Lập nhóm công tác của Chính phủ để giải quyết ách tắc hàng hóa tại biên giới phía Bắc

XNK Việt nAM
10:42 - 14/01/2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập nhóm công tác nhằm tiếp tục giải quyết vấn đề ách tắc. Ảnh VGP
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập nhóm công tác nhằm tiếp tục giải quyết vấn đề ách tắc. Ảnh VGP
0:00 / 0:00
0:00
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và 7 tỉnh biên giới tiếp giáp với Trung Quốc khẩn trương thành lập nhóm công tác, nhằm tìm cách khơi thông hàng hóa tại các cửa khẩu.

Nhóm công tác sẽ do Thứ trưởng Bộ Công Thương làm tổ trưởng, cùng lãnh đạo các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh phối hợp với phía Trung Quốc tiếp tục giải quyết vấn đề ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới, nâng cao hiệu suất thông quan, lưu thông hàng hóa ở cửa khẩu biên giới, duy trì thương mại thông suốt giữa hai nước, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, khoa học, an toàn.

Từ đầu năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới, thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu qua biên giới, trong đó có xuất khẩu nông sản, trái cây. Cụ thể,

Bộ Công Thương đã đã báo cáo, kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho mở lại các cửa khẩu phụ trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc để khôi phục hoạt động giao thương.

Bên cạnh đó, Bộ đã tiến hành xây dựng và đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải thông qua quy trình vận chuyển, lưu thông, hướng dẫn thiết lập luồng vận tải ưu tiên cho nông sản xuất khẩu, cũng như quy trình kiểm soát, phòng chống dịch thống nhất cho xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh của phương tiện và người điều khiển phương tiện để áp dụng tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc và trên toàn quốc.

Trong thời gian qua, hàng nghìn container đã tắc nghẽn tại cửa khẩu biên giới phía Bắc. Đến thời điểm hiện tại, xe container tắc nghẽn đã giảm bớt nhưng vẫn còn - Ảnh: minh họa

Trong thời gian qua, hàng nghìn container đã tắc nghẽn tại cửa khẩu biên giới phía Bắc. Đến thời điểm hiện tại, xe container tắc nghẽn đã giảm bớt nhưng vẫn còn - Ảnh: minh họa

Trước tình trạng tắc nghẽn xe container tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc, Bộ Công Thương cũng trao đổi trực tiếp, điện đàm, gửi công thư, công hàm tới các cơ quan Trung Quốc. Mục đích để trao đổi các nội dung, đưa ra các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn ứ, tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại khu vực biên giới Việt - Trung như khắc phục tình trạng hạn chế về nhân lực bốc xếp, kéo dài thời gian hoạt động của các cửa khẩu, thống nhất quy trình, biện pháp phòng chống dịch…

Ngày 24/12/2021, Bộ Công Thương có Công hàm gửi tới Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Việt Nam, Đại sứ quán Vương quốc Campuchia tại Việt Nam, Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tại Việt Nam để trao đổi, đề nghị các Đại sứ quán thông tin tới các cơ quan quản lý và doanh nghiệp phía Bạn cân nhắc việc đưa hàng hóa quá cảnh qua Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới đường bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc để tránh các rủi ro không đáng có, giảm thiệt hại cho các doanh nghiệp. Đồng thời góp phần khắc phục, giảm tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu biên giới.

Song song với đó, Bộ cũng cập nhật, đưa tin thường xuyên về quy định mới của thị trường Trung Quốc, diễn biến thông quan hàng hóa tại cửa khẩu và các vấn đề liên quan, qua đó kịp thời phối hợp với các quan liên quan xử lý những vấn đề phát sinh.

Nhằm tăng cường khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, hộ nông dân, cơ sở sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản và trái cây tươi trên địa bàn, Bộ đã có nhiều văn bản đề nghị đến UBND các tỉnh, thành phố. Bao gồm:

Thường xuyên cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn ứ và các tác động bất lợi khác.

Trao đổi với bạn hàng Trung Quốc để giao hàng qua các cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế; giao hàng tại các tỉnh khác (Cao Bằng…) nhằm giảm ùn ứ tại Lạng Sơn; chuyển sang sử dụng phương thức vận tải khác (đường sắt, đường biển…).

Tiếp tục chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, mua bán theo hợp đồng, với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính... Chỉ đưa hàng lên biên giới khi đã có địa chỉ nhận hàng.

Đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương đã hướng dẫn. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn,… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài.

Trước đó, trong buổi điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc ngày 13/1, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 2 nước cần phối hợp chặt chẽ, áp dụng các biện pháp hiệu quả và quyết liệt để tiếp tục giải quyết tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu biên giới Việt – Trung. Phía Trung Quốc cũng đề nghị hai bên sớm lập nhóm công tác chung để tiếp tục phối hợp giải quyết ách tắc, duy trì thương mại thông suốt giữa 2 nước.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Nhà thờ Đức Bà tại TP HCM.

TP HCM sẽ quảng bá du lịch tại Australia

Sở Du lịch TP HCM, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sydney sẽ tổ chức chương trình Quảng bá Du lịch Việt Nam - TP HCM  tại hai bang New South Wales và Victoria, Australia từ ngày 13-17/5/2024.