Nhiều bộ, ngành xin trả lại vốn đầu tư công nguồn ODA

GIẢI NGÂN Vốn đầu tư
19:34 - 07/10/2021
Ảnh minh hoạ - Nguồn Internet
Ảnh minh hoạ - Nguồn Internet
0:00 / 0:00
0:00
Tính đến ngày 6/10, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài của các bộ, ngành mới đạt 19,03%, 9 bộ đã có văn bản đề nghị trả lại toàn bộ số vốn là 8.054 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cho biết tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành đánh giá về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài của Chính phủ 9 tháng đầu năm 2021.

Theo đó, trong năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, ngành, địa phương kế hoạch vốn đầu tư công nguồn nước ngoài là 51.550 tỷ đồng. Trong đó các bộ, ngành là 16.637 tỷ đồng và địa phương: 34.913 tỷ đồng..

Đến hết tháng 9/2021, các bộ, ngành đã nhập dự toán trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis)là 13.043 tỷ đồng, đạt 78%.

Tính đến ngày 6/10, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2021 của các bộ, ngành mới đạt 19,03%, tương ứng 3.166 tỷ đồng.

Cũng tính đến thời điểm trên, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị là 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Như vậy, số vốn này có thể phải điều chuyển cho các bộ, địa phương có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch hoặc buộc phải hủy kế hoạch vốn theo quy định.

Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), ông Trương Hùng Long cho rằng việc hoàn thành tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn năm 2021 trên 95% kế hoạch được giao như mục tiêu Nghị quyết số 63/NQ-CP là không khả thi.

Ông Long đánh giá, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài khối các bộ, ngành trung ương thời gian qua có nhiều khó khăn, nhất là trong tháng 8 và tháng 9 do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, có rất nhiều dự án đã bị ngừng.

Ngoài ra, có tình hình chậm tiến độ hoặc không có khối lượng giải ngân do các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án như: chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư như chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở, chậm trong đấu thầu, ký hợp đồng. Các dự án đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay...

Bên cạnh đó, công tác kế hoạch vốn chưa tốt, nhiều bộ, ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán.

Trước đó, ngày 5/10, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 262/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương về đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.

Thủ tướng Chính phủ biểu dương 4 cơ quan trung ương và 11 địa phương đến hết tháng 9/2021 giải ngân đạt trên 60% kế hoạch được giao; phê bình nghiêm khắc và yêu cầu 36 bộ, cơ quan trung ương và 8 địa phương giải ngân dưới 40% kế hoạch giao (không bao gồm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg).

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.