Nhà đầu tư nước ngoài liên tục gom cổ phiếu, nhiều ngân hàng 'cạn' room ngoại

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
08:55 - 16/05/2022
Nhà đầu tư nước ngoài liên tục gom cổ phiếu, nhiều ngân hàng 'cạn' room ngoại
0:00 / 0:00
0:00
Trái với đà bán tháo liên tiếp những tuần qua, giao dịch của khối ngoại là điểm sáng le lói, kìm đà lao dốc của thị trường chứng khoán. Song cũng khiến nhiều ngân hàng đối mặt với tình trạng 'cạn' room ngoại.

Ngược chiều bán tháo, nhà đầu tư nước ngoài liên tục gom cổ phiếu

Đóng cửa tuần giao dịch 9-13/5, VN-Index đánh mất gần 150 điểm trong bối cảnh tâm lý thị trường ngày càng bi quan, cộng thêm các công ty chứng khoán liên tục khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục hạ tỷ trọng cổ phiếu và đứng ngoài quan sát thị trường.

Kết quả, VN-Index rơi xuống mức 1.182,77 điểm, giảm hơn 11% so với tuần trước đó.

Bối cảnh đó, dòng tiền ngoại tiếp tục giữ vai trò nâng đỡ, góp phần hãm đà giảm của thị trường. Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 1.682 tỷ đồng trên sàn HOSE trong tuần này. Trong đó tập trung đặc biệt vào nhóm cổ phiếu ngân hàng với việc mua ròng 162,2 tỷ đồng cổ phiếu MBB và 151,8 tỷ đồng cổ phiếu CTG.

Nhiều ngân hàng cạn room ngoại

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có hiệu lực đến ngày 16/5, căn cứ theo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không được vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại, dư địa room ngoại tại một số ngân hàng đã sắp cạn.

Cụ thể, trong 30 ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ 15 ngân hàng có tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên 15%. Trong đó, không ít ngân hàng thương mại niêm yết trên thị trường đang trong tình trạng gần kín hoặc kín room ngoại như: VietinBank, Vietcombank, MB, ACB, ABBank, Eximbank, MSB, OCB, Techcombank, TPBank, VIB…

Ngoài ra, do tỷ lệ room ngoại gần cạn so với quy định nên nhiều ngân hàng thương mại phải khóa room ngoại để chờ cơ hội tốt bán vốn cho đối tác chiến lược nước ngoài. Vì nếu không khóa, các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua trên sàn chứng khoán sẽ hết room.

Đơn cử, với VPBank, từ tháng 5/2021, ngân hàng này đã khóa room ngoại còn 15%. Ngày 4/3/2022, VPBank chính thức nới room ngoại từ 15% lên 17,5%. Trong ngày nới room này, khối ngoại mua vào ồ ạt trên sàn khiến cổ phiếu VPBank tăng gần 3% trong phiên.

Tương tự, từ tháng 8/2021, SHB tạm khóa room ngoại ở mức 10% nhằm thực hiện phương án chào bán, phát hành chứng khoán cho nhà đầu tư nước ngoài. SHB cũng vừa điều chỉnh room ngoại từ 10% lên mức tối đa 30%. Chia sẻ tại ĐHĐCĐ ngày 20/4 mới đây, lãnh đạo SHB cho biết, một số tập đoàn tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư trên thế giới đang muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược của ngân hàng thương mại này.

Ngân hàng kỳ vọng nới room ngoại

Thực tế, trong bối cảnh các ngân hàng thương mại đang ráo riết đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II và Basel III (các quy chuẩn về an toàn vốn theo thông lệ quốc tế), trong khi hiện nay hệ số CAR của các ngân hàng thương mại Việt Nam thấp hơn so với các ngân hàng trong khu vực, thì việc nới room ngoại càng trở nên bức thiết.

Do đó, hầu hết các ngân hàng thương mại đều kỳ vọng được nới room ngoại để dễ dàng xoay xở phương án tăng vốn thông qua chào bán cho cổ đông nước ngoài. Bởi lẽ, nếu được nới room, sẽ thu hút vốn giúp gia tăng nội lực của các ngân hàng trong dài hạn, chia sẻ kinh nghiệm quản trị; tăng năng lực tài chính, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, nhất là nguy cơ nợ xấu hiện hữu vì ảnh hưởng dịch Covid-19.

Báo cáo đầu tuần trước của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã chỉ ra rằng, thông điệp mà Chính phủ đã quyết liệt khẳng định là hướng đến minh bạch thị trường, bảo vệ nhà đầu tư, phát triển thị trường bền vững; còn mục tiêu cụ thể là hướng đến nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, một trong những yếu tố để nâng hạng thị trường là “nâng quy mô”. Và cách thức để vừa nâng quy mô, vừa cho thấy sự mở cửa chào đón dòng vốn ngoại, là phải tiếp tục xem xét về vấn đề nâng trần sở hữu khối ngoại (FOL) tại các tổ chức tín dụng

Mặt khác, theo quy định tại Quyết định 22/QĐ-CP ngày 02/07/2021, Nhà nước phải sở hữu ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tại các ngân hàng có vốn nhà nước (SOCB) trong giai đoạn 2021-2025. Do đó, những nhà băng đã cận room như VietinBank… sẽ hết cửa nới room ngoại nếu không có chính sách mới, BVSC nhận định.

Dẫu vậy, một số tổ chức khác vẫn rất kỳ vọng “ngưỡng 30%” sẽ thay đổi. Trong một báo cáo, Mirae Asset nhận định Techcombank đang là một trong 2 ngân hàng có thể là ứng viên được xem xét phê duyệt nới room ngoại tới 49%. Trong khi HDBank đã phát hành trái phiếu chuyển đổi cho một định chế quốc tế nên cũng có thể đã “đón lõng” việc hiện thực hóa kỳ vọng nới room ngoại.

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.