Cơ giới hóa đồng bộ là giải pháp tất yếu cho một nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Ảnh: TTXVN. |
Chương trình Cơ giới hóa nông nghiệp châu Á (Agritechnica Asia Live) 2022 với chủ đề "Cơ giới hóa đồng bộ tiến tới sản xuất nông nghiệp bền vững" khai mạc tại TP Cần Thơ, sáng 25/8. Tại buổi lễ, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp là giải pháp tất yếu cho một nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả và phát triển bền vững.
Trong đó, tập trung vào áp dụng công nghệ thông minh, chính xác, thân thiện với môi trường tiến tới số hóa, tự động hóa sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động.
Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, cơ giới hóa đồng bộ đối với sản xuất cây trồng chủ lực đạt trên 70% diện tích; trên 70% số cơ sở chế biến, bảo quản nông sản chủ lực đạt trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến trở lên; tổn thất sau thu hoạch các nông sản chủ lực giảm từ 0,5-1%/năm; thu nhập người dân nông thôn sẽ gấp từ 2,5-3 lần so với năm 2020 (khoảng 120 triệu đồng/người/năm).
Cơ giới hóa nông nghiệp ở Việt Nam đang ngày một tăng nhanh. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt, làm đất lúa đạt 95%, gieo trồng đạt 42%, chăm sóc bảo vệ thực vật và các cây trồng khác đạt 77%, thu hoạch lúa đạt 70%.
Nổi bật là hệ thống trang bị động lực, số lượng, chủng loại máy, thiết bị nông nghiệp tăng nhanh. So với 10 năm trước số lượng máy kéo cả nước tăng 48%, máy gặt đập liên hợp tăng 79%, máy sấy nông sản tăng 29%.
Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan
“Cơ giới hóa nông nghiệp không chỉ là giải pháp riêng rẽ, không chỉ gắn với công đoạn riêng biệt nào mà có thể được ứng dụng hiệu quả, đồng bộ cho hầu hết các công đoạn sản xuất; là cơ sở để tạo dựng phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững, có sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân”.
Để làm được điều này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, đòi hỏi cần có một cách tổ chức chuỗi giá trị, vai trò của Nhà nước trong cung cấp thông tin dịch vụ công và tạo hạ tầng cơ bản để thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ.
Theo tiến trình phát triển công nghệ trong nông nghiệp, cơ giới hóa nông nghiệp không chỉ thiên về mục tiêu năng suất, sản lượng mà hướng dần đến "nông nghiệp chính xác", nâng cao chất lượng giá trị cho nông sản và giảm chi phí đầu tư.
“Với nền nông nghiệp chính xác trên cơ sở cơ giới hóa có thể giảm chi phí, giảm tác động môi trường, tăng khả năng tiếp cận thị trường, tăng khả năng chống chịu, khả năng tiếp cận của nông hộ nhỏ, tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm mới và cơ hội việc làm tại nông thôn, nâng cao lợi ích của người tiêu dùng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.
Cắt băng khai mạc Agritechnica Asia Live 2022. Ảnh: TTXVN. |
Cơ hội để người nông dân tiếp cận nhanh các công nghệ hiện đại
Việt Nam là đất nước có nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Mặc dù GDP nông nghiệp của Việt Nam chiếm chưa đến 14% tổng GDP của nền kinh tế, nhưng nông nghiệp vẫn là ngành quan trọng đối với sự phát triển cả về kinh tế - xã hội và môi trường của đất nước, là nguồn sinh kế của gần 10 triệu hộ nông dân.
Nông nghiệp cũng là cơ hội việc làm của trên 35% lao động cả nước, không chỉ bảo đảm vững chắc an ninh lương thực cho gần 100 triệu dân trong nước còn cung cấp nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cho thị trường quốc tế.
Phát triển nông nghiệp bền vững nói chung và cơ giới hóa nói riêng là một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng và nhà nước.
Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm và có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở hóa nông nghiệp như: chính sách tín dụng và hỗ trợ lãi suất cho người mua máy, thiết bị nông nghiệp; chính sách miễn thuế VAT đối với việc nhập máy, thiết bị chuyên dụng cho nông nghiệp.
Một gian hàng triển lãm tại lễ hội cơ giới hoá châu Á. Ảnh: TTXVN |
Đến nay, ngành cơ khí trong nước đã sản xuất được động cơ máy kéo công suất đến 30 mã lực, chiếm hơn 30% thị phần trong nước; máy liên hợp gặt lúa chiếm 15% thị phần. Cả nước hiện có 7.803 doanh nghiệp cơ khí; trong đó, có 95 doanh nghiệp có vốn hơn 500 tỷ đồng và gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp.
Tuy vậy, thu nhập của lao động nông nghiệp chỉ đạt trung bình khoảng 43 triệu đồng/người/năm và bằng 63% thu nhập của lao động phi nông nghiệp. Cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất, nhất là khâu bảo quản, chế biến còn nhiều hạn chế và đặc biệt là việc tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp và việc giảm thải khí phát thải nhà kính được xem là chưa đạt yêu cầu.
Vì thế, Bộ NN&PTNT kỳ vọng sự kiện Agritechnica Asia Live 2022 là cơ hội để người nông dân có thể tiếp cận nhanh và hiệu quả nhất các công nghệ hiện đại, tạo sân chơi để các doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội quảng bá sản phẩm, trang thiết bị, thúc đẩy sự trao đổi hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nhiều thiết bị cơ giới hiện đại được trình diễn
Trong khuôn khổ sự kiện Agritechnica Asia Live 2022, đã có các buổi trình diễn giới thiệu thiết bị cơ giới trong các khâu sản xuất nông nghiệp như làm đất, sạ cụm, bón phân, phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái…với những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trên cánh đồng 22,5 ha.
Ưu điểm nổi bật của các thiết bị này là giúp giảm giống, qua đó giảm lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật, tiết giảm công lao động, hạn chế được sâu bệnh trên đồng. Từ đó góp phần tăng hiệu quả sản xuất lúa gạo, giảm tác động môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.
Tại buổi trình diễn, Công ty TNHH Máy nông nghiệp Yanmar Việt Nam trình diễn Máy gặt đập liên hợp Yanmar YH850G với loại bồn chứa và vòi xả. Đây là máy gặt đập hỗ trợ thuận tiện cho việc đóng bao lúa ngay tại đồng ruộng, từ đó giúp tiết kiệm công lao động và chi phí.
Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng trình diễn hai thiết bị là máy sạ cụm và máy bay không người lái từ Hàn Quốc. Với ưu điểm của các thiết bị này là giúp giảm giống, qua đó giảm lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế được sâu bệnh trên đồng.
Cùng với đó, Trung tâm đổi mới xanh Việt Nam (GIC) giới thiệu mô hình các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến tại Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình nhằm trình diễn các kỹ thuật canh tác lúa cải tiến trong bối cảnh sản xuất bền vững giúp nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại sự kiện, các doanh nghiệp còn giới thiệu các giải pháp canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính, ứng dụng drone để phun phân bón hữu cơ vi sinh trong quá trình gieo sạ, chăm sóc lúa nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Theo đánh giá, ứng dụng drone giúp giảm 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm 90% giờ lao động phổ thông, giảm đến 90% lượng nước sử dụng và đặc biệt là giảm thiểu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất và nguồn nước. Điều này góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người lao động.