Phí vận chuyển cao gây khó cho ngành xuất khẩu Trung Quốc

XUẤT KHẨU TRUNG QUỐC
11:43 - 20/12/2021
Phí vận chuyển cao gây khó cho ngành xuất khẩu Trung Quốc
0:00 / 0:00
0:00
Chi phí vận chuyển tăng cao cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang gây căng thẳng cho các nhà xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc, trong khi các chuyên gia trong ngành dự đoán xu hướng này sẽ còn kéo dài đến 2023.

Vào tháng 9 năm nay, giá vận chuyển container cho tuyến Trung Quốc – Mỹ đã vượt mức 20.000 USD cho một container 40 feet. Dù giá cả đã có dấu hiệu hạ nhiệt, mức gia hiện tại vẫn cao hơn 2 đến 3 lần so với mức trước Covid do tắc nghẽn tại các cảng lớn.

Theo báo cáo của Reuters vào đầu tháng 11, khối lượng container bị kẹt trên thế giới hiện đang ở ngưỡng 11%. Con số này tuy đã giảm so với mức đỉnh của tháng 8 nhưng cao hơn nhiều so mức 7% trước đại dịch. Công ty vận tải biển và logistic Maersk cũng cho biết hiện đang có hàng trăm tàu cần dỡ hàng tại các cảng trong khi nhân công không có đủ. Hiệu suất thấp và thiếu xe tải vận chuyển đang khiến việc vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng chậm hơn nhiều.

Ông Jiang Tianqing, một nhà xuất khẩu đến từ Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, cho biết nhiều khách hàng của công ty đã bỏ đơn hàng do chi phí vận chuyển quá cao. Ông cũng đang vật lộn để duy trì dòng tiền cho doanh nghiệp do những loại hàng hóa như gương và lược không có lợi nhuận cao.

Ông Jiang nhận định mọi người đều đang ở thế khó. Tầm ảnh hưởng của việc tăng giá tới các công ty xuất khẩu phụ thuộc vào khả năng quản lý rủi ro và điều tiết áp lực. Trước kia, chi phí vận chuyển cho một container chứa số hàng hóa trị giá tương đương 78.500 USD là vào khoảng 4.700 USD. Tuy nhiên hiện nay, mức chi phí vận chuyển đã tăng lên khoảng 15.700 USD trong khi giá trị của hàng hóa không thay đổi.

Ông chia sẻ: “Ở trong nước, chi phí của mọi thứ đang gia tăng. Tuy nhiên, chúng tôi không thể tăng giá đối với những khách hàng cũ của mình do những người này về cơ bản là những người duy nhất vẫn làm ăn với chúng tôi”.

Để bắt kịp những thay đổi của thị trường và mở rộng cơ sở khách hàng của mình, ông Jiang đã quyết định thành lập một cửa hàng trên trang web thương mại điện tử quốc tế của Alibaba. Ông chia sẻ: “Bằng cách này, tôi có thể vừa bán buôn và bán lẻ”. Thông thường, hàng hóa trên đây sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không. Cách này tuy đắt nhưng so với giá vận chuyển của container thì khách hàng cá nhân sẽ cảm thấy dễ chấp nhận hơn. Đây cũng sẽ là một cách giúp cho doanh nghiệp của ông Jiang mở rộng thị trường do theo xu hướng hiện tại, ngày càng có nhiều người nước ngoài mua sắm trực tuyến.

Ông Shen, một nhà kinh doanh dệt may ở Nghĩa Ô, cho biết sự gián đoạn chuỗi cung ứng năm nay đã và đang thách thức khả năng ứng phó với những bất ổn của mọi người. Các khách hàng là các nhà xuất khẩu của ông đã phải vật lộn để đạt mục tiêu giao hàng trong năm nay. Ông Shen chia sẻ: “Nhiều khách hàng của tôi đã bị buộc phải trữ hàng trong nhà kho khi chờ tàu đến. Do các khoản thanh toán bị trì hoãn, nhiều người gặp vấn đề về dòng tiền và một trong những khách hàng thậm chí đã phải đi vay”.

Các nhà sản xuất lớn như nhà xuất khẩu hàng dệt may Huang Feng tại Nghĩa Ô thì có thể ứng phó tốt hơn. Tuy nhiên, do gián đoạn logistic tại cảng dỡ hàng cùng thời gian vận chuyển gia tăng, doanh nghiệp này cũng phải rút ngắn quy trình sản xuất để có hàng kịp thời cho mùa nghỉ lễ.

Cảng Ningbo, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào ngày 15/8/2021. Ảnh: Getty Images

Cảng Ningbo, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vào ngày 15/8/2021. Ảnh: Getty Images

Theo báo cáo hàng năm của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), giá cước vận chuyển cũng như các chi phí liên quan gia tăng được gây ra bởi nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất chính là nhu cầu tăng vọt trong khi khả năng cung ứng giảm.

Cùng với đó, tình trạng thiếu lao động đi kèm với các hạn chế do dịch Covid-19 được áp dụng ở các khu vực cảng cũng được cho là một trong các nguyên nhân. Một yếu tố khác được kể đến chính là do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng dẫn tới thiếu container toàn cầu và góp phần tiếp tục đẩy giá cả lên cao. Tình trạng tắc nghẽn cảng cũng dẫn đến tình trạng thiếu container toàn cầu, khiến giá cả tiếp tục tăng.

Theo báo cáo tháng 10 của Moody’s Analytics bởi các nhà kinh tế Katrina Ell và Ryan Sweet, Trung Quốc vừa là nước đóng góp, vừa là nạn nhân của sự gián đoạn chuỗi cung ứng đang tàn phá toàn cầu. Chính sách zero-Covid của Trung Quốc yêu cầu các cảng hoặc nhà máy đóng cửa trong thời gian ngắn để đối phó với sự bùng phát dịch. Và theo lời các chuyên gia, chính việc đóng cửa các trung tâm sản xuất quan trọng đã “làm gián đoạn sản xuất và dòng chảy của hàng hóa trên quy mô toàn cầu chứ không chỉ tại nội địa”.

Sự gián đoạn logistic tại khu vực Đông Nam Á cũng góp phần vào xu hướng này. Trong tháng qua, chi phí vận chuyển hàng hóa container qua cảng Ningbo, cảng lớn nhất thế giới tính theo trọng tải hàng hóa, cho các tuyến Đông Nam Á đã ghi nhận mức tăng kỉ lục. Theo tỉ giá hiện giờ, chi phí vận chuyển cho một container 40 feet từ Trung Quốc tới các cảng lớn tại Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Indonesia đạt mức 3000 USD. Điều này đồng nghĩa với mức tăng hơn 10 lần so với thời kì trước Covid.

Frank Xu tại Guangdong Smart Logistics cho biết: “Mức độ tắc nghẽn tại các cảng ở Đông Nam Á cao hơn bình thường 30%. Lịch trình tàu bị trì hoãn nghiêm trọng do ít tàu quay trở lại hơn với tốc độ chậm hơn”. Những tác động này lan rộng tới toàn bộ chuỗi cung ứng.

Theo phân tích của UNCTAD, giá cước vận chuyển cao có khả năng sẽ tiếp tục được duy trì tới năm 2023.Với xu thế này, mức gia nhập khẩu toàn cầu có thể tăng 11%, kéo theo giá tiêu dùng tăng 1,5%.

Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho biết: “Việc tăng giá cước hiện nay sẽ có tác động sâu sắc đến thương mại và làm suy yếu sự phục hồi kinh tế xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển”. Bà nhận định việc trở lại bình thường sẽ đòi hỏi phải đầu tư vào các giải pháp mới. Các giải pháp này có thể là cơ sở hạ tầng, công nghệ vận chuyển hàng hóa và số hóa cũng như các biện pháp tạo thuận lợi thương mại.

Chi phí vận chuyển cao hơn cũng tạo nên áp lực không những lên các hoạt động xuất nhập khẩu mà còn có thể làm suy yếu sự phục hồi trong sản xuất toàn cầu. Theo bà Rebeca, giá cước vận tải container tăng 10%, cùng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng dự kiến sẽ làm giảm sản lượng công nghiệp ở Mỹ và khu vực đồng euro xuống 1%. Trong khi đó, mức dự đoán này là 0,2% cho Trung Quốc.

Bà nói: “Việc trở lại bình thường sẽ đòi hỏi phải đầu tư vào các giải pháp mới, bao gồm cơ sở hạ tầng, công nghệ vận chuyển hàng hóa và số hóa cũng như các biện pháp tạo thuận lợi thương mại”.

Tuy vậy, bất chấp sự lo lắng của các nhà xuất khẩu, kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc vượt mức kỳ vọng của tháng 11 với mức tăng trưởng xuất khẩu đạt 8,4%.

Đọc tiếp