, chuyên gia HSBC nhận định, tương tự với các nước láng giềng trong khu vực cùng là nước nhập khẩu năng lượng ròng, Việt Nam đã dùng chính sách hỗ trợ tài khóa nhằm “hạ nhiệt” giá dầu.

Ban đầu, Việt Nam dùng quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm trợ giá xăng dầu trong nước, tiếp theo đó là cắt giảm thuế bảo vệ môi trường, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại thuế phí đánh vào nhiên liệu, xuống 2.000 đồng đối với xăng và 700-1.000 đồng đối với các loại nhiên liệu khác từ 1/4. Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu lần thứ hai, thời hạn áp dụng kể từ 11/7 tới hết năm nay.

Về tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là một trong số ít ngân hàng trung ương ở châu Á chưa bắt đầu thắt chặt tiền tệ. Tuy nhiên, rủi ro lạm phát gia tăng (dù phần lớn là lạm phát “nhập khẩu” từ nước khác) sẽ thúc giục cơ quan này cần phải thắt chặt tiền tệ. Dựa trên những dự báo của chúng tôi, lạm phát nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng hơn từ Quý 4 năm nay, thậm chí có lúc vượt trần 4% của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, chương trình hỗ trợ của Chính phủ giúp doanh nghiệp phục hồi sau COVID-19 đã và đang được triển khai sâu rộng. Trong 6 tháng đầu năm, cả nước có 76,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước và gần 40,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 55,6%. Bình quân một tháng có 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động cho thấy tình hình bắt đầu khởi sắc và sôi nổi trở lại.

FDI “xanh” sẽ là xu hướng quan trọng trong tương lai mà Việt Nam hướng đến

Theo đó, nhận định về triển vọng nửa cuối năm 2022, theo ông Khoa, là quốc gia hiếm hoi duy trì được tăng trưởng hai năm liên tiếp kể từ khi xảy ra đại dịch, Việt Nam hiện đang được coi là điểm sáng trong khu vực do tiềm năng phát triển kinh tế vững vàng và khả năng phục hồi nhanh sau COVID-19.

Trong đó, ông Khoa nhìn nhận, FDI sẽ tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Việt Nam – một trong hai thành viên nổi bật nhất trong ASEAN xét về tỷ trọng FDI trên GDP cho thấy mức độ thu hút của quốc gia này ngày một tăng lên.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng. Từng bước tiến vững chắc lên cao hơn trong chuỗi giá trị, Việt Nam đã trở thành trung tâm sản xuất chính cho các sản phẩm điện tử, thu hút FDI ổn định nhờ những điều kiện vĩ mô cơ bản lành mạnh, chính sách ưu đãi thuế và nguồn lao động giá rẻ, năng suất dồi dào.

Đặc biệt, theo ông Khoa, khi Việt Nam đã có những cam kết đầy tham vọng tại COP26, những yếu tố bền vững càng được quan tâm hơn, ví dụ như Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ VASI cũng đề xuất kiểm soát chất lượng FDI, trong đó công nghệ đưa vào Việt Nam không được phép là công nghệ tiêu thụ nhiều năng lượng không tái tạo, hủy hoại môi trường.

Thực tế, Việt Nam đã và đang tích cực đẩy mạnh chiến lược phát triển nền kinh tế theo hướng xanh hơn, bền vững hơn và giảm phát thải nhà kính để thu hút được dòng FDI “xanh” thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để hiện thực hóa Chiến lược này, Chính phủ xây dựng “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030” đề ra nhiệm vụ, hoạt động cụ thể cho các ngành.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã có Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng gắn với nhiệm vụ phát triển tín dụng xanh - ngân hàng xanh, ban hành Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đến 2030 với mục tiêu thúc đẩy phát triển “tín dụng xanh”, “ngân hàng xanh”, hướng dòng vốn tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng xanh…

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2021, có 67 tổ chức tín dụng tham gia cho vay các dự án xanh ở các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, vệ sinh môi trường, dệt may và nhiều lĩnh vực khác. Dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh chiếm hơn 4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 0,46% so với năm 2020. Rõ ràng, tiềm năng phát triển của lĩnh vực tài chính xanh còn rất rộng lớn.

Ngoài ra, theo ông Khoa Việt Nam nên tiếp cận thị trường vốn quốc tế cho phát triển xanh, tận dụng sự quan tâm của thị trường vốn với khẩu vị của nhà đầu tư đang theo chiều hướng có lợi.

Cụ thể, hiện tại vốn quốc tế cho phát triển xanh, đặc biệt là năng lượng tái tạo vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi, ví dụ trong lĩnh vực năng lượng, nhà tài trợ còn dè dặt do hợp đồng mua bán điện chưa đủ vững mạnh để tài trợ trên cơ sở dự án và môi trường pháp lý và luật lệ để tái tài trợ các dự án đã vận hành ổn định vẫn còn nhiều giới hạn. Chính phủ sẽ cần cân nhắc đẩy mạnh việc tạo ra môi trường thông thoáng về cơ chế và quy định pháp luật để có thể tận dụng hiệu quả được nguồn vốn quốc tế cho phát triển xanh của quốc gia.

Tin liên quan

Đọc tiếp