Triển vọng của Masan khi giao công ty con 'mang chuông đi đánh xứ người'

DOANH NGHIỆP Việt nAM
11:20 - 21/01/2022
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group.
0:00 / 0:00
0:00
Trong các doanh nghiệp bày tỏ tham vọng muốn IPO trên sàn chứng khoán quốc tế, nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp The CrownX của tập đoàn Masan đang có nhiều lợi thế khi liên tục được các tổ chức tài chính, nhà đầu tư nước ngoài rót vốn.

Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN) vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2021 với doanh thu thuần hợp nhất 88.629 tỷ đồng, lợi nhuận ròng đạt mức 8.561 tỷ đồng; lần lượt tăng trưởng 14,8% và 594% so với 2020.

Trong đó, The CrownX - nền tảng tiêu dùng và bán lẻ tích hợp của Masan có đóng góp nhiều nhất với doanh thu thuần đạt 58.000 tỷ đồng, tăng 6,9% so với năm 2020. Đây cũng là một trong những startup được nhắc nhiều trong năm 2021 với các thương vụ gọi vốn triệu đô.

Sự ra đời của The CrownX

Trước thời điểm cuối năm 2019, Masan vẫn chỉ được biết tới như một nhà sản xuất hàng tiêu dùng có quy mô lớn tại Việt Nam, trong khi việc đưa hàng tới người tiêu dùng cần nhờ tới các kênh phân phối khác. Trong đó, VinCommerce của Vingroup chiếm lĩnh thị phần phân phối lớn nhất với gần 3.000 cửa hàng Vinmart và Vinmart+ trên khắp cả nước.

Đạt thành tích về số lượng nhưng VinCommerce lại là một “cỗ máy đốt tiền” khi liên tục lỗ kể từ khi thành lập, con số lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Trong bối cảnh đó, Masan đã có một cú “tất tay” lớn khi sáp nhập VinCommerce vào một công ty thành viên của mình là Masan Consumer. Thương vụ bất ngờ giữa 2 tỷ phú Việt Phạm Nhật Vượng và Nguyễn Đăng Quang được công bố vào tháng 12/2019.

Từ đây, một pháp nhân mới được thành lập để thực hiện mục tiêu lọt TOP 50 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới của Masan. Đó chính là The CrownX, công ty sở hữu cổ phần của Masan Consumer và VinCommerce, tận dụng thế mạnh là nhà sản xuất có thương hiệu và nhà bán lẻ hàng đầu của cả 2 công ty.

Thương hiệu VinMart đã được đổi tên thành WinMart

Thương hiệu VinMart đã được đổi tên thành WinMart

Tuy nhiên, tham vọng của Masan không chỉ giới hạn trong việc phát triển những ngành hàng chủ lực. Một hệ sinh thái xoay quanh The CrownX dần được hình thành cho thấy một chiến lược lớn hơn.

Trong 2 năm tái cấu trúc và chuẩn bị cho lộ trình phát triển, The CrownX đã cho ra mắt mô hình bán lẻ mini-mall, đáp ứng đa dạng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng với hệ sinh thái tích hợp WinMart+, Techcombank, kiosk Phúc Long, dược phẩm Phano và mạng di động Reddi. Hệ sinh thái này đã chứng minh hiệu quả khi quý 3/2021, lần đầu tiên VinCommerce đạt lợi nhuận thuần sau thuế dương, sau 7 quý được Masan mua lại.

Ngày 15/1/2022, VinCommerce đã tổ chức Lễ công bố chuyển đổi thương hiệu VinCommerce thành WinCommerce; hệ thống bán lẻ VinMart cũng được đổi tên thành WinMart. Trong khuôn khổ sự kiện, WinCommerce cũng chính thức khai trương siêu thị đầu tiên với tên WinMart tại TP.Vinh, tích hợp cửa hàng trà - cafe Phúc Long và mạng di động Reddi.

Hút 1,5 tỷ USD trong năm 2021

Chiến lược dài hơi với mục tiêu lọt TOP 50 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới của Masan đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ trong năm 2021, The CrownX đã thu hút gần 1,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới.

Cụ thể, vào tháng 4/2021, SK Group mua lại 16,26% cổ phần của WinCommerce với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD. Tiếp đó, nhóm các nhà đầu tư Alibaba và Baring Private Equity Asia mua 5,5% cổ phần phát hành mới của The CrownX với giá 400 triệu USD. Trong khuôn khổ giao dịch, WinCommerce thiết lập Thỏa thuận Hợp tác chiến lược với Lazada – nền tảng thương mại điện tử của Alibaba tại Đông Nam Á.

Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ IPO The CrownX trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023 – 2024 với 3 KPI chủ chốt: Tăng thị phần trong chi tiêu tiêu dùng bằng cách mở rộng hệ thống; Số hóa toàn bộ nền tảng để trở thành công ty tiêu dùng công nghệ; Đạt biên lợi nhuận hai chữ số. Ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan

Tháng 11/2021, Masan công bố 2 thương vụ hợp tác lớn với De Heus và SK. Theo đó De Heus Việt Nam sẽ tiếp quản mảng kinh doanh thức ăn chăn nuôi và đầu tư từ 600 - 700 triệu USD. Còn Tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc - SK Group đã mua lại 4,9% cổ phần của The CrownX với giá 340 triệu USD.

Tháng 12/2021, nhóm các nhà đầu tư bao gồm TPG, Quỹ đầu tư Quốc gia Abu Dhabi (ADIA) và SeaTown Holdings tiếp tục đầu tư 350 triệu USD vào The CrownX. Trong đó, TPG là cái tên quen thuộc trong giới tài chính thế giới, quản lý tài sản toàn cầu có trụ sở tại San Francisco với tổng 108 tỷ USD.

SeaTown Master Fund là quỹ đầu tư quản lý hơn 6 tỷ USD thuộc Temasek Holdings. Temasek cùng với GIC đang quản lý các khoản đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD trên toàn cầu của Chính phủ Singapore. Tập đoàn này đang đầu tư hàng loạt các công ty trước IPO ở Đông Nam Á như GoTo, Traveloka hay Ola - nền tảng gọi xe của Ấn Độ.

Còn ADIA là quỹ đầu tư quốc gia của Abu Dhabi với tổng tài sản 650 tỷ USD. Đây là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất khu vực Trung Đông dẫn dắt dòng vốn của các quốc gia này đầu tư ra toàn cầu. Tại Đông Nam Á, ADIA từng dẫn đầu thương vụ đầu tư 400 triệu USD vào GoTo (hợp nhất Gojek và Tokopedia) của Indonesia trước khi IPO; rót 750 triệu USD vào Jio - mạng di động số 1 thị trường Ấn Độ.

Masan thu hút gần 2,3 tỷ USD vốn đầu tư trong năm 2021, trong đó riêng The CrownX chiếm 1,5 tỷ USD. Masan

Masan thu hút gần 2,3 tỷ USD vốn đầu tư trong năm 2021, trong đó riêng The CrownX chiếm 1,5 tỷ USD. Masan

Sau các vòng gọi vốn, định giá của The CrownX đã tăng lên đáng kể. Vào tháng 5/2021, khi Alibaba và Baring rót vốn, công ty được định giá 7,3 tỷ USD. Đến thương vụ của TPG, ADIA và SeaTown vào tháng 12/2021, giá trị của The CrownX đã tăng lên 8,2 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu (tương đương giá mỗi cổ phần là 105 USD, xấp xỉ 2.415.000 đồng).

Với mức định giá như trên, đại diện Masan cho biết đã hoàn tất gọi vốn và sắp tới sẽ tập trung tăng tốc mở rộng nền tảng Point of Life tích hợp offline và online trên toàn quốc. “Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ IPO The CrownX trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2023-2024”, ông Danny Le, Tổng giám đốc Tập đoàn Masan chia sẻ với truyền thông sau vòng gọi vốn hồi tháng 12.

Được biết, đây cũng là một phần trong thỏa thuận mà Masan đã cam kết với nhóm các nhà đầu tư Alibaba và Baring Private Equity Asia hồi tháng 4/2021. Theo cam kết, Masan sẽ "nỗ lực tối đa để thực hiện phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) cổ phiếu của CrownX trước ngày 11/6/2026", và có thể được gia hạn tối đa một năm theo quyết định của Masan Group.

Như vậy có thể thấy, mục tiêu, cam kết và cơ hội chính là những động lực thúc đẩy Masan triển khai kế hoạch đưa cổ phiếu The CrownX lên giao dịch trên sàn quốc tế. Nếu thành công, Masan không chỉ đạm đến ước mơ TOP 50 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới mà còn đưa The CrownX thành "kỳ lân" châu Á, tương tự Grab - công ty vừa niêm yết theo chỉ số Nasdaq trên Phố Wall vào ngày 2/12 vừa qua.

Trước viễn cảnh The CrownX trở thành nền tảng tiêu dùng hàng đầu của khu vực Đông Nam Á, nhiều định chế tài chính lớn vừa nâng mức định giá cổ phiếu MSN của Masan. Bank of America (BofA) cho rằng cổ phiếu của Masan là lựa chọn hàng đầu ở khu vực ASEAN cho các nhà đầu tư với giá mục tiêu 198.600 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, HSBC cũng khuyến nghị mức giá mục tiêu của MSN lên đến 200.000 đồng. Mức định giá này cao hơn 37% so với vùng giá đầu tháng 1, cũng cao hơn đáng kể so với con số định giá khoảng 170.000 đồng đưa ra hồi giữa năm ngoái, khi lộ trình của The CrownX trở nên rõ ràng hơn.

Theo BofA, việc đẩy mạnh tích hợp offline-to-online, trong đó có hợp tác với Lazada được kỳ vọng sẽ thúc đẩy doanh số bán hàng trực tuyến của The CrownX. Lợi nhuận còn được kỳ vọng gia tăng khi công ty mở rộng quy mô các nhãn hiệu riêng và các cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu mua hàng online, nhận tại cửa hàng.

Còn HSBC gọi sự chuyển đổi của Masan lần này là “từ hành trình đại gia bán lẻ trở thành siêu ứng dụng”. Sự tích hợp này sẽ giúp cải thiện doanh số bán hàng trên mỗi mét vuông, từ đó thúc đẩy lợi nhuận tương lai.

Tin liên quan

Đọc tiếp