Huy động sự hợp tác toàn cầu cho mục tiêu lương thực bền vững

Lương thực THẾ GIỚI
16:38 - 24/04/2023
Đối thoại cấp Bộ trưởng về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững. Ảnh: Phương Thảo.
Đối thoại cấp Bộ trưởng về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững. Ảnh: Phương Thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Cuộc đối thoại giữa các Bộ trưởng nông nghiệp ngày hôm nay 24/4 đã chia sẻ một quan điểm thống nhất rằng, cần có sự chung tay giữa các quốc gia về tài chính, kỹ thuật và tăng cường hợp tác liên ngành trong việc chuyển đổi hệ thống lương thực bền vững.

Kêu gọi các nước cùng chung tay cho mục tiêu chuyển đổi

Tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, Bộ trưởng nông nghiệp các nước trong phiên tọa đàm chiều 24/4 đã thảo luận về giải pháp chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững và chia sẻ kinh nghiệm của nước mình.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đã đạt được tiến bộ lớn về chỉ số giảm nghèo được Liên hợp quốc ghi nhận. Việc đảm bảo an ninh lương thực góp phần vào cải thiện chỉ số giảm nghèo của Việt Nam.

Tuy nhiên, với đặc điểm quy mô sản xuất nhỏ, người nông dân Việt Nam có nguy cơ lớn bị tổn thương trước những biến đổi khí hậu, biến chuyển xu thế tiêu dùng và biến động thị trường.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản đặc biệt là lúa gạo, phương pháp thậm dụng tài nguyên đã được nền nông nghiệp Việt Nam duy trì lâu dài, trong khi tiêu chuẩn truy xuất nguồn gốc ngày càng khắt khe hơn.

“Đây là những thách thức Việt Nam cần giải quyết”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Trước bối cảnh Chính phủ Việt Nam cam kết tại Hội nghị COP 26 đến năm 2050 sẽ đưa phát thải ròng về 0 và các cam kết giảm phát thải khí metan, hiện Bộ NN&PTNT đang thực hiện các chiến lược nông nghiệp, nông thôn theo những sáng kiến đó, để tham gia hệ thống lương thực, thực phẩm thích ứng thông minh.

"Chúng tôi xem chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững là nhiệm vụ liên ngành của cả hệ thống chính trị với các thành phần liên quan, khu vực công – khu vực tư và người nông dân. Việc chuyển đổi gắn với đa giá trị, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam”.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, nền nông nghiệp Việt Nam đang được gắn với ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo, kết nối người sản xuất với người tiêu dùng. Đặc biệt là lồng ghép, huy động các nguồn lực toàn xã hội và tổ chức quốc tế thông qua các cơ chế, chính sách. Phát triển hệ thống chế biến, phân phối hiện đại, đảm bảo hạn chế thất thoát, lãng phí.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng thông tin tới đại diện ngành nông nghiệp các nước tham dự hội nghị về việc Việt Nam đang tái cơ cấu nền nông nghiệp, trong đó xác định người nông dân ở vị trí trung tâm của chuyển đổi, thích ứng xu thế tự do thương mại, nông nghiệp thông minh, bền vững.

Thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã đề xuất Chính phủ xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm; Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải ở Đồng bằng sông Cửu Long; chi trả tín chỉ carbon ở Bắc Trung Bộ; thí điểm tính toán dấu chân carbon cho các sản phẩm lúa, gạo, cà phê, thủy sản.

Để đẩy nhanh các sáng kiến trong sự hợp tác quốc tế, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi các nước cùng chung tay với Việt Nam thực hiện chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững.

Việt Nam mong muốn đóng góp vào lộ trình chuyển đổi lương thực bền vững toàn cầu. Ảnh: VGP.

Việt Nam mong muốn đóng góp vào lộ trình chuyển đổi lương thực bền vững toàn cầu. Ảnh: VGP.

Chuyển đổi lương thực không phải chỉ là vấn đề riêng một quốc gia

Cùng tham gia phiên đối thoại cấp Bộ trưởng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ethiopia Meles Mekonen chia sẻ, lộ trình xóa đói giảm nghèo của nước này có những thành công nhất định, tuy nhiên việc đảm bảo an ninh lương thực vẫn còn đối mặt nhiều thách thức từ đại dịch covid-19, xung đột Ukraine.

Chính phủ Ethiopia đã ban hành lộ trình xác định các bước thực hiện trong quá trình chuyển đổi với 5 nguyên tắc khuyến nghị của Liên hợp quốc theo tinh thần không bỏ ai lại phía sau. Chính phủ Ethiopia cam kết các hành động ưu tiên ở mức tối cao theo cách đồng vận và hiệp lực.

Theo ông Meles Mekonen, những chiến lược kế hoạch vận hành nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu đã được triển khai tại Ethiopia. Với những giải pháp đa dạng hóa nguồn thực phẩm, sáng kiến chứng nhận thực phẩm bền vững, hỗ trợ tài chính cho các lộ trình chuyển đổi được thí điểm tại thủ đô và nhân rộng ra các địa phương khác.

“Tuy nhiên, tiến trình này không thể thực hiện được bởi riêng một quốc gia mà cần sự chung tay về tài chính, kỹ thuật cho sự chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững toàn cầu”, ông Meles Mekonen khẳng định.

Khi chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, không thể chỉ một ngành nông nghiệp thực hiện được mà cần có sự phối kết hợp của các Bộ/ngành liên quan như ngành y tế, ngành giáo dục, ngành môi trường, tài chính. Ngoài ra là sự phối hợp kết hợp của các thành phần, đặc biệt là hội nông dân.

Đây cũng là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sĩ Christian Hofer khi ông nhấn mạnh các đối thoại về xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững có vai trò tích cực ở nước này.

Năm 2022, Thụy Sĩ đã thực hiện tham vấn nhân dân về chính sách quốc gia, trong đó, người dân đã đưa ra nhiều kiến nghị về xây dựng lương thực thực phẩm bền vững. Những kiến nghị này sẽ được thảo luận ở cấp chính phủ và các hội đồng khoa học.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sĩ Christian Hofer (giữa). Ảnh: Phương Thảo.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sĩ Christian Hofer (giữa). Ảnh: Phương Thảo.

"Theo lộ trình, Thụy Sĩ đang xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững với các bên liên quan. Kế hoạch hành động với các biện pháp trọng tâm hướng đến những kiến nghị của người dân đề ra sẽ giúp giảm thiểu một nửa lượng lương thực thất thoát hàng năm, tăng tỷ trọng tiêu dùng bền vững”.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sĩ Christian Hofer

Đại diện ngành nông nghiệp Thụy Sĩ cũng cho biết, nước này vừa xuất bản báo cáo định hướng ngành nông nghiệp tới 2030.

“Báo cáo đã đánh giá các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và các giải pháp cải thiện khâu sản xuất từ những tác động đó. Báo cáo này sẽ đóng góp được vào lộ trình chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm bền vững toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thụy Sĩ thông tin.

Tin liên quan

Đọc tiếp