Canada mạnh tay áp thuế chống bán phá giá với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ

Gỗ canada
07:54 - 08/06/2022
Canada mạnh tay áp thuế chống bán phá giá với doanh nghiệp xuất khẩu gỗ
0:00 / 0:00
0:00
Theo Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Canada, hiện quốc gia này đang áp dụng thuế bán chống bán phá giá đối với sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp chịu mức thuế gần 200%.

Canada hiện được biết đến là một trong 10 nhà sản xuất đồ nội thất hàng đầu trên thế giới và là quốc gia có truyền thống lâu đời trong lĩnh vực sản xuất đồ nội thất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do nhập khẩu tăng nhanh và xuất khẩu giảm, Canada đã trở thành nước nhập khẩu ròng các sản phẩm đồ nội thất.

Trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Canada đạt 111,1 triệu USD, tăng 6,8% (năm 2021 đạt 104 triệu USD).

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 4,5 triệu USD mặt hàng gỗ và sản phẩm từ Canada, giảm 124% (cùng kỳ năm 2021 đạt 10,1 triệu USD).

Lý giải về sự sụt giảm này, chia sẻ tại phiên tư vấn “Xuất khẩu đồ gỗ và trang trí nội thất sang thị trường Canada” do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp tổ chức ngày 7/6, Tham tán thương mại Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh cho biết: “Do tình hình đại dịch kéo dài khiến cho giá vận chuyển tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này giảm khoảng 9%, đến năm 2021 là 24%, còn tính đến hiện giờ là giảm 60% giá trị xuất khẩu gỗ của Canada vào Việt Nam”.

Trong khi đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường này cũng gặp nhiều khó khăn. Theo bà Quỳnh, chi phí vận chuyển vào Canada tương đối đắt, thị trường này lại đang thiếu vỏ container, thiếu nhân lực bốc dỡ khiến thời gian giao hàng bị chậm trễ, phải lưu ở cảng rất lâu, tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, ông Denis Charest, Phụ trách thiết kế, marketing và kinh doanh đồ gỗ nội thất (công ty DM – 2 Inc tại Canada) cho rằng thời gian tới sẽ có khởi sắc hơn. Trong thời kỳ đỉnh dịch, thời gian vận chuyển từ Việt Nam đến Canada mất khoảng 100 ngày, có trường hợp kéo dài đến 4 tháng. “Giờ thì mọi thứ đã trở lại thời điểm 35 ngày trước đại dịch”, ông Denis nói.

Mặt khác, thuế quan cũng đang là vấn đề các doanh nghiệp cần lưu ý. Trong đó, tháng 12/2020, phía Canada áp thuế chống bán phá giá ghế bọc nệm từ Việt Nam do có một số đơn vị từ nước này kiến nghị với phái Canada với đầy đủ thông tin.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải tham gia trả lời các câu hỏi cung cấp thông tin, nhưng theo bà Quỳnh, chỉ có 8 trong số tổng hàng trăm doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và mặt hàng gỗ vào Canada tham gia trả lời. Kết quả, 8 doanh nghiệp bị áp thuế tương đối thấp, chỉ khoảng 3,7%. Trong khi đó, các doanh nghiệp không tham gia bị áp tới 179%.

Ngoài ra, phía Canada có đạo luật an toàn tiêu dùng. Cụ thể, các đồ nội thất xuất khẩu sang thị trường này phải đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, không có các chất như thủy ngân và một số chất khác trong sản phẩm. Nhãn mác phải có tên bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Riêng với các sản phẩm bọc nệm sẽ phải thử nghiệm thuốc lá theo tiêu chuẩn của hội đồng tiêu chuẩn Canada.

Về mô hình xuất khẩu, theo ông Denis, doanh nghiệp có thể trao đổi xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ qua 3 mô hình chính. Cụ thể, doanh nghiệp có thể bán trọn container hàng hóa cho phía nhà nhập khẩu. Với mô hình này, doanh nghiệp có thể bán được lượng lớn hàng hóa, chỉ cần giao một lần, giảm chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ gặp phải áp lực lớn về giá cả và thời gian giao hàng.

Mô hình thứ 2 là chia nhỏ hàng trong container, bán các đơn độc lập cho nhiều nhà nhập khẩu. Với mô hình này, doanh nghiệp dễ hoàn tất và bán một container. Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa bán được nhỏ. Mặt khác, với nhiều nhà nhập khẩu khác nhau, doanh nghiệp luôn cần phải liên lạc, giao tiếp với các phía nhằm đảm bảo phía đối tác nhận đúng hàng.

Mô hình thứ 3 là lưu kho hàng hóa, bán từ kho cho các nhà bán lẻ nhỏ. Với phương thức này, doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường nhanh và rộng hơn. Hàng hóa sẵn có tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp nhanh chóng “tung” hàng ra thị trường vào thời điểm thích hợp. Người mua hàng cũng không mất thời gian trong vấn đề lưu kho do hàng sẵn có. Dù vậy, chi phí kinh doanh tương đối cao, đặc biệt trong vấn đề lưu kho.

Các diễn giả chia sẻ tại phiên tư vấn.

Các diễn giả chia sẻ tại phiên tư vấn.

Về cách tiếp cận thị trường Canada, theo ông Denis, có 3 cách tiếp cận. Đầu tiên là thông qua hội chợ, triển lãm ở Việt Nam, Canada. Thứ 2 là thông qua đại lý, phái đoàn. Thứ 3 là thông qua các trang web, tại các website, doanh nghiệp có thể quảng bá sản phẩm của mình, đồng thời giới thiệu đến với các đối tác có nhu cầu.

Theo ông Denis: “Khả năng tiếp cận dù khác nhau nhưng doanh nghiệp cần xác định điểm mạnh và điểm yếu của mình, để đánh giá thực năng lực của mình. Đặc biệt, doanh nghiệp phải tìm kiếm cho mình một đối tác đáng tin cậy, thông qua đối tác có thể tìm hiểu thông tin và tìm kiếm cơ hội mới cho doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, phía thương vụ cũng đang hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế gian hàng ảo trên cổng thông tin điện tử của thương vụ, thúc đẩy doanh nghiệp giao thương xuyên biên giới qua thương mại điện tử.

Trong tháng 7/2022, phía Thương vụ cho biết đang hỗ trợ để khoảng 20 doanh nghiệp Việt và Cục Xúc tiến thương mại có thể sang Canada làm việc với đối tác, đến thực tế các nhà máy sản xuất của Canada để tìm hiểu phương thức kinh doanh và mô hình sản xuất của họ.

Vào tháng 12 hàng năm, phái Canada còn tổ chức hội chợ Xây dựng quốc tế; triển lãm quốc nhà ở tổ chức vào tháng 3; triển lãm ngành gỗ bờ Đông vào tháng 4… Đây là các hội chợ mà doanh nghiệp có thể tham khảo.

Tin liên quan

Đọc tiếp