Ngành gỗ vẫn chưa thấy tín hiệu khởi sắc trong năm 2023

Gỗ Việt nAM
17:44 - 30/03/2023
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 đạt 15,67 tỷ USD. Ảnh: TTXVN.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 đạt 15,67 tỷ USD. Ảnh: TTXVN.
0:00 / 0:00
0:00
Báo cáo “Việt Nam xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 2022 và xu hướng 2023” vừa được công bố, cho thấy những dự báo mới nhất về xuất khẩu gỗ từ quan sát kết quả quý 1/2023.

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất năm 2022

Báo cáo do Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cùng Nhóm nghiên cứu (Forest Trends) thực hiện cho biết, tác động của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine cùng với sự suy giảm kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ Việt như Mỹ, EU, Anh đã khiến cho kim ngạch xuất khẩu vào những tháng cuối của năm 2022 trở nên ảm đạm.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2022 đạt 15,67 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2021. Bức tranh ngành gỗ Việt năm 2022 phản ánh tình trạng kinh tế chung của các ngành kinh tế Việt Nam cũng như những biến động của thị trường.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành gỗ đạt tốc độ tăng trưởng tốt với kim ngạch xuất khẩu trung bình mỗi tháng đạt trên 1,4 tỷ USD. Nhưng kể từ tháng 7/2022, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ bắt đầu sụt giảm.

Các thị trường trọng điểm của ngành gỗ năm 2022 vẫn là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU. Kim ngạch xuất khẩu sang 5 thị trường này đạt 14,2 tỷ USD, chiếm 91% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành.

Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 8,48 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2021, chiếm 54,1% giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam từ tất cả các thị trường.

Trung Quốc đứng thứ hai đạt 2,17 tỷ USD, tăng 46% so với năm 2021, chiếm 13,8% tổng giá trị xuất khẩu. Nhật Bản đạt trên 1,89 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2021, chiếm 12,08%. Hàn Quốc đạt 1,01 tỷ USD, chiếm 6,5% giá trị xuất, tăng 16,5% so với năm 2021. EU 27 đạt 645,71 triệu USD, chiếm 4,1% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 8% so với năm 2021.

Mức độ tăng trưởng của các thị trường này có sự trái ngược khác nhau. Nếu như năm 2021, Mỹ chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành, thì năm 2022 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này chỉ chiếm hơn 54%.

Ngược lại năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Trung Quốc lại có chiều hướng tăng trưởng với tỷ trọng lần lượt ở mức 12% và 14%, tương đương mức tăng lần lượt 2% và tăng 3% so với năm 2021.

Động lực tăng trưởng vẫn duy trì như quý 4/2022

Hiện tại, ngành gỗ đang chuẩn bị kết thúc quý 1/2023. Báo cáo nhận định, nhiều tín hiệu cho thấy động lực xuất nhập khẩu của ngành trong cả năm 2023 sẽ không có quá nhiều biến động so với quý 4/2022 và các tháng đầu năm.

“Bối cảnh vĩ mô không xuất hiện nhiều thay đổi, với các yếu tố tác động chính đến cung – cầu tiêu dùng thế giới vẫn đang hiện hữu. Cụ thể, lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và EU đang ở mức cao. Điều này làm hạn chế chi tiêu đối với các mặt hàng không thiết yếu, bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ. Các quốc gia này đang cố gắng để kiềm chế, tuy nhiên hiện chưa có dấu hiện lạm phát sẽ giảm trong tương lai”, báo cáo nêu rõ.

Ngoài ra, ngành bất động sản tại các thị trường xuất khẩu chính đang ở giai đoạn trầm lắng. Khâu xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam phụ thuộc lớn vào hoạt động của ngành này và cũng chưa có tín hiệu ngành sẽ khởi sắc trong 2023.

Cuộc chiến Nga – Ukraine vẫn kéo dài và chưa có dấu hiệu kết thúc. Điều này tiếp tục tác động tiêu cực tới giá cả hàng hóa, làm giảm cầu tiêu dùng nói chung.

Với các yếu tố vĩ mô như trên, báo cáo dự kiến, thương mại ngành gỗ trong các quý tiếp theo của năm 2023 sẽ không có nhiều biến động. Xuất khẩu sẽ tiếp tục đối mặt với sự co giảm của thị trường.

Bên cạnh đó, các mặt hàng mang tính chất nhạy cảm như tủ bếp, tủ nhà tắm, gỗ dán, các mặt hàng được làm từ gỗ bạch dương nguồn gốc từ Nga sẽ tiếp tục phải đối mặt với các rủi ro bị áp thuế hoặc hàng rào thương mại, từ các chính sách trừng phạt tại thị trường xuất khẩu ở các nước phương tây.

Mức độ ổn định trong 3 thị trường Đông Á quan trọng của ngành gỗ Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cao hơn nhiều so với các thị trường khác như Mỹ và EU. Tuy nhiên, phổ các mặt hàng xuất khẩu sang 3 thị trường này tương đối hẹp, chỉ dừng lại ở các mặt hàng như dăm gỗ, viên nén, gỗ dán và một số mặt hàng khác.

Năm 2022 cũng chứng kiến sự tăng trưởng rất mạnh trong xuất khẩu của dăm gỗ sang Trung Quốc và viên nén sang Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên tín hiệu thị trường của những tháng đầu năm 2023 cho thấy nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng này đã có dấu hiệu giảm nhiệt.

Tin liên quan

Đọc tiếp