Phát hành gần 79.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm

TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP
08:42 - 08/08/2023
Phát hành gần 79.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng đầu năm
0:00 / 0:00
0:00
Theo thống kê của VBMA, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận trong 7 tháng đầu năm 2023 là 78.988 tỷ đồng, trong đó ngành ngân hàng chiếm đa số với 28.631 tỷ đồng (chiếm 36,2%), theo sau là nhóm bất động sản với 26.055 tỷ đồng (chiếm 33%).

Theo báo cáo trái phiếu tháng 7 của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 31/7, có 14 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng với tổng giá trị 5.180 tỷ đồng và 7 đợt phát hành ra công chúng trị giá 7.500 tỷ đồng.

Các đợt phát hành có lãi suất trung bình 9,4%/năm, kỳ hạn trung bình là 5,7 năm.

Trong đó, có hai doanh nghiệp bất động sản tham gia phát hành trong tháng 7. Công ty TNHH Khu đô thị mới Trung Minh, từ ngày 14/7 – 17/7 đã phát hành thành công 3.000 trái phiếu mã TMCCH2328002, giá trị phát hành 300 tỷ đồng.

Lô trái phiếu được phát hành ở thị trường trong nước, có kỳ hạn 60 tháng, đáo hạn ngày 14/7/2028. Báo cáo của Trung Minh không công bố chi tiết lãi suất trái phiếu, tuy nhiên, theo dữ liệu từ HNX, trái phiếu TMCCH2328002 có lãi suất 12,5%/năm.

Trước đó, ngày 30/6, Trung Minh cũng đã phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu loại kỳ hạn 60 tháng, lãi suất 12,5%/năm. Thông tin chi tiết về đợt phát hành không được công bố. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, Trung Minh đã huy động thành công 600 tỷ đồng từ trái phiếu.

Doanh nghiệp bất động sản thứ hai phát hành trái phiếu trong tháng là CTCP Tập đoàn Taseco ngày 19/7 đã phát hành thành công 1.250 trái phiếu mã TASCH2325002, giá trị phát hành 125 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 12%/năm.

Đến đầu tháng 8, một doanh nghiệp bất động sản khác là Công ty TNHH Capitaland Tower cũng công bố phát hành thành công hai lô trái phiếu với tổng giá trị 5.000 tỷ đồng trong cuối tháng 7, với lãi suất cả hai lô đều là 1%/năm.

Cụ thể, HNX ngày 1/8 công bố kết quả phát hành trái phiếu của Công ty TNHH Capitaland Tower. Theo đó, trong ngày 25/7, công ty này đã phát hành thành công 25.000 trái phiếu mã CPLCB2328001, huy động về 2.500 tỷ đồng theo mệnh giá. Lãi suất phát hành được cho biết trong thông báo là cố định 1%/năm, mức lãi suất thấp hơn hẳn so với thị trường trái phiếu ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là đối với ngành bất động sản.

Ngoài phần lãi suất được hưởng, người sở hữu trái phiếu có quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ số tiền tương ứng với gốc và lãi chưa được thanh toán để góp vào vốn điều lệ của tổ chức phát hành. Sau khi thực hiện quyền góp vốn, trái chủ sẽ trở thành thành viên góp vốn của công ty.

Trong tháng 7/2023, các doanh nghiệp đã mua lại 20.533 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022. 5 tháng cuối năm nay, ước tính sẽ có khoảng 132.637 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 78.988 tỷ đồng, gồm 17 đợt phát hành công chúng trị giá 16.476 tỷ đồng (chiếm 20,8% tổng giá trị phát hành) và 63 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 62.512 tỷ đồng (chiếm 79,2% tổng số).

Trong đó, ngành ngân hàng chiếm đa số với 28.631 tỷ đồng (chiếm 36,2%), theo sau là nhóm bất động sản với 26.055 tỷ đồng (chiếm 33%). Các đợt phát hành của nhóm ngân hàng hầu hết chỉ mới được phát hành kể từ cuối tháng 6.

Báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp 7 tháng vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn, căn cứ các quy định tại Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Một số tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu từ 1 tháng đến 2 năm; lãi suất được thỏa thuận tăng 0,5-3% so với lãi suất ban đầu.

Việc các doanh nghiệp chủ động đàm phán với chủ sở hữu trái phiếu được Bộ Tài chính đánh giá đã góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư, đồng thời cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, phục hồi sản xuất, kinh doanh, qua đó có dòng tiền để trả nợ khi trái phiếu đến hạn sau quá trình tái cơ cấu.

Bộ Tài chính kiến nghị loạt giải pháp cho thị trường trái phiếu

Bộ Tài chính cũng kiến nghị một loạt giải pháp để phát triển thị trường, cụ thể, tiếp tục theo dõi việc công bố thông tin của doanh nghiệp, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp có trái phiếu đến hạn lớn và yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm đến cùng về việc thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trái phiếu cho nhà đầu tư theo điều kiện, điều khoản đã cam kết.

Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát, chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, các định chế tài chính có hoạt động liên quan đến phát hành TPDN theo quy định của pháp luật, trường hợp sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Về các giải pháp trong trung, dài hạn, Bộ Tài chính kiến nghị rà soát tổng thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan (Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng) đối với các quy định về điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ; vấn đề người có liên quan, sở hữu chéo giữa tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán và doanh nghiệp.

Kiến nghị giao Bộ Xây dựng nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền bổ sung quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Phát triển hệ thống các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ đầu tư (gồm quỹ đầu tư trái phiếu).

Đọc tiếp