Quốc hội hôm nay nghe tờ trình dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

Luật Giá QUỐC HỘI
07:55 - 02/11/2022
Quốc hội hôm nay nghe tờ trình dự thảo Luật Giá (sửa đổi)
0:00 / 0:00
0:00
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 2/11 Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật Giá (sửa đổi).

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Buổi chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật này.

Cũng tại phiên làm việc buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giá (sửa đổi) dự kiến nhận được sự quan tâm đặc biệt các của Đại biểu, bởi hai dự án Luật sửa đổi này gắn liền với đời sống hàng ngày của người dân. Việc sửa đổi là cần thiết để người tiêu dùng được đảm bảo về quyền lợi khi họ đã thực hiện giao dịch mua - bán.

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, gồm 8 chương, 72 điều, so với Luật hiện hành đã bổ sung 3 chương về nội dung quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan Nhà nước; công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ này trong thực tiễn.

Luật Giá được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013 thay thế Pháp lệnh giá năm 2002 đã tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá. Sau 9 năm thực hiện, Luật giá đã đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực. Song cũng phát sinh tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật giá và các Luật chuyên ngành khác có quy định về giá.

Mục đích xây dựng Luật Giá (sửa đổi), nhằm thể chế hóa đầy đủ, đúng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.

Theo đó Luật Giá phải quy định đúng đắn, hợp lý về vai trò quản lý Nhà nước. Xác định rõ ranh giới, mức độ, phạm vi, biện pháp điều tiết của Nhà nước đối với thị trường trên cơ sở tôn trọng quy luật thị trường, khắc phục những tác động tiêu cực của thị trường, nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm quyền tự định đoạt, tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới để làm tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, tránh can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nhất là đối tượng yếu thế nhưng không bao cấp.

Đồng thời, khắc phục những vướng mắc về thể chế, những lỗ hổng chính sách; những bất hợp lý của hệ thống pháp luật đang cản trở quá trình phát triển. Tạo sự minh bạch trong quản lý Nhà nước về giá, công khai thông tin doanh nghiệp; xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, cụ thể, khả thi của Luật giá với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.