83% cổ đông tham dự, Eximbank tiến hành ĐHĐCĐ 2022 lần thứ 2 thành công

EXIMBANK NGÂN HÀNG
12:35 - 27/05/2022
83% cổ đông tham dự, Eximbank tiến hành ĐHĐCĐ 2022 lần thứ 2 thành công
0:00 / 0:00
0:00
Sau Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 bất thành do không đủ cổ đông tham dự, sáng 27/5, Eximbank triệu tập họp lần hai tại TP HCM để thông qua kế hoạch hoạt động năm 2022.

Trước đó, sau khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 thất bại, HĐQT Eximbank đã phát đi thông báo và công bố thông tin Nghị quyết HĐQT số 189/2022/EIB/NQT-HĐQT ngày 28/4/2022, về việc thông qua việc triệu tập Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 lần thứ hai của Eximbank. Sáng 27/5, Đại hội đồng cổ đông của Eximbank lần hai này đã được tiến hành khi tỷ lệ cổ đông tham dự đạt trên 80%.

Mục tiêu lợi nhuận 2022 gấp đôi, tổng tài sản tăng 8%

Hội đồng quản trị đã trình cổ đông thông qua kết quả kinh doanh, phương án tăng vốn, phát hành cổ phiếu và một số vấn đề khác.

Cụ thể, năm 2022, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 107,5% so với năm trước. Tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng gần 8%.

Về dư nợ tín dụng năm 2022, ngân hàng lên kế hoạch đạt 127.149 tỷ đồng, tăng 10%. Đây là chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo, Eximbank sẽ xin phép điều chỉnh hạn mức trong điều kiện thuận lợi. Tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 1,7%. Huy động vốn tổ chức kinh tế và dân cư mục tiêu đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 7,4%.

Trình cổ đông về kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB

Cũng tại đại hội, Eximbank báo cáo về kết quả chuyển nhượng cổ phiếu Sacombank (HoSE: STB). Năm 2018, Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng đã có văn bản yêu cầu HĐQT Eximbank báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB dưới mức giá tối thiếu 13.000/cổ phần dẫn tới làm giảm thu nhập của ngân hàng để ĐHĐCĐ có ý kiến. Mức giá 13.000 đồng/cp đã được nêu tại phương án chuyển nhượng của Eximbank trong văn bản ngày 16/8/2017 và được sự chấp thuận của Cục thanh tra, giám sát Ngân hàng TP HCM tại văn bản số 1503/Cục II.4.

Trong trường hợp cổ đông thông qua kết quả chào bán, HĐQT, BKS và Ban điều hành phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và tự đề xuất xử lý với tổ chức/cá nhân có liên quan.

Tuy nhiên, nếu ĐHĐCĐ không thống nhất hoặc yêu cầu xem xét lại trách nhiệm, HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành phải xác nhận cụ thể trách nhiệm của tổ chức cá nhân có liên quan và chịu trách nhiệm bồi hoàn hơn 6,3 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế và phí), đồng thời xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật với những tổn thất, thiệt hại gây ra cho ngân hàng.

Thời điểm trước tháng 11/2017, Eximbank sở hữu 165,2 triệu cổ phiếu tương đương 8,76% vốn điều lệ của Sacombank. Ngân hàng phải bán cổ phiếu STB giảm sở hữu xuống dưới 5% vốn điều lệ. Năm 2018, ngân hàng được yêu cầu phải báo cáo kết quả chuyển nhượng cổ phiếu STB tại kỳ họp ĐHĐCĐ gần nhất, nhưng liên tục họp bất thành.

Theo Eximbank, lấy mốc giá 13.000 đồng/cp, ngân hàng đã bán tổng 165,2 triệu cổ phần với giá bán bình quân 14.064 đồng/cp. Tổng số tiền bán thu được là 2.323 tỷ đồng, lãi 647 tỷ đồng. Kết quả thoái vốn của khoản đầu tư có lãi và đã đóng góp vào kết quả lợi nhuận của Eximbank giai đoạn 2017-2018. Việc giao dịch cổ phiếu dưới mức giá 13.000 đồng/cp, tuy không đáp ứng văn bản gửi NHNN nhưng đảm bảo được mục tiêu thoái vốn của Eximbank tại Sacombank theo yêu cầu của NHNN và có lãi.

Ngoài ra, mùa ĐHĐCĐ năm nay, nhiệm kỳ mới 2022-2027 sẽ bắt đầu với nhiều nhân sự mới vì hết nhiệm kỳ cũ.

Theo kết quả ĐHĐCĐ thường niên 2021 lần 2, bà Lương Thị Cẩm Tú chính thức được bổ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025), kể từ ngày 17/02/2022, thay cho ông Yasuhiro Saitoh bị miễn nhiệm.

Về kết quả kinh doanh quý I/2022, theo báo cáo tài chính công bố, Eximbank lãi trước thuế tăng 2,8 lần, lên hơn 809 tỷ đồng, tương đương 32% kế hoạch năm. Trong đó thu nhập lãi thuần tăng 52%, lên mức 1.244 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 61% ghi nhận ở mức 153,3 tỷ đồng, trong khi lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư gần gấp đôi, lên 44 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác cũng tăng 2 lần so với cùng kỳ lên 126 tỷ đồng.

Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản tăng 4% so với đầu năm, lên mức 172.343 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 7% lên 122.553 tỷ đồng. Tổng nợ xấu tăng 8% ghi nhận gần 2.421 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 1,96% đầu năm lên 1,98%.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.