Lãi suất huy động có thể chậm lại trong quý 3 và tăng tốc vào quý 4

LÃI SUẤT NGÂN HÀNG
11:53 - 20/07/2022
Nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất dù Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phát đi tín hiệu sẽ nới room tín dụng.
Nhiều ngân hàng đã nâng lãi suất dù Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phát đi tín hiệu sẽ nới room tín dụng.
0:00 / 0:00
0:00
Đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý 3 do nhu cầu vốn thấp bởi nhiều ngân hàng đã cạn room tín dụng; tuy nhiên có thể tăng trở lại trong quý quý 4 sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại.

Lạm phát sẽ tăng trong 5 tháng cuối năm

Trong báo cáo vĩ mô mới cập nhật, bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,8% so với cùng kỳ trong 6 tháng cuối năm, từ đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm 2022 lên 7,1%.

Các động lực chính đến từ mức nền thấp của quý 3/2021 khi GDP của Việt Nam giảm 6% so với cùng kỳ; các hoạt động dịch vụ, bao gồm giao thông công cộng, du lịch và giải trí phục hồi mạnh mẽ hơn; các gói kích thích kinh tế mới (giảm 2% VAT, gói bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng...); dòng vốn FDI phục hồi sau khi Chính phủ cho phép nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế.

Dự báo GDP tăng trưởng 11% trong quý 3/2022 trên nền thấp của quý 3/2021.

Dự báo GDP tăng trưởng 11% trong quý 3/2022 trên nền thấp của quý 3/2021.

Cùng với đó, VNDirect dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm do: Chỉ số giá lương thực thực phẩm tăng trong bối cảnh giá thịt lợn tăng; giá xăng dầu sẽ tiếp tục ở mức cao trong nửa cuối năm 2022; giá nguyên liệu đầu vào cao hơn kéo theo chi phí sản xuất hàng tiêu dùng tăng.

“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng Chính phủ có thể giữ CPI bình quân năm 2022 dưới 4% so với cùng kỳ. Chính phủ đã thực hiện các giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát trong năm nay, bao gồm giảm thuế môi trường đối với xăng dầu và điều chỉnh giá dịch vụ công. Nhìn chung, chúng tôi duy trì dự báo CPI bình quân của Việt Nam năm 2022 ở mức 3,5% so với cùng kỳ”, báo cáo nêu.

Lãi suất tăng nhưng vẫn thấp hơn trước đại dịch

Về chính sách tiền tệ, VNDirect cho rằng Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ. Tuy nhiên cũng sẽ không vội vàng thắt chặt chính sách ngay lập tức để hỗ trợ phục hồi kinh tế và ổn định thị trường. Bất kỳ sự thắt chặt tiền tệ nào sẽ chỉ diễn ra vào cuối quý 3/2022 hoặc quý 4/2022, và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25- 0,5%.

Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng và đạt 14% so với cùng kỳ vào năm 2022. Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nâng trần tăng trưởng tín dụng đối với một số ngân hàng thương mại từ cuối quý 3 năm nay.

Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực kinh doanh trọng điểm như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm, thủy sản. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát kỹ lưỡng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và các dự án BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao).

Tăng trưởng tín dụng so với tăng trưởng tiền gửi.

Tăng trưởng tín dụng so với tăng trưởng tiền gửi.

Tính tới ngày 1/7/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với mức cuối năm 2021 trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng nhích tăng 4 điểm cơ bản. Đối với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng lần lượt tăng 27 điểm cơ bản và 26 điểm cơ bản so với mức cuối năm 2021. Đà tăng lãi suất huy động có thể sẽ chậm lại trong quý 3 do nhu cầu vốn thấp bởi nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng.

Trong tháng 7/2022, gần chục ngân hàng đã đẩy mức lãi suất huy động lên từ 7,0 -7,55% năm cho các kỳ hạn dài trên 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. Lãi suất ngân hàng cao nhất trên thị trường hiện nay thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với mức 7,55% cho kỳ hạn 18 tháng trở lên đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến. BacABank, BaoVietBank, Nam A Bank, CBBank, PVcomBank, SHB, KienLongBank đều niêm yết trên mức 7% cho kỳ hạn dài 12 tháng trở lên nhưng với các điều kiện khác nhau.

Tuy nhiên, lãi suất huy động có thể tăng trở lại trong quý 4, sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng thương mại. “Chúng tôi kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2022. Chúng tôi cho rằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 6-6,2%/năm vào cuối năm 2022 (hiện là 5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7%/năm”, VNDirect nhận định.

Lãi suất huy động sẽ duy trì xu hướng tăng vào năm 2023

Về dự báo vĩ mô cho năm 2023, VNDirect cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể chậm lại một chút, xuống còn 6,9% so với cùng kỳ. Triển vọng tăng trưởng thấp hơn là do: Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ và châu Âu tăng trưởng kinh tế chậm lại, có thể làm giảm triển vọng xuất khẩu của Việt Nam; lạm phát cao hơn có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của tiêu dùng trong nước; lãi suất tăng làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 như nguồn vốn đầu tư công dồi dào, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vững chắc và lượng khách du lịch quốc tế trên đà phục hồi mạnh mẽ.

Lạm phát có khả năng vẫn ở mức cao trong nửa đầu năm 2023 trước khi hạ nhiệt vào nửa cuối năm sau. Bộ phận phân tích dự báo lạm phát trung bình năm 2023 ở mức 3,7%, cao hơn một chút so với dự báo lạm phát trung bình năm 2022 là 3,5%. Đặc biệt, việc tăng giá của nhóm ngành lương thực, thực phẩm sẽ là tác nhân chính đẩy lạm phát lên mức cao trong năm 2023.

Lãi suất huy động tăng nhẹ 4-7 điểm cơ bản trong tháng 6/2022.
Lãi suất huy động tăng nhẹ 4-7 điểm cơ bản trong tháng 6/2022.

Năm 2023, chính sách tiền tệ có thể chuyển từ “hỗ trợ phục hồi kinh tế” sang “bình thường hóa”, theo đó Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành để kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá hối đoái. Lãi suất tái cấp vốn có thể sẽ đạt 5% vào năm 2023 (tăng 50 điểm cơ bản so với cuối năm 2022 và tăng 100 điểm cơ bản so với mức hiện tại).

Lãi suất huy động sẽ duy trì xu hướng tăng vào năm 2023 (với mức tăng bình quân khoảng 50 điểm cơ bản). Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể dao động bình quân ở mức 6,5-6,6% vào cuối năm 2023. Về tỷ giá hối đoái, VND có thể sẽ tăng giá so với USD trong năm 2023 do lãi suất USD tăng chậm lại, lãi suất VND tăng, bộ đệm vững chắc từ thặng dư thương mại và cán cân thanh toán.

VNDirect cho rằng, sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất của Fed trong nửa cuối năm 2022. Tại cuộc họp gần đây nhất được tổ chức vào ngày 14-15/6/2022, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã bỏ phiếu tăng lãi suất điều hành của Fed thêm 75 điểm cơ bản lên khoảng mục tiêu 1,5%-1,75%. Quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,75% đánh dấu mức tăng mạnh nhất được đưa ra trong một cuộc họp kể từ tháng 11/1994.

Về lộ trình tăng lãi suất điều hành, các thành viên FOMC dự báo lãi suất điều hành có thể tăng lên 3,1-3,6% vào cuối năm 2022 và tới 3,6-4,1% vào năm 2023. Các quan chức của Fed cũng đồng ý giảm quy mô bảng cân đối kế toán của mình từ tháng 6/2022, bắt đầu với 47,5 tỷ USD mỗi tháng (30 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 17,5 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp), sau 3 tháng sẽ là 95 tỷ USD mỗi tháng (60 tỷ USD trái phiếu Kho bạc Mỹ và 35 tỷ USD chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp).

Theo kế hoạch trên, Fed có thể thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán của mình khoảng 427,5 tỷ USD trong nửa cuối năm 2022. Mức giảm này tương đối nhỏ (chỉ chiếm 5% quy mô bảng cân đối kế toán của Fed hiện tại), do đó, tác động đến tính thanh khoản của thị trường tài chính toàn cầu là không lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp