Ngân hàng Nhà nước: Tiềm năng thẻ tín dụng nội địa còn lớn

CHUYỂN ĐỔI SỐ Việt nAM
07:49 - 16/09/2023
Ngân hàng Nhà nước: Tiềm năng thẻ tín dụng nội địa còn lớn
0:00 / 0:00
0:00
Theo NHNN, đến tháng 7/2023, số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt 811.400 thẻ, tăng 42,5%. Trong giai đoạn 2018 - 2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm.

Thẻ tín dụng nội địa là điểm hấp dẫn nhiều tệp khách hàng

Chia sẻ tại Hội thảo "Thúc đẩy phát triển thị trường thanh toán điện tử ở Việt Nam" diễn ra chiều 15/9, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, đến hết tháng 7, có 15 tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa.

Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến tháng 7 đạt trên 811.400 thẻ, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong giai đoạn 5 năm 2018-2022, số lượng thẻ tín dụng nội địa phát hành đạt mức tăng trưởng bình quân 29,6%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,72%/năm.

Đánh giá về các lợi ích, tiềm năng phát triển của thẻ tín dụng nội địa trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết, bên cạnh các tính năng của thẻ tín dụng thông thường, một số tiện ích, tính năng của thẻ tín dụng nội địa có thể là điểm hấp dẫn nhóm khách hàng phổ thông hoặc lần đầu tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Có thể kể đến việc thủ tục mở thẻ đơn giản, chi phí phát hành và thanh toán thấp. Qua đó, giúp khách hàng dễ dàng mở thẻ, nhanh chóng tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng với chi phí hợp lý, thông tin minh bạch, quyền lợi khách hàng được đảm bảo, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, tài chính toàn diện và hỗ trợ góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen.

Ngoài ra, việc phát triển thẻ tín dụng nội địa cũng đã tạo ra sự đa dạng các sản phẩm, danh mục, về dịch vụ mở rộng đối tượng khách hàng và hệ sinh thái thanh toán của các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.

"Vừa qua, một số tổ chức phát hành thẻ đã phối hợp phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa với nhiều tiện ích, tính năng như ứng dụng công nghệ thẻ chip tiếp xúc và phi tiếp xúc, tính năng thẻ ghi nợ/thẻ tín dụng được gắn trên một tấm thẻ, đem lại những tín hiệu tích cực cho sự thành công của dòng sản phẩm thẻ tiềm năng này trong thời gian tới", đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin.

Một trong những lợi ích khác là khi phát hành thẻ nội địa, các tổ chức phát hành thẻ được quyền chủ động trong việc xây dựng mức phí phù hợp với đối tượng khách hàng. Ví dụ phí phát hành, phí thường niên,… đối với các cơ sở chấp nhận thẻ cũng có mức phí phù hợp với các phân khúc khách hàng, qua đó góp phần tạo các mức phí phù hợp, tạo sự linh hoạt trong việc áp dụng các mức phí với thẻ nội địa.

Ngân hàng Nhà nước: Tiềm năng thẻ tín dụng nội địa còn lớn ảnh 1

Phát triển thẻ tín dụng nội địa là một bước tiến nữa khẳng định thương hiệu thẻ thuần Việt Nam sử dụng công nghệ, hạ tầng thanh toán trong nước, đồng tiền Việt Nam để kết nối, xử lý thanh toán an toàn, tin cậy, thông suốt cho mọi tình huống cho các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ tại Việt Nam.

Hành lang pháp lý cho hoạt động phát hành và thanh toán thẻ nói chung trong đó có thẻ tín dụng nội địa đã được Ngân hàng Nhà nước ban hành và thường xuyên bổ sung, hoàn thiện trong đó có quy định về việc phát hành thẻ bằng phương thức điện tử (eKYC), tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng phát hành và thanh toán thẻ một cách thuận lợi và an toàn.

Ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng vụ Thanh Toán, NHNN Việt Nam

Vẫn còn dư địa đẩy mạnh phát triển thị trường thẻ nội địa

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, trong 39 triệu thẻ đang hoạt động có trên 800.000 thẻ nội địa, chiếm 8,7% trong tổng số lượng thẻ. "Đứng trước thực trạng trên, rõ ràng chúng ta còn dư địa để quan tâm đẩy mạnh hơn phát triển thị trường thẻ nội địa tại Việt Nam".

Ở góc độ Vụ thanh toán, ông Tuấn đề xuất giải pháp phát triển thị trường thẻ nội địa như các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu phát triển các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa hiện đại, an toàn, đa năng đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách hàng các sản phẩm thẻ tín dụng nội địa cần được thiết kế phù hợp với các nhóm đối tượng khách hàng có hành vi tiêu dùng hay thói quen thanh toán khác nhau. Ngoài ra, cần có chính sách ưu đãi khuyến mại đối với khách hàng sử dụng thẻ tín dụng.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ trong đó có thẻ tín dụng nội địa, kết nối thanh toán liên thông với dịch vụ công và các lĩnh vực giao thông, y tế, bảo hiểm…

Các tổ chức phát hành thẻ cũng cần tích cực hợp tác với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán có liên kết với các sàn thương mại điện tử lớn, tạo điều kiện cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng nội địa có thể thanh toán tại các sàn thương mại điện tử cũng như tại các điểm mua bán hàng hóa, dịch vụ tại các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Tiếp đó, các tổ chức tín dụng cần tăng cường công tác truyền thông, quảng bá về thẻ tín dụng nội địa tới công chúng. Đây là giải pháp hết sức quan trọng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Đồng thời, nghiên cứu, hợp tác với các ngân hàng, tổ chức chuyển mạch thẻ nước ngoài để mở rộng phạm vi sử dụng thẻ tín dụng nội địa không chỉ trong phạm vi trong nước mà còn có thể sử dụng thanh toán tại nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Những "ngân hàng không ngủ"

Những "ngân hàng không ngủ"

Hầu hết các ngân hàng ở Việt Nam đều đang triển khai các chương trình chuyển đổi số, ở những mức độ khác nhau. Nâng cao trải nghiệm khách hàng là một trong những khâu có sự thay đổi mạnh mẽ và dễ nhận diện nhất.