'Kéo dài cơ chế đặc thù cho TP HCM thêm 1 năm khó mang lại thay đổi căn bản'

QUỐC HỘI Tp hcm
15:10 - 21/10/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31/12/2023, nhưng một năm là khoảng thời gian không dài nên khó có thể mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Sáng 21/10, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo Tổng kết Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; đồng thời đề nghị cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết này đến hết 31/12/2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường đã trình bày Báo cáo thẩm tra, trong đó các ý kiến đồng thuận với báo cáo của Chính phủ và đánh giá Nghị quyết số 54 là cần thiết để có thêm căn cứ chính trị vững chắc trong đổi mới cơ chế, chính sách, pháp luật cho TP HCM.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đề nghị lưu ý một số điểm sau:

Việc đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 thực chất là kéo dài thời gian áp dụng chính sách thí điểm có thời hạn và điều này phần nào làm chậm quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; làm giảm tính vững chắc, nhất quán trong thực thi pháp luật.

Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ lý do, tính thuyết phục, căn cứ phù hợp để áp dụng việc kéo dài thời gian thực hiện; cần dự báo được hiệu quả sẽ mang lại nếu tiếp tục thực hiện thêm 1 năm. Bên cạnh nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19, cần chỉ ra nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện dẫn đến phải kéo dài thời gian thực hiện.

Chính phủ đề nghị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023. Như vậy chỉ có thêm 1 năm để thực hiện, theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, đây là khoảng thời gian không dài nên khó có thể mang lại những thay đổi căn bản trong kết quả thực hiện.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cho phép kéo dài đến hết ngày 31/12/2024 để bù lại tương ứng 2 năm không triển khai được chính sách thí điểm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Nghị quyết số 54 được triển khai giúp mang lại nhiều thành tựu cho TP HCM trong 5 năm qua.

Nghị quyết số 54 được triển khai giúp mang lại nhiều thành tựu cho TP HCM trong 5 năm qua.

Cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan

Theo quy định tại Nghị quyết số 54, TP HCM được thí điểm thực hiện 4 nhóm chính sách lớn, bao gồm quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính, ngân sách nhà nước (bao gồm 9 nội dung) và về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý (bao gồm 2 nội dung).

Đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 54, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ. Qua đối chiếu với kết quả thực hiện 4 nhóm chính sách được thí điểm tại Nghị quyết số 54 cho thấy, việc triển khai đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần để Thành phố phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Đáng chú ý, chính sách đặc thù về quản lý đất đai đã góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Trong 5 năm HĐND Thành phố đã quyết định thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843,79ha. Bên cạnh một số quy trình cần tiếp tục hoàn thiện thì cơ chế này đã phần nào rút ngắn thời gian thực hiện.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố tác động không thuận như đại dịch Covid-19, một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, những hạn chế trong tổ chức thực hiện; Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy còn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 54. Đặc biệt là một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện.

Đó là việc sử dụng ngân sách Thành phố ứng vốn để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trên địa bàn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.

Theo báo cáo, đến nay Thành phố chưa triển khai nội dung này, song kiến nghị tiếp tục cho phép triển khai cơ chế ứng vốn cho các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngân sách Trung ương để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trên địa bàn.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách đánh giá, chính sách này nhằm hoàn thành dự án đúng tiến độ, phát huy tối đa hiệu quả của các dự án trong trường hợp nguồn lực của ngân sách Trung ương đã được bố trí trong trung và dài hạn chưa đảm bảo để thực hiện và được coi như một khoản tạm ứng, được ngân sách Trung ương hoàn trả khi có nguồn. Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy chính sách chưa được thực hiện hiệu quả.

Theo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, có ý kiến nhận định việc thực hiện Nghị quyết số 54 đến nay chưa như kỳ vọng; chỉ đạt kết quả rất hạn chế; không tạo được sức mạnh đột phá tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố cũng như lan tỏa ra khu vực, vùng, miền. Trong đó nhiều chính sách không được cụ thể hóa, triển khai trong thực tiễn.

Hạn chế này còn có nguyên nhân khách quan do tình hình dịch Covid-19 diễn ra trên địa bàn song chủ yếu là do yếu kém, thiếu quyết tâm, chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện; cần làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan từ Trung ương tới địa phương trong vấn đề này.

Tin liên quan

Đọc tiếp