'Miền đất hứa' cho hàng Việt tại thị trường châu Mỹ

XNK Việt nAM
07:46 - 07/02/2022
0:00 / 0:00
0:00
"Châu Mỹ là khu vực tiềm năng và có mối liên kết kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do. Nếu tận dụng tốt, doanh nghiệp Việt có thể tìm thấy những cơ hội kinh doanh và thị trường xuất khẩu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định.

Bất chấp đại dịch, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực châu Mỹ trong năm 2021 vẫn khởi sắc, đạt gần 139 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu đạt 114 tỷ USD, tăng 26,7%; nhập khẩu đạt gần 25 tỷ USD, tăng 14,1%.

Xuất siêu của Việt Nam sang thị trường các nước châu Mỹ trong năm 2021 đạt gần 89 tỷ USD, góp phần quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam với thế giới.

Trao đổi thương mại hai chiều của Việt Nam với tất cả các thị trường lớn tại khu vực châu Mỹ đều ghi nhận mức tăng trưởng ở hai con số. Cụ thể, Mỹ đạt 22,9%; Brazil đạt 35,2%; Mexico 37,5%; Canada đạt 18,5%; Argentina đạt 14,1%; Chile đạt 54,1%...

Thị trường tiềm năng cùng mối liên kết FTA

Trong một hội thảo về cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ bằng Hiệp định CPTPP, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng chia sẻ: "Châu Mỹ là khu vực tiềm năng và có mối liên kết kinh tế thông qua các hiệp định thương mại tự do với mối ràng buộc chặt chẽ với nhau. Đơn cử như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (USMCA, gồm: Mỹ, Canada, Mexico với gần 500 triệu dân, GDP đạt 21.000 tỷ USD); khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR, gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay với 265 triệu dân, GDP đạt 2.400 tỷ USD)… Nếu tận dụng tốt các cơ chế liên kết kinh tế và ưu đãi thương mại này, doanh nghiệp Việt có thể tìm thấy những cơ hội kinh doanh, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu”.

Đối với khu vực thị trường các nước CPTPP, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và nhóm 4 nước này cũng tăng trưởng tốt. Các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, điện, điện tử đều được xóa bỏ thuế quan sang các nước này khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Điều này đã góp phần vào việc tăng trưởng trao đổi thương mại giữa Việt Nam và nhóm 4 nước thành viên CPTPP tại khu vực châu Mỹ. Năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang nhóm các nước này đạt hơn 12 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2020.

CPTPP – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được ký kết và có hiệu lực vào năm 2018. Việc gia nhập và trở thành thành viên của CPTPP trở thành cơ hội lớn để Việt Nam thâm nhập vào các thị trường lớn, trong đó bao gồm Canada.

Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới được công bố vào tháng 3/2018, dự báo đến năm 2030, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP sẽ tăng từ 54 tỷ USD lên 80 tỷ USD, chiếm 25% tổng lượng xuất khẩu.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada, đây là thị trường tiềm năng cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang nước này bao gồm thủy hải sản, nông sản, hàng dệt may, giày dép, gỗ và các chế phẩm từ gỗ…

Năm 2021, kim ngạch song phương Canada – Việt Nam đạt hơn 6 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu hàng hóa sang Canada đạt 5,2 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 760 triệu USD, tăng 4,6%. Trong đó, hàng dệt may đạt 934 triệu USD, hàng thủy sản 265 triệu USD, hàng giày dép đạt 367 triệu USD, gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 234 triệu USD…

Tuy nhiên, để thâm nhập được sâu hơn vào thị trường Canada, bà Hương lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các hiệp định chung giữa hai nước, bao gồm CPTPP. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tìm hiểu sâu, rõ hơn về thuế xuất ưu đãi; thích ứng với quy tắc xuất xứ, thủ tục lưu trữ, chứng minh xuất xứ.

Doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục sử dụng những nền tảng thương mại điện tử để giao lưu, kết nối hợp tác với doanh nghiệp Canada trong bối cảnh Covid-19.

Với khối MERCOSUR, năm 2021 ghi nhận kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng 24,8% so với cùng kỳ, đạt gần 11 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Brazil đạt 2,2 tỷ USD; Argentina đạt 832 triệu USD.

Lấn sâu vào các thị trường lân cận

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, bên cạnh việc khai thác thị trường CPTPP, các doanh nghiệp còn có thể nghiên cứu khả năng tận dụng những ưu đãi, các mối liên kết kinh tế và cơ sở hạ tầng sẵn có của các nước thành viên CPTPP qua đó đưa hàng Việt Nam thâm nhập và mở rộng sang các thị trường khác thuộc khu vực châu Mỹ.

Với riêng thị trường Mỹ, trao đổi thương mại song phương với Việt Nam đã lần đầu vượt mốc 100 tỷ USD, đạt 111,6 tỷ USD trong năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 96,3 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020; nhập khẩu từ Mỹ đạt 15,3 tỷ USD, tăng 11,7%.

Theo ông Dustin Daugherty, Giám đốc Phát triển kinh doanh Bắc Mỹ Dezan Shira & Associates, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm tới quy tắc xuất xứ của hàng hóa, hàm lượng giá trị của nội khối…

Doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng hóa vào thị trường Mỹ và tận dụng ưu đãi không dễ dàng. Tại thị trường này, hàng hóa vận chuyển đến sẽ không được hưởng ưu đãi ngay như tại thị trường Mexico, Canada… mà phải tạo giá trị gia tăng thì mới được hưởng ưu đãi thuế. Doanh nghiệp cần phải phân tích kỹ lưỡng về quy tắc xuất xứ, xác định mức độ khó khăn và giá trị thu lời sau khi phân tích chi phí và lợi ích.

Trong khi đó, thương mại giữa Việt Nam với Brazil năm 2021 cũng ghi nhận đà tăng trưởng tốt nhờ củng cố chủng loại ngành hàng trao đổi ngày càng đa dạng như điện thoại di động, thiết bị điện tử, sắt thép các loại, giày dép… Năm 2021, thương mại song phương Brazil – Việt Nam đạt 6,3 tỷ USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020 . Trong đó, nhập khẩu từ Brazil đạt 4 tỷ USD, tăng 37%; xuất khẩu đạt 2,2 tỷ USD, tăng 24%.

Ngoài ra, nhằm đẩy mạnh thương mại giữa Việt Nam và các thị trường khác tại châu Mỹ, năm 2021 Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ của Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan của Bộ ngành các đối tác trong và ngoài nước tổ chức các kỳ họp trực tuyến. Qua đó kết nối với các nước như Argentina, Mexico, Uruguay, Chile.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, 2022 sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với thương mại giữa Việt Nam và các nước thuộc khu vực châu Mỹ. Các nước trong khu vực đã từng bước phục hồi và đang có những động lực mạnh mẽ để quay trở lại quỹ đạo ổn định trước đại dịch.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn biến chuyển rất phức tạp cùng sự xuất hiện của biến thể mới khiến giao thương quốc tế bị ảnh hưởng. Đồng thời, xung đột địa chính trị, thương mại vẫn tiếp tục căng thẳng, lạm phát toàn cầu; rủi ro khả năng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam; cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.