Những ngân hàng doanh thu nghìn tỷ đồng từ kinh doanh bảo hiểm

Ngân hàng VIB VPBANK
15:35 - 24/02/2023
VIB là ngân hàng có nguồn thu đều đặn nghìn tỷ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong những năm gần đây.
VIB là ngân hàng có nguồn thu đều đặn nghìn tỷ từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong những năm gần đây.
0:00 / 0:00
0:00
Mảng kinh doanh bảo hiểm đã trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho nhiều ngân hàng trong những năm trở lại đây, như MB, VIB, VPBank, Techcombank...

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) là nhà băng ghi nhận phần đóng góp doanh thu lớn nhất từ mảng kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, theo báo cáo tài chính quý 4/2022.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng bảo hiểm mang về cho MB Bank tới 10.185 tỷ đồng, chỉ đứng sau khoản lãi cho vay là hơn 39.200 tỷ đồng. Trừ đi chi phí hoạt hoạt động 5.941 tỷ đồng, tính ra MB thu về hơn 4.000 tỷ đồng tiền lãi từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đóng góp 18% tổng lợi nhuận trước thuế cho ngân hàng.

Đáng chú ý, mảng kinh doanh bảo hiểm của MB tăng trưởng mạnh mẽ qua từng năm. Nếu năm 2018, thu nhập từ mảng này chỉ đạt hơn 2.800 tỷ đồng thì năm 2019 đã tăng lên hơn 4.200 tỷ đồng, năm 2020 tăng lên hơn 5.800 tỷ đồng và năm 2021 đạt gần 8.400 tỷ đồng.

Với kết quả trên, MB đang dẫn đầu doanh thu về bảo hiểm trên toàn hệ thống. Điều này là nhờ ngân hàng sở hữu hai công ty con là Tổng công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC) và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) thu về 3.354 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong năm 2022, tăng 42% so với 2021 và chiếm hơn 30% tổng thu từ mảng dịch vụ của ngân hàng. Nguồn thu từ mảng này của VPBank tuy không tăng trưởng mạnh mẽ như MB nhưng cũng cải thiện qua từng năm, với con số của năm 2018 là 2.187 tỷ đồng.

VPBank ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ AIA (Việt Nam) từ năm 2017. Năm 2022, hai bên đã ký kết gia hạn thỏa thuận hợp tác độc quyền thời hạn từ 15 năm theo dự định ban đầu thành 19 năm.

Cũng trong năm 2022, VPBank hoàn tất thâu tóm Công ty cổ phần bảo hiểm OPES qua việc nhận chuyển nhượng 47,85 triệu cổ phần OPES (tương đương với 87% vốn điều lệ), qua đó nâng sở hữu từ 11% vốn lên tối đa 98%.

OPES là một công ty cổ phần bảo hiểm phi nhân thọ mới được thành lập từ tháng 3/2018 và có sản phẩm đầu tiên vào tháng 3/2019.

Techcombank Ngân hàng Quốc tế (VIB) cũng thu nghìn tỷ đồng từ mảng bảo hiểm trong năm 2022. Với Techcombank, dịch vụ hợp tác bảo hiểm mang về 1.750 tỷ đồng, tăng 12% so với 2021. Techcombank hợp tác với Bảo hiểm Manulife từ năm 2013. Năm 2017, hai bên ký kết thỏa thuận hợp tác bảo hiểm độc quyền kéo dài 15 năm.

Còn VIB thu từ dịch vụ hoa hồng bảo hiểm 1.303 tỷ đồng, tăng 9% so với 2021. Từ năm 2015, VIB và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam (Prudential) đã ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược lâu dài, triển khai mô hình kinh doanh bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) trong thời hạn 15 năm.

Bancassurance, sự kết hợp của hai thuật ngữ ngân hàng (bank) và bảo hiểm (Assurance) là xu hướng kinh doanh rầm rộ những năm gần đây. Bán chéo kiểu này giúp bên bảo hiểm khai thác tệp khách hàng lớn từ ngân hàng, giảm thiểu chi phí mở rộng; còn các nhà băng gia tăng nguồn thu, tận dụng những khách hàng mua bảo hiểm để đẩy mạnh dịch vụ gửi tiết kiệm, cho vay qua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.

Ngoài MB, VPBank, nhiều ngân hàng đã sở hữu công ty con là doanh nghiệp bảo hiểm như BIDV có Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), VietinBank có Công ty TNHH MTV Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VBI), Agribank có Công ty cổ phần bảo hiểm nông nghiệp (ABIC).

Với các ngân hàng khác, hầu hết đã bắt tay với công ty bảo hiểm, từ hợp đồng hợp tác cho tới các thỏa thuận độc quyền trong thời gian dài. Cuối năm 2017, thị trường chứng kiến sự hợp tác giữa Sacombank và Dai-ichi Life với cam kết bảo hiểm độc quyền kéo dài tới 20 năm, dài nhất trong các thỏa thuận độc quyền từng ghi nhận. Bên cạnh đó là ACB - Sun Life Việt Nam, MSB - Prudential, Vietcombank - FWD hay SHB - Dai-ichi Việt Nam…

HDBank, ngân hàng chưa có hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm, cũng ghi nhận doanh số nghìn tỷ đồng từ lĩnh vực này. Báo cáo tài chính cả năm 2022 của ngân hàng này không tiết lộ con số doanh thu cụ thể, nhưng trong báo cáo kiểm toán giữa năm, hoạt động môi giới bảo hiểm đem về hơn 1.000 tỷ đồng doanh thu, gấp đôi cùng kỳ 2021.

Bancassurance bùng nổ đã mang lại nguồn doanh thu hấp dẫn cho các ngân hàng và công ty bảo hiểm. Tuy nhiên việc tăng trưởng nóng cũng gây ra những bất cập. Bộ Tài chính mới đây đã thông tin về việc đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm, sau khi nhận được thông tin phản ánh về tình trạng nhân viên của một số ngân hàng giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn tại các ngân hàng.

Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã thực hiện thanh tra chuyên đề về phân phối bảo hiểm qua ngân hàng đối với 4 doanh nghiệp bảo hiểm và đang trong quá trình hoàn thiện kết luận thanh tra. Nếu có vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Năm 2023, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Dự kiến sẽ được thực hiện tại cả doanh nghiệp bảo hiểm và các ngân hàng đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm.

Tin liên quan

Đọc tiếp

TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.