4 mặt hàng gỗ Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ áp phòng vệ thương mại

Gỗ Việt nAM
10:50 - 14/04/2022
Ngăn chặn tình trạng gian lận, lẩn tránh xuất xứ hàng hóa có tính chất sống còn với ngành gỗ Việt Nam. Ảnh: QĐND.
Ngăn chặn tình trạng gian lận, lẩn tránh xuất xứ hàng hóa có tính chất sống còn với ngành gỗ Việt Nam. Ảnh: QĐND.
0:00 / 0:00
0:00
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam sang Mỹ liên tục tăng trưởng và ước đạt 8,8 tỷ USD năm vừa qua. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý về nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu để tránh nguy cơ bị áp phòng vệ thương mại tại thị trường này.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, trong danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại, có 11 sản phẩm thì có đến 4 sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ bắt đầu từ năm 2022.

Cụ thể, sản phẩm đầu tiên là gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng (hardwood plywood) với các mã HS: 4412.31, 4412.32, 4412.33, 4412.34, 4412.94, 4412.99. Đây là sản phẩm đã chính thức bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 11/2017.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng của Việt Nam sang Mỹ tăng nhanh từ 33,4 triệu USD năm 2016 lên 322,2 triệu USD năm 2019. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam đạt 516 triệu USD, tăng 39,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thị phần sản phẩm gỗ dán của Việt Nam có xu hướng tăng với kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 25,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ. Tháng 10/2019, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ thông báo chính thức điều tra trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế (evasion) đối với một số công ty Mỹ nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam.

Tháng 6/2020, Bộ Thương mại Mỹ đã khởi xướng điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (circumvention) đối với toàn bộ sản phẩm gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, Bộ Thương mại Mỹ đang gia hạn thời gian ban hành kết luận đến tháng 4/2022.

Bên cạnh đó, tháng 10/2020, cơ quan này cũng đã khởi xướng điều tra về tình hình nhập khẩu và sử dụng gỗ nguyên liệu được khai thác và buôn bán bất hợp pháp tại Việt Nam.

Để giải quyết quan ngại của Mỹ, ngày 1/10/2021, Việt Nam đã ký thỏa thuận với Mỹ cam kết tăng cường kiểm soát nguồn gốc và chuỗi cung ứng gỗ, mở rộng thị trường xuất khẩu, cải thiện thể chế quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép.

Sản phẩm thứ hai là tủ gỗ (ưooden cabinets and vanities) với các mã HS: 9403.40, 9403.60. Mỹ chính thức áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 2/2020, với mức thuế chống bán phá giá từ 4,37% đến 262,18%, mức thuế chống trợ cấp từ 13,33% đến 293,45%.

Kim ngạch xuất khẩu các mã tủ gỗ trên của Việt Nam tăng mạnh từ 913 triệu USD năm 2018 lên 1,37 tỷ USD năm 2019 (tăng 50%). Trong giai đoạn 12 tháng (12/2020 - 11/2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước lên gần 2,8 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu sản phẩm này từ Việt Nam chiếm 32,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Theo báo cáo của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, Cơ quan Hải quan và Biên giới Mỹ (CBP) đang điều tra một công ty bị cáo buộc trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng với sản phẩm tủ gỗ nội thất của Trung Quốc, thông qua việc chuyển tải sản phẩm này qua Việt Nam.

Với tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Mỹ, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cảnh báo khả năng Mỹ khởi xướng điều tra về phòng vệ thương mại hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam.

Ghế sofa có khung bằng gỗ (seats with wooden frames, upholstered) với mã HS tham khảo: 9401.61 cũng là một trong những sản phẩm đang đứng trước nguy cơ bị Mỹ áp phòng vệ thương mại.

Kim ngạch sản phẩm này của Việt Nam đã tăng nhanh từ 819 triệu USD năm 2018 lên 1,4 tỷ USD năm 2019 và 2,1 tỷ USD năm 2020. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, kim ngạch của Việt Nam lên đến 3,1 tỷ USD, tăng 52,1% so với cùng kỳ năm trước.

Thị phần của Việt Nam có xu hướng tăng. Hiện tại, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 38,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Ghế sofa có khung gỗ của Việt Nam nằm trong danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế 25%. Với tốc độ tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Mỹ, tồn tại khả năng Mỹ khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế đối với mặt hàng này xuất khẩu từ Việt Nam.

Trong khi đó, một sản phẩm tương tự là ghế bọc đệm (mã HS 9401.40, 9401.61 và 9401.71) có xuất xứ từ Việt Nam cũng đã bị Canada khởi xướng điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp vào tháng 12/2020.

Ngày 3/8/2021, cơ quan điều tra Canada đã ban hành kết luận điều tra cuối cùng, theo đó xác định biên độ phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam là từ 9,9% đến 179,5%, và biên độ trợ cấp từ 0% đến 5,5%. Tổng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà các doanh nghiệp Việt Nam phải nộp là từ 9,9% đến 185% tùy từng doanh nghiệp.

Sản phẩm cuối cùng trong danh sách được Bộ Công Thương lưu ý là sản phẩm gỗ thanh và viền dải gỗ tạo dáng liên tục (ưood mouldings, millwork products) với mã HS: 4409.10, 4409.22, 4409.29.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu tăng từ tháng 11/2020. Trong giai đoạn 12 tháng (12/2020 - 11/2021), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 42,3 triệu USD, tăng 212% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 2,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Mặc dù tỷ trọng của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ còn thấp nhưng Mỹ đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng tương tự của Trung Quốc từ tháng 12/2020, với mức thuế suất tương đối cao (thuế chống bán phá giá thấp nhất là 33,87%, thuế chống trợ cấp thấp nhất là 20,56%).

Do vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo cần giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ và khai báo xuất xứ đối với mặt hàng này để ngăn chặn các hành vi gian lận có thể xảy ra nhằm hưởng lợi từ chênh lệch thuế. Đây là mặt hàng mới được đưa vào danh sách cảnh báo.

Theo số liệu thống kê của Mỹ (USITC), trong năm 2021, lượng nhập khẩu gỗ thanh và viền dải gỗ tạo dáng liên tục từ Việt Nam tăng đột biến, đạt khoảng 335.000 tấn, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2020. Trong giai đoạn 12 tháng từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm này của Việt Nam sang Mỹ đạt 374 triệu USD, nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 4,8% trong tổng nhập khẩu của Mỹ trong giai đoạn 12/2020 - 11/2021.

Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, việc ngăn chặn tình trạng gian lận, lẩn tránh xuất xứ hàng hóa có tính chất sống còn với ngành gỗ Việt Nam, trong bối cảnh các sản phẩm gỗ bị nhiều nước điều tra phòng vệ thương mại.

“Gỗ rủi ro nhập khẩu được kiểm soát thông qua “bộ lọc” về loại rủi ro và vùng địa lý rủi ro. Theo đó, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ rủi ro vào Việt Nam cần đưa ra các bằng chứng nhằm minh chứng cho tính hợp pháp của gỗ”, ông Nghĩa lưu ý.

Tin liên quan

Đọc tiếp