Sầu riêng Thái Lan đụng bức tường ‘Zero Covid’ của Trung Quốc

XUẤT KHẨU THÁI LAN
12:14 - 17/02/2022
Một người bán trái sầu riêng tại một quầy hàng trên đường phố ở Bangkok vào tháng 5 năm ngoái. Ảnh: AFP
Một người bán trái sầu riêng tại một quầy hàng trên đường phố ở Bangkok vào tháng 5 năm ngoái. Ảnh: AFP
0:00 / 0:00
0:00
Chính sách sạch bóng Covid của Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến ngành xuất khẩu nông sản Thái Lan nói chung và đặc biệt là mặt hàng tỷ đô của nước này là sầu riêng trong năm 2022.

Sầu riêng đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Thái Lan vì loại trái cây này nhận được nhiều yêu thích tại thị trường xuất khẩu chủ chốt là Trung Quốc. Trong năm 2021, Thái Lan xuất khẩu hơn 875.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, đạt doanh thu 3,4 tỷ USD.

Trong năm nay, Thái Lan đặt mục tiêu tăng xuất khẩu sầu riêng hơn nữa vì dự kiến mùa ​​thu hoạch bội thu. Tuy nhiên, chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc có thể tác động trực tiếp đến sản lượng xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan trong mùa vụ tới.

Những tác động từ "Zero Covid"

Các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt đã gây ra sự tắc nghẽn giao thông tại các cửa khẩu biên giới của các nước Đông Nam Á với Trung Quốc. Tại các khu vực này, mỗi ngày có hàng nghìn xe tải chở thực phẩm, nông sản phải thông qua kiểm dịch. Trong trường hợp phát hiện Covid-19 trên các xe vận chuyển, hàng hóa sẽ bị tiêu hủy và biên giới có thể bị đóng cửa trong vài ngày hoặc vài tuần.

Những người nông dân Thái Lan là đối tượng chịu ảnh hưởng nhất, đặc biệt là trong mùa nhãn năm ngoái.

Ông Chonlatee Numnoo, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp tại Vùng 6, cho biết: “Nông dân đã thiệt hại là rất lớn. Hàng chục nghìn tấn trái cây đã bị hư hỏng khi chờ đợi ở cửa khẩu”. Vùng 6 là nơi tập trung các nhà sản xuất sầu riêng lớn nhất Thái Lan, bao gồm các tỉnh phía đông Chanthaburi, Rayong và Trat.

Thái Lan chuẩn bị xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn sầu riêng sang Trung Quốc vào năm 2022. Ảnh: iStock/Yamtono Sardi

Thái Lan chuẩn bị xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn sầu riêng sang Trung Quốc vào năm 2022.

Ảnh: iStock/Yamtono Sardi

Theo ông Chonlatee, sản lượng sầu riêng ở khu vực phía đông dự kiến ​​đạt 740.000 tấn trong năm nay, chưa kể 210.000 tấn măng cụt - một mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác sang Trung Quốc.

“Rất khó để chúng tôi kiểm soát tình hình vì có khả năng họ sẽ phát hiện Covid-19 bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên. Hơn nữa, với tình hình hiện tại của đại dịch, biến chủng Omicron dễ dàng phát tán và lây lan nhanh chóng. Vì vậy, chúng tôi khá lo ngại”, ông nói với CNA.

Để giảm thiểu rủi ro ô nhiễm môi trường và ngăn chặn sự chậm trễ của các chuyến hàng, Thái Lan đã và đang thực hiện “Zero Covid” đặc biệt nhằm kiểm soát dịch bệnh ngay tại các nông trại và khu vực chế biến và đóng gói sầu riêng.

Trong đó, tại mỗi công đoạn, các công nhân được xét nghiệm Covid-19 thường xuyên, đảm bảo đeo khẩu trang và găng tay, kiểm tra nhiệt độ cơ thể, cũng như khử trùng sản phẩm, bao bì và phương tiện vận chuyển qua biên giới.

“Chúng tôi phải đảm bảo các nhà máy chế biến và đóng gói nông sản không có Covid-19”, ông Chonlatee nói. “Ngay cả đối với những tài xế vận chuyển hàng, chúng tôi cũng có những biện pháp phòng dịch đối với họ. Ví dụ, họ sẽ có chỗ ở được chỉ định đặc biệt”.

Hiện tại, Thái Lan có 702 nhà đóng gói trái cây xuất khẩu ở miền đông, 630 nhà trong số đó đặt tại Chanthaburi.

Đề xuất con đường nông sản qua đường sắt Trung Quốc – Lào

Thái Lan xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc bằng đường bộ, đường biển và đường hàng không mỗi năm. Hiện nay, tuyến đường chính là qua Lào và Việt Nam, có chung cửa khẩu biên giới với Trung Quốc.

Tuy nhiên, với các quy trình phòng dịch Covid-19 nghiêm ngặt dọc theo biên giới, chính phủ Thái Lan hy vọng trái cây có thể được xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm nay bằng tuyến đường sắt cao tốc mới nối thủ đô Vientiane của Lào và thành phố Côn Minh của Trung Quốc.

Người dân mua sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: Bộ Thương mại Thái Lan

Người dân mua sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Ảnh: Bộ Thương mại Thái Lan

Mùa sầu riêng bắt đầu vào khoảng tháng 3 nhưng đạt cao điểm vào khoảng giữa tháng 5 đến giữa tháng 6. Bộ Nông nghiệp Thái Lan hy vọng chính phủ sớm quản lý và hoạt động tuyến đường sắt để xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc vào cao điểm mùa thu hoạch. Điều đó sẽ giúp xoa dịu đáng kể tình hình tại các cửa khẩu biên giới trên bộ và tăng cường phân phối nhiều mặt hàng trái cây hơn sang thị trường tỷ dân.

“Sức chứa của đoàn tàu khá cao. Một chuyến có thể vận chuyển khoảng 35 container hoặc tối đa 50 container”, ông Panusak Saipanich, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Thái Lan cho biết.

“Điều này có thể giải quyết rất nhiều vấn đề trong lĩnh vực xuất khẩu. Nếu thương vụ đường sắt thành công, chúng tôi sẽ không phải mắc kẹt ở các cửa khẩu biên giới trên bộ. Trong trường hợp biên giới bị đóng cửa, tuyến đường sắt có thể đảm nhiệm vận chuyển trong một chặng đường dài”.

Hiện Thái Lan chỉ có thể sử dụng tuyến đường sắt cao tốc để xuất khẩu cao su, tinh bột và hàng hóa liên quan đến quặng, chưa bao gồm các loại trái cây.

Bình luận về khả năng thông tuyến vận chuyển trái cây bằng đường sắt, ông Panusak nói rằng: “Chúng tôi đang chờ xem liệu Trung Quốc có chấp thuận kịp cho mùa trái cây này hay không. Vì vào thời điểm tháng 5, chúng tôi sẽ có cả sầu riêng và măng cụt. Nếu có bất kỳ sự cố nào xảy ra tại các cửa khẩu biên giới trên bộ sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến chủng tôi. Điều này rất đáng lo ngại”.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.