Ngân hàng còn dè dặt khi cho doanh nghiệp lương thực vay vốn

Vốn Lúa gạo
07:34 - 23/06/2022
Doanh nghiệp lương thực đang ‘khát’ vốn khi khó tiếp cận nguồn vốn.
Doanh nghiệp lương thực đang ‘khát’ vốn khi khó tiếp cận nguồn vốn.
0:00 / 0:00
0:00
Tuy gói phục hồi kinh tế - xã hội đã được triển khai nhưng đại diện các doanh nghiệp lương thực đều chia sẻ về việc “khát vốn”, do tiếp cận nguồn tín dụng khó khăn khi bị các ngân hàng né tránh.

Một trong những điểm nghẽn của của ngành nông nghiệp nói chung và lúa gạo nói riêng chính là vốn, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Intimex Group chia sẻ tại hội thảo “Khơi thông dòng chảy lúa gạo”, ngày 22/6 cho biết, khi đề cập tới vay để mua lương thực, nhiều ngân hàng đã muốn lảng tránh.

“Chúng tôi làm nông sản khác thì bao nhiêu cũng được nhưng nói tới lương thực thì họ lảng. Chúng ta chỉ cần căn cứ uy tín khách hàng, vì sao không đi theo hướng này mà cứ đi theo hướng khác. Ngân hàng cần có cách nhìn mới về doanh nghiệp”, ông Nam phản ánh.

Cùng với đó, ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tân Long Group cho biết, việc người nông dân có ruộng rộng và nhiều, muốn ứng dụng vi sinh mới nhưng gặp khó do còn dư nợ. Cần kiến nghị làm sao có cơ chế bơm được tín dụng cho người nông dân sản xuất hợp tác xã.

Còn với khu vực doanh nghiệp, ông Trung cho rằng, khó nhất của doanh nghiệp là vào vụ mùa đi mua lúa của nông dân. Do đó, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi sâu vào chuỗi liên kết, đa dạng nguồn vốn. Cuối cùng vấn đề muôn thuở của lúa gạo, biên độ thị trường đầu ra đầu vào biến động giá quá lớn so với các chi phí. Lãi suất đầu vào cho ngành lúa gạo phải cạnh tranh, phải thấp, cần đặt vấn đề nghiêm túc, tuy nhiên hiện chưa thấy giải pháp nào.

"Trong tổng chi phí vận hành chạy máy, chi phí lãi cho vốn ngắn hạn chiếm hơn 50%, lương công nhân chỉ 20%, điện 20%, chủ yếu nằm ở lãi vay. Cái gì lớn chúng ta soi vào đó để tiết kiệm hơn, cạnh tranh hơn", ông Trung nói thêm.

Trước đó vài ngày tại chương trình Cà phê Doanh nhân lần thứ 63, ngày 18/6, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP HCM cũng có cùng chia sẻ về khó khăn này khi cho biết, doanh nghiệp đang hết sức khó khăn do nguyên liệu đầu vào để sản xuất đang tăng cao, có loại vượt 40%, cùng với giá xăng dầu trong nước tăng cao kỷ lục. Nếu các doanh nghiệp áp vào giá thành chắc chắn sẽ đẩy giá bán sản phẩm lên cao.

“Chúng tôi đang ‘khát’ vốn. Trước đây, chỉ cần khoảng 100 tỷ đồng để dự trữ nguyên vật liệu, giờ chi phí tăng đẩy tiền dự trữ thêm 50%, nghĩa là phải cần 150 tỷ đồng. Kiến nghị các ngân hỗ trợ để nâng hạn mức khoản vay cho doanh nghiệp bằng cách đánh giá lại tài sản đảm bảo là bất động sản để tăng nguồn vốn vay”, bà Chi đề xuất.

Eximbank mở rộng giải pháp đồng hành

Là một trong các ngân hàng có nhiều ưu tiên cho doanh nghiệp lương thực, giải thích lý do vì sao ngân hàng thường “né” doanh nghiệp lương thực, ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc khối KHDN vừa và nhỏ - Hội sở Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) giải thích, với ngành lúa gạo nói đến vay vốn, ngân hàng chưa mạnh dạn để đầu tư. Lý do là ngân hàng giống doanh nghiệp, hoạt động trên sự an toàn và hiệu quả, đề cao tính trách nhiệm trên đồng vốn huy động được, vì thế, mỗi đầu tư cần cân nhắc kỹ.

Ông Nguyễn Quốc Phong, Giám đốc khối KHDN vừa và nhỏ của Eximbank

"Chúng tôi thừa nhận nông dân tiếp cận được vốn khó hơn so với doanh nghiệp sản xuất hay xuất khẩu nông sản. Nguyên nhân là liên kết của ngân hàng với nông dân chưa cao, tính cam kết của hợp đồng nông nghiệp, bao tiêu đầu ra còn thấp. Ví dụ nông dân ký hợp đồng rồi nhưng khi giá biến động là tự huỷ. Ngân hàng không yên tâm bởi sự biến động vậy".

Theo đại diện Eximbank, để được cung cấp nguồn vốn, nông dân cần có những hợp đồng có điều khoản về bao tiêu sản phẩm, đảm bảo giá mua giúp người nông dân giảm rủi ro. Hợp đồng này giúp ngân hàng bỏ vốn cho người nông dân đầu tư làm nông nghiệp.

Ví dụ, chỉ cần nông dân có hợp đồng cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp nông nghiệp lớn là ngân hàng sẵn sàng giải ngân tiền vay, 70 - 80% tổng tiền vay ngay lập tức.

Ngoài ra, các hợp tác xã nông nghiệp chưa mạnh xứng tầm để ngân hàng cung cấp vốn cho nông dân thông qua hợp tác xã. Hợp tác xã phải giúp về kiến thức, quản trị, kỹ năng… cho nông dân. Khi đó, ngân hàng có thể cân nhắc cho nông dân vay qua đối tác hợp tác xã.

“Ngành nông nghiệp nói chung, lúa gạo nói riêng, nhu cầu vốn rất lớn. Chính vì vốn cần nhiều, tài sản đáp ứng nhu cầu vay vốn có hạn chế nhất định. Ngoài khoản vay cung cấp thông thường dựa trên tài sản đảm bảo là sản phẩm truyền thống cơ bản thì cần sản phẩm tốt hơn, cấu trúc, có sự kết hợp các bên”.

Đại diện Eximbank cho biết, phía ngân hàng có hợp đồng tín dụng thế chấp hàng ở kho tập trung, gồm dùng kho của chính khách hàng, hoặc có thể là kho trung gian.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 5747/NHNN-TD ngày 10/8/2021 đề nghị các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo vốn tín dụng phục vụ thu mua, tạm trữ lúa gạo tại khu vực bằng nhiều hình thức như mở rộng thêm hạn mức tín dụng đã cấp cho thương nhân, doanh nghiệp để có nguồn vốn thu mua tạm trữ lúa gạo và nâng diện tích, chất lượng kho chứa, bảo quản, chế biến; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp...

Tin liên quan

Đọc tiếp