Rà soát lần hai biện pháp chống bán phá giá đối với nhôm từ Trung Quốc

Nhập khẩu Việt nAM
13:50 - 13/06/2022
Rà soát lần hai biện pháp chống bán phá giá đối với nhôm từ Trung Quốc
0:00 / 0:00
0:00
Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định rà soát lần thứ hai việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm nhôm từ Trung Quốc, sau khi nhận được hồ sơ đề nghị rà soát việc áp dụng biện pháp này.

Theo quy định của nghị định số 10/2018/NĐ-CP, ngày 15/1/2018, trong thời hạn 60 ngày trước khi kết thúc một năm kể từ ngày có quyết định mới nhất về kết quả rà soát biện pháp chống bán phá giá, các bên liên quan có quyền nộp hồ sơ đề nghị rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Trên cơ sở xem xét Hồ sơ do bên liên quan nộp theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1149/QĐ-BCT về việc rà soát lần thứ hai việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm, hợp kim nhôm hoặc không hợp kim ở dạng thanh, que và hình đã được đùn ép, đã hoặc chưa xử lý bề mặt, đã hoặc chưa được gia công thêm nhập khẩu vào Việt Nam và được phân loại theo mã HS 7604.10.10, 7604.10.90, 7604.21.90, 7604.29.10, 7604.29.90 có xuất xứ từ Trung Quốc (mã vụ việc AR02.AD05).

Trước đó, ngày 20/4/2021, Bộ Công Thương đã ra quyết định về kết quả rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm nhôm xuất khẩu vào Việt Nam thuộc các mã trên. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá từ 4,39% - 35,58% đã được áp dụng đối với 18 nhà sản xuất, xuất khẩu nhôm của Trung Quốc nhằm bảo vệ ngành sản xuất nhôm trong nước.

Tháng 10/2018, 4 nhà sản xuất nhôm thanh định hình đại diện cho ngành sản xuất trong nước bao gồm: CTCP Nhôm Austdoor, CTCP Nhôm Sông Hồng, Công ty TNHH Tung Yang và CTCP Tập đoàn Mienhua, đã gửi hồ sơ tới Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm nhôm thuộc mã nêu trên: HS 7604.10.10; 7604.10.90; 7604.21.90; 7604.29.10; 7604.29.90.

Các doanh nghiệp này cáo buộc nhiều công ty xuất khẩu Trung Quốc đã bán phá giá với biên độ từ 2,49% đến 35,58%, thậm chí một số trường hợp nhôm được bán với giá thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất sau khi bị nhiều nước ngăn chặn bằng các rào cản thương mại, kể cả các biện pháp chống bán phá giá.

Điều này đã khiến ngành sản xuất nhôm trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề, thể hiện ở các chỉ số như hầu hết các doanh nghiệp đều thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và một số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc, gây nên hiện tượng kìm giá, ép giá bán thép.

Vì vậy, tháng 1/2019 Bộ Công Thương đã bắt đầu tiến hành điều tra vụ việc.

Tin liên quan

Đọc tiếp