Mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế năm 2022 còn nhiều thách thức

DU LỊCH Việt nAM
14:08 - 16/08/2022
Khách nước ngoài tại Hà Nội
Khách nước ngoài tại Hà Nội
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi mở cửa trở lại vào ngày 15/3, dù đã có nhiều thành tựu nhưng ngành du lịch vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phục hồi, như số lượng khách quốc tế chưa đạt kỳ vọng hay chính sách thị thực chưa thực sự cởi mở.

Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa có báo cáo gửi tới Thủ tướng Chính phủ cho thấy một số khó khăn đặc thù liên quan đến phục hồi doanh nghiệp ngành du lịch.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch, tổng lượng khách du lịch nội địa trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt 60,8 triệu lượt, gấp 1,3 lần so với mức trước đại dịch của tháng 6/2019. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, Việt Nam chỉ mới đón được hơn 600.000 lượt khách quốc tế, tương đương 7% mức trước đại dịch của 6/2019 vì cả khó khăn khách quan và chủ quan.

“Mục tiêu đón trên 5 triệu lượt khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2022, vì thế, còn rất nhiều thách thức”, báo cáo Ban IV nêu rõ.

Ban IV đưa ra một số khó khăn chủ yếu được nhận diện như thời điểm mở cửa (15/3/2022) rơi vào cuối mùa cao điểm của du lịch inbound - thường từ tháng 10 đến tháng hết 3 hàng năm do vậy lượng khách quốc tế không được như mong đợi.

Đồng thời có sự biến động rất lớn ở một số thị trường khách truyền thống và mục tiêu do cuộc chiến Nga - Ukraine, do lạm phát ở cả Mỹ và nhiều nước Châu Âu, hoặc do các chính sách thắt chặt với Covid từ Trung Quốc, Nhật Bản… nên hiệu ứng thu hút khách quốc tế còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, khâu truyền thông, xúc tiến, quảng bá chính sách mở cửa du lịch tới các thị trường khách mục tiêu còn hạn chế. Mặc dù Chính phủ có tuyên bố mở cửa du lịch quốc tế chính thức từ ngày 15/3/2022, đi kèm từng bước nới lỏng về quy định y tế đối với du khách nhập cảnh vào Việt Nam sau đó, nhưng các hoạt động truyền thông và xúc tiến cho du lịch Việt Nam ở nước ngoài vẫn đang chủ yếu do các doanh nghiệp tư nhân thực hiện một cách riêng lẻ. Điều này phụ thuộc vào năng lực và mối liên hệ của từng doanh nghiệp, chưa hội tụ được các nguồn lực và nỗ lực công - tư cho các thị trường khách mục tiêu.

Đặc biệt, chính sách thị thực nói chung dù đã được tuyên bố cởi mở như trước dịch Covid-19, tuy nhiên những ưu đãi về miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch sau dịch. Ví dụ khách quốc tế ít đi lại di chuyển, có xu hướng ở dài ngày tại một quốc gia trong khi thời gian miễn thị thực của Việt Nam chỉ tối đa là 15 ngày. Cũng chưa cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Bên cạnh đó, báo cáo của Ban IV nêu rõ, các vấn đề như thị thực nhận tại cửa khẩu vẫn phải cần giấy “chấp thuận visa”, cần nhiều loại giấy tờ thủ tục phức tạp hơn so với trước Covid-19, hay thị thực điện tử (e-visa) cũng chưa có cơ chế xác nhận ngày trả lời kết quả tự động trên trang web và chưa giải thích lý do vì sao hồ sơ bị từ chối, khiến du khách nhập cảnh vào Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn không đáng có.

Từ thực tiễn của một doanh nghiệp du lịch, trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux group chia sẻ với Mekong Asean: "Vẫn còn một số rào cản khiến khách quốc tế khó vào Việt Nam như cơ chế chính sách của chúng ta chưa tốt, visa chưa thân thiện khiến nhiều khách quốc tế cho đến hiện nay chưa lấy được visa".

"Hay các nước Tây Âu thường được miễn visa trong 15 ngày, tuy nhiên du khách Tây Âu lại thường đi dài và hơn 15 ngày đến 21 ngày. Đồng thời họ cũng sẽ đi du lịch nhiều hơn 1 nước như đi từ Việt sang Campuchia rồi lại quay về Việt Nam. Tuy nhiên, khi quay lại Việt Nam, họ phải tiếp tục xin visa, điều này cũng khá gây cản trở cho du khách", ông Hà nói.

Ngoài những lý do trên, một thực trạng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi của ngành là vấn đề nhân lực. Nhân lực du lịch đang rơi vào tình trạng "khủng hoảng" khi số lao động cần để phục vụ trong ngành khách sạn, cư trú mới chỉ đạt 50% công suất, không đáp ứng được số lượng khách du lịch nội địa, chưa kể đến sự gia tăng khách quốc tế trong thời gian tới.

Tin liên quan

Đọc tiếp