Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Tại Hội thảo chuyên đề do Bộ NN&PTNT chủ trì tổ chức sáng 10/5 về “Kinh nghiệm canh tác trên sa mạc của Israel”, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan nhận định nền nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp đánh đổi qua tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học “Chúng ta không bao giờ tính chi phí vào bài toán tăng trưởng, chúng ta chỉ tính sản lượng đầu ra mà phấn đấu, giờ phải xây dựng lại hành động,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Nước là tài nguyên hữu hạn, càng ngày càng giảm, bao gồm cả hệ thống nước mặn và nước ngầm. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có biện pháp đầy đủ cho vấn đề này.
“Khi chưa hình thành văn hóa tiết kiệm, ngành thủy lợi ra sức khoét núi, xây hồ, ngành trồng trọt lại xả nước vô tội vạ cho tưới tiêu. Đây là trách nhiệm chung, từ cấp độ vĩ mô tạo ra áp lực để thay đổi, bên cạnh áp lực đó thì cần chính sách bảo hộ thêm,” Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.
Nhìn về Israel, Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer chia sẻ, Israel trước đây luôn đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Để thoát khỏi tình trạng này, Israel đã biến thách thức thành cơ hội cùng với sự phát triển của công nghệ.
Israel sở hữu những công nghệ lõi, như công nghệ tiết kiệm nước, công nghệ tái sử dụng nguồn nước, khử mặn, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng lưu trữ nước. Ngoài ra, quốc gia này cũng đề cao sự giáo dục con người, xây dựng văn hóa tiết kiệm nước. Nhờ vậy, Israel đã đảm bảo nguồn cung nước cho quốc gia.
“Israel có kinh nghiệm về hạn hán, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ và tư vấn cho phía Việt Nam. Trong tuần này, đoàn Israel với các doanh nghiệp về nước, tưới tiêu sẽ đến thăm một số địa phương tại Việt Nam để có bức tranh thực tế, từ đó nhìn ra cơ hội hợp tác hai bên,” Đại sứ Yaron Mayer cho biết.
Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN |
Nói rõ hơn, theo Tham tán thương mại, Đại sứ quán Israel tại Việt Nam Gal Saf, tình trạng thiếu nước không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn diễn ra trên toàn cầu. Tại Israel, đất nước có tới 60% là sa mạc, năm nào quốc gia này cũng phải đối mặt với thiếu nước, do đó Israel đã đưa ra các giải pháp ứng phó, bao gồm tạo ra nhiều nguồn nước hơn, khử mặn, sử dụng hệ thống tưới, áp dụng nhà kính, tìm giống cây có khả năng chịu hạn tốt.
Cụ thể, để tạo ra nhiều nước hơn, ông Gal Saf cho rằng, trước hết Chính phủ phải xây dựng cơ sở hạ tầng và xây dựng quy chế để tư nhân họ tự do đổi mới. Tại Israel, Chính phủ đã hỗ trợ người nông dân trong việc tái sử dụng nước, sử dụng nước lợ và nước mặn.
Bên cạnh đó, Israel sử dụng các đường ống kết hợp với công nghệ để tránh tình trạng thất thoát nước. Nếu như năm 2014, việc thất thoát nước chiếm 10%, thì đến hiện tại con số đã giảm xuống 7 – 8%.
“Thay vì tạo ra nhiều nguồn nước mới, từ việc tiết kiệm, chúng ta có thể giảm thiểu chi phí tài nguyên," ông Gal Saf nhận định.
Hiện 95% nước thải của Israel được xử lý tại trung tâm xử lý nước thải có tại ở các thành phố, tỉnh của Israel. Trong 95% nước thải được tái chế, có tới 86% được tái sử dụng. Đáng chú ý, tất cả các nguồn nước sử dụng cho nông nghiệp của Israel đều được tái chế từ nước thải, nước sinh hoạt.
“Có thể thấy, tái chế nước thải tạo ra nguồn nước vô hạn,” theo ông Gal Saf.
Nói về công nghệ khử mặn, Tham tán thương mại Gal Saf cho biết, Israel hiện có 5 nhà máy khử mặn, trong đó một nhà máy đang được xây dựng tiếp. Do công nghệ này chi phí cao nên chủ yếu sử dụng cho nước uống (85% nước uống của người dân Israel được lọc từ nước mặn).
Mặc dù có hơn nửa diện tích là sa mạc, tuy nhiên Israel vẫn xuất khẩu các mặt hàng rau sang các nước châu Âu, Mỹ với giá thành và chất lượng cao. Hiện nay, chỉ có 20% mặt hàng rau sản xuất nội địa được người dân Israel sử dụng, còn lại 80% sản lượng để xuất khẩu.
Để có được kết quả này, ông Avner Ehrlich - chuyên gia Nông học, công ty tưới Mezter cho biết, Israel có các trung tâm nghiên cứu giống cây trồng trên sa mạc, nhờ vậy mà quốc gia này có thể trồng được hầu hết các loại cây (trừ dừa).
Israel cũng áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để vừa đảm bảo cung cấp đủ nước mà vẫn tiết kiệm nhờ nguyên tắc nhỏ giọt, giảm chi phí. Nông dân Israel cũng đưa các hệ thống máy tính vào trong việc trồng trọt, tạo nên hệ thống tưới tiêu tự động.