Nhà đầu tư thua lỗ lớn muốn ‘về bờ’ nên VN-Index hồi phục khó khăn

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
08:18 - 12/06/2022
Chuyên gia nhận định thị trường sẽ hồi phục nhưng khó khăn sau giai đoạn giảm sâu. Ảnh minh hoạ
Chuyên gia nhận định thị trường sẽ hồi phục nhưng khó khăn sau giai đoạn giảm sâu. Ảnh minh hoạ
0:00 / 0:00
0:00
Sau khi chinh phục ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm, VN-Index lại quay đầu điều chỉnh mạnh trong phiên thứ Sáu. Nhịp điều chỉnh này không hẳn mang tính chất tiêu cực mà nghiêng về hướng rũ bỏ và tích lũy thêm chờ cơ hội để bùng nổ.

Thị trường tăng điểm trong 3 phiên đầu tuần nhưng giảm điểm 2 phiên sau đó, đặc biệt trong phiên cuối tuần rơi mạnh 24 điểm đã khiến chỉ số VN-Index kết phiên giảm nhẹ (3,9 điểm) so với tuần trước, dừng ở mốc 1284.08. HNX-Index cũng giảm 4 điểm.

Điểm tích cực là thanh khoản tiếp tục có sự cải thiện. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 4% so với tuần trước đó lên 81.169 tỷ đồng, khối lượng tăng 4,1% lên 2.914 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 17,5% so với tuần trước lên 12.050 tỷ đồng, khối lượng tăng 12,8% lên 473 triệu cổ phiếu.

Tuần qua, nhóm ngành giảm mạnh nhất thị trường là công nghệ thông tin, chủ yếu do sự điều chỉnh của cổ phiếu FPT sau khi chạm ngưỡng mức đỉnh cũ 116.000 đồng/cp. Tính chung cả tuần, FPT giảm 3,51%. Việc không vượt được khu vực đỉnh cũ và VN-Index giảm khá mạnh phiên cuối tuần có thể là yếu tố dẫn tới áp lực chốt lãi tại cổ phiếu này.

Nhóm ngành chứng khoán cũng giảm đáng kể với mức -2,24%. Dẫn đầu đà giảm là SSI với mức -4,8%, HCM -4,5%. Nhóm cổ phiếu chứng khoán là nhóm có độ nhạy lớn nhất so với thị trường chung, do vậy diễn biến tăng giảm của nhóm cổ phiếu này phụ thuộc lớn vào diễn biến thị trường. Dòng cổ phiếu chứng khoán đã chịu áp lực bán mạnh khi VN-Index có tín hiệu yếu đi tại ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm.

Cổ phiếu đáng chú ý tuần qua:

NT2 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2: NT2 có tuần giao dịch sôi động khi tăng 12,77%, vượt vùng đỉnh cũ tháng 12/2021. Cổ phiếu hiện đang test lại vùng này (theo lý thuyết phân tích kỹ thuật thì vùng này đã chuyển từ kháng cự thành hỗ trợ cho cổ phiếu). Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch cũng liên tục nằm trên mức trung bình 20 phiên gần nhất thể hiện dòng tiền đang rất sôi động.

YEG của CTCP Tập đoàn Yeah1: YEG tăng 15, 89%, đây là tuần thứ 2 liên tiếp tăng mạnh. Cùng với đó, khối lượng giao dịch cũng rất dồi dào khi liên tục nằm trên mức trung bình 20 ngày gần nhất cho thấy dòng tiền đang trở lại với cổ phiếu này.

Ngược lại, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn tăng tốt nhất nhờ giá xăng, dầu tiếp tục leo cao, với BSR +9,8%, PVS +5,1%, PXS +9,9%, PLX +3,5%, PGD +5,5%. Tuy nhiên đã đến giai đoạn phân hoá khá rõ khi không ít mã giảm điểm như GAS -4,4%, PSH -2%, CNG -6,5%…

Nhóm ngành nguyên vật liệu cũng tăng nhẹ 1,1% chủ yếu nhờ cổ phiếu DGC +10,1%. Các nhóm ngành khác phân hóa mạnh và phần lớn biến động trong biên độ hẹp, như ở nhóm trụ cột ngân hàng với BID -1,6%, CTG -1,1%, TPB -6,8%, SHB -1%, OCB -3,1%, ACB -0,4%, và ở chiều ngược lại là VPB +0,5%, STB +3,6%, HDB +2%, MBB +0,4%, VCB +0,26%…

Nhà đầu tư nước ngoài đã giao dịch tích cực khi mua ròng gần 1.200 tỷ đồng trong tuần rung lắc đầu tháng 6. Trong đó, tâm điểm mua vào của khối này là chứng chỉ quỹ FUEVFVND và cổ phiếu BSR. DPM và MSN cũng được mua ròng mạnh. Trong khi đó, cổ phiếu HPG bị bán ròng mạnh nhất. Tiếp theo đó là VNM, NVL, E1VFVN30…

Thị trường tháng 6 sẽ tăng nhưng biên độ không quá lớn

Theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường tuần này gần như đi ngang sau 3 tuần phục hồi liên tiếp cho thấy đợt hồi phục này khá mạnh và tin cậy, khối lượng giao dịch vẫn đang ở mức thấp nhưng ổn định trong suốt 1 tháng qua.

Tuy nhiên, với việc VN-Index trong tuần đã vượt ngưỡng tâm lý 1.300 nhưng với động lực yếu, rất có thể thị trường sẽ đối diện với khả năng điều chỉnh test lại ngưỡng này. Và thực tế, thị trường đã có phiên cuối tuần giảm điểm mạnh và đóng cửa dưới 1.300. Nhịp điều chỉnh hiện tại không hẳn mang tính chất tiêu cực mà nó mang tính chất rũ bỏ và tích lũy thêm chờ cơ hội để bùng nổ vượt ngưỡng tâm lý một lần nữa.

Trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể sẽ tiếp tục đà hồi phục trong thời gian tới để đạt hoàn thành sóng hồi phục mà gần nhất là quanh ngưỡng tâm lý 1.300 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, nếu lực cầu mua lên suy yếu và áp lực bán gia tăng trở lại thì chỉ số VN-Index có thể sẽ kết thúc sớm sóng hồi phục khi chỉ đạt được đến target đầu tiên quanh ngưỡng 1.300 điểm để bước vào sóng điều chỉnh. Tuy nhiên, kịch bản này được SHS đánh giá thấp hơn.

Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nhận định, với diễn biến hiện tại, chỉ số VN-Index sẽ kiểm lại vùng hỗ trợ quan trọng 1.280 điểm trong phiên tới. Nếu tiếp tục duy trì được trên ngưỡng này, chỉ số vẫn có cơ hội quay lại kiểm định vùng kháng cự 1.300 điểm. Tuy nhiên, nếu cắt xuống dưới mốc 1.280, VN-Index có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh về các vùng hỗ trợ quanh 1.250 - 1.261 điểm.

Còn Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng, VN-Index vượt và giữ được mốc 1.300 điểm chỉ trong 2 phiên cho thấy tâm lý lo ngại mua trên ngưỡng 1.300 điểm đang cản bước hồi phục của chỉ số này. Đặc biệt, có thời điểm VN-Index đã tiến khá gần với mốc kháng cự 1.320 điểm, nhưng sau đó đã giảm trở lại, do đó trong ngắn hạn VN-Index có thể đang bước vào nhịp điều chỉnh.

Giao dịch của khối tự doanh trong 5 tuần gần đây. Nguồn: SHS

Giao dịch của khối tự doanh trong 5 tuần gần đây. Nguồn: SHS

Tại talkshow Chọn danh mục kỳ 7 với chủ đề “Hiểu doanh nghiệp để không lạc lối” do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện gần giống mô hình chữ V; sau giai đoạn giảm khốc liệt tháng 4-5 đang hồi phục trở lại. Tuy nhiên, sau thời gian dài giảm sâu, lượng nhà đầu tư thua lỗ lớn chỉ mong muốn được về bờ khiến việc hồi phục trở nên khó khăn hơn.

Ông Minh dự đoán thị trường trong tháng 6 sẽ tăng nhưng với biên độ không quá lớn. Chỉ số VN-Index sẽ biến động ở vùng giá 1.300 - 1.328 điểm, hoặc cao hơn có thể vượt 1.400 điểm. Vị chuyên gia cũng nhận định quy mô dòng tiền sẽ không lớn như đầu năm hay năm 2021, bởi lượng nhà đầu tư rút ra thị trường, dòng tiền chuyển dịch vào các lĩnh vực sản xuất khi kinh tế hồi phục.

Ngoài ra theo ông Minh, dòng tiền vào chứng khoán sẽ tiếp tục có sự phân hoá khi nhà đầu tư thông minh và bản lĩnh hơn. Nếu như trước đây, những cổ phiếu mạnh như VNM, FPT giảm sàn thì cả thị trường sẽ giảm khốc liệt. Nhưng hiện tại đã khác.

Về nhóm ngành có thể hút dòng tiền mạnh trong thời gian tới, vị chuyên gia cho rằng đó sẽ là các nhóm theo hồi phục của kinh tế như ngành sản xuất, bán lẻ, vận tải, logistic, công nghệ…

Tin liên quan

Đọc tiếp