Kinh tế vĩ mô vẫn là bệ đỡ tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam

CHỨNG KHOÁN VĨ MÔ
22:08 - 10/05/2022
Kinh tế vĩ mô vẫn là bệ đỡ tốt cho thị trường chứng khoán Việt Nam
0:00 / 0:00
0:00
Thị trường chứng khoán đang trải qua một đợt giảm điểm mạnh, VN-Index trượt khỏi mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam vẫn tiếp tục là bệ đỡ tốt cho thị trường chứng khoán.

Tháng 4/2022, các đợt bán tháo liên tục diễn ra trên thị trường chứng khoán đã đẩy giá cổ phiếu xuống vùng giá hấp dẫn, thanh khoản thị trường thấp kỷ lục. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng ngày 29/4, thị trường chứng khoán Việt Nam thủng mốc 1.400 điểm, giảm hơn 141 điểm, tương đương giảm 9% so với tháng 3, xuống còn 1.350,99 điểm.

Sang đến tháng 5/2022, nhiều người kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng. Tuy vậy, sau 2 phiên giảm mạnh ngày 6 và 9/5, VN-Index đã đánh mất gần 100 điểm.

Về mặt kỹ thuật, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm – chuyên gia tư vấn chiến lược đầu tư CTCP Chứng khoán SSI dự báo, chỉ số VN-Index sẽ tìm điểm cân bằng quanh vùng 1.260 – 1.250 điểm trước khi hồi phục trở lại. Tuy nhiên, thanh khoản tương đối thấp cho thấy dòng tiền lớn vẫn đang thận trọng.

Kỳ vọng nhịp hồi phục từ bối cảnh vĩ mô

Trao đổi tại chương trình Talkshow Phố Tài chính hôm 9/5 của VTV, ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thời gian gần đây, đã có những thời điểm chỉ số VN-Index giảm xuống 18% so với đỉnh, hiện P/E của thị trường đã rơi về tầm 14,9 lần, thấp hơn khoảng 10% so với mức trung bình 5 năm.

"Khi môi trường đầu tư có quá nhiều F0 thì đôi khi thị trường dao động do yếu tố tâm lý là chủ yếu, thực tế môi trường kinh tế vĩ mô vẫn đang khá thuận lợi. Kinh tế vĩ mô hiện nay của Việt Nam đang là bệ đỡ tốt cho thị trường chứng khoán.", chuyên gia MBS chia sẻ.

Ảnh tác giả

"Chúng ta đang phục hồi một cách mạnh mẽ sau đại dịch Covid 19. Về các cân đối vĩ mô như là lạm phát, tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán thì hiện nay đều đang diễn biến ở mức độ tích cực. Tất cả những nhịp điều chỉnh hay những nhịp giảm của thị trường đều là tạm thời".

Ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng CTCK MB (MBS)

Theo ông Tuấn, nếu nhìn ở góc độ dài hạn hơn, thị trường không phải đi xuống mà thực chất là đi lên. Năm 2019, VN-Index có mốc 1.000 điểm và hiện tại là mốc 1.300 – 1.360 điểm.

Thảo luận về các yếu tố từ bên ngoài như lãi suất tăng, lạm phát hay giá dầu tăng... dòng tiền nước ngoài sẽ thu hẹp vào Việt Nam, Kinh tế trưởng MBS cho rằng điều này chỉ đúng trên phương diện lý thuyết. Trên thực tế, các nhà đầu tư nước ngoài đã hoạt động tích cực trở lại và mua ròng đáng kể trong khoảng ba tuần gần đây với giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Đồng quan điểm với ông Tuấn, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng có 2 yếu tố cần quan tâm. Thứ nhất là tăng trưởng GDP trên 5% vào quý I vừa, CPI chiếm khoảng 2,6%, tăng trưởng xuất nhập khẩu trên 12% và cán cân thương mại cũng trên 2,5 tỷ USD. Đà tăng trưởng tín dụng khoảng 5% so với quý I cho thấy kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi.

Yếu tố thứ hai là VN-Index đang có sự điều chỉnh, mức định giá rơi về khoảng 19 lần P/E, thấp hơn khoảng 10% so với trung bình 5 năm. Điều này được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Theo thống kê của BSC, hết tháng 4 có khoảng 900 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh, tổng quy mô lợi nhuận sau thuế tăng 33% so với cùng kỳ.

Đầu tư phải mang tính chọn lọc hơn: Chọn được những công ty tốt, năng lực tăng trưởng về lợi nhuận tốt và giá cổ phiếu phải hợp lý

Cũng trong khuôn khổ chương trình Talkshow Phố Tài chính, các chuyên gia đều đồng tình, trong năm 2020-2021, yếu tố dòng tiền rẻ đã hỗ trợ thị trường chứng khoán rất lớn. Ngoài ra, do mặt bằng lãi suất đi xuống, nhiều nhà đầu tư cá nhân chuyển một phần lượng tiền tiết kiệm của họ sang kênh đầu tư chứng khoán, tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn.

Tuy nhiên, trong năm 2022, yếu tố dòng tiền rẻ sẽ bị phai nhạt dần, nền kinh tế đã quay trở lại và tăng trưởng trở lại. Do đó các cơ hội về kinh doanh ở các lĩnh vực khác ngoài lĩnh vực chứng khoán nó sẽ tăng cao trở lại. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã phải tăng lãi suất huy động, mặc dù chưa tăng trở lại mức trước dịch nhưng đã tăng lên đáng kể.

Dẫu vậy, ông Hoàng Công Tuấn vẫn lạc quan về thị trường chứng khoán trong dài hạn. Về dài hạn, thị trường chứng khoán trong nước vẫn còn tiềm năng khi có cơ hội trở thành thị trường mới nổi trong 1-2 năm nữa với sự thúc đẩy của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước. Còn xét trên góc độ khối lượng giao dịch, thị trường đã xứng đáng được vào thị trường mới nổi từ lâu.

Theo các chuyên gia, quyết định đầu tư trong năm nay phải mang tính chọn lọc hơn, chọn lựa được những công ty tốt, có năng lực tăng trưởng về lợi nhuận tốt và đặc biệt là giá cổ phiếu cũng phải ở mức độ hợp lý.

Ngoài ra, hoạt động đầu tư ngắn hạn và tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn chỉ nên dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư mới nên đi theo con đường mang tính dài hạn hơn và bền vững hơn sẽ tránh được những yếu tố sốc như vừa rồi.

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.