Sóc Trăng: Đầu tư cảng biển Trần Đề thành cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL

cảng biển Sóc Trăng
18:50 - 07/08/2023
Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề sáng 7/8. Nguồn: Báo Sóc Trăng.
Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề sáng 7/8. Nguồn: Báo Sóc Trăng.
0:00 / 0:00
0:00
Được xác định là cảng biển kết nối kinh tế Đồng bằng sông Cửu long với tuyến đường hàng hải quốc tế qua biển Đông, cảng Trần Đề được kỳ vọng là đột phá để đưa nhanh hàng hóa của khu vực này ra với thế giới.

Ngày 7/8, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề. Hội thảo nhằm trao đổi thông tin liên quan việc quy hoạch, định hướng phát triển cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ vùng đồng bằng sông Cửu Long; Khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, hiện nay, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng sông Cửu Long phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP HCM, làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa, tạo áp lực lên giao thông đường bộ.

Chính phủ đã có nhiều chủ trương, quyết sách tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Việc quy hoạch, triển khai đầu tư hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang đồng bộ với hệ thống cảng, kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm nghẽn” bấy lâu của vùng.

Theo đó, Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78 ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long xác định rõ đến năm 2030 phát triển Cảng biển Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 886 ngày 24/7/2023 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam; Trong đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn 50.000 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội thảo. Nguồn: Kinh tế Đô thị.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội thảo. Nguồn: Kinh tế Đô thị.

“Với những định hướng trên, cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng, tỉnh Sóc Trăng đang phối hợp Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề; Tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics) kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng - Trần Đề”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.

Về phía Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, Bộ đang sớm hoàn thành quy hoạch Cảng biển nước sâu Trần Đề vào cuối năm nay. Việc lựa chọn đầu tư, xây dựng Cảng Trần Đề mang tính cấp thiết, giúp Đồng bằng sông Cửu long có cảng lớn xứng tầm, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng chục triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, ông Lâm Văn Mẫn cũng cho rằng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ sớm chỉ đạo các ngành liên quan tập trung tham mưu các cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng Cảng biển Trần Đề. Đặc biệt, nghiên cứu các cơ chế, chính sách, ưu đãi thu hút nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư Cảng biển Trần Đề, nhằm góp phần phát triển kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó đóng góp chung vào sự phát triển của đất nước.

Về phía các doanh nghiệp, chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn T&T đề xuất Chính phủ xem xét và áp dụng cơ chế đặc biệt đầu tư. Cụ thể, xem xét, hỗ trợ vốn đầu tư cầu dẫn 18km để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển Trần Đề để dễ quản lý, mang lại hiệu quả đầu tư, giảm áp lực đối với nguồn vốn đầu tư tư nhân.

Áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đầu tư xây dựng cảng và hạ tầng logistics của cảng. Thời gian đầu tư của dự án là 70 năm để các nhà đầu tư có thể bảo đảm được nguồn thu ổn định và đầu tư lâu dài.

“Áp dụng các chính sách ưu đãi thuế và các ưu đãi khác đối với các hoạt động liên quan đến cảng và các dịch vụ hậu cần để tăng sức cạnh tranh của cảng Trần Đề trên thị trường khu vực và quốc tế, tạo động lực thu hút đầu tư cảng Trần Đề”, ông Tuấn kiến nghị.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta cho hay, trong hơn 27 năm hoạt động, doanh nghiệp phải vận chuyển hàng hóa xuất khẩu các cảng thuộc TP HCM và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cung đường từ miền Tây đến các cảng đó khá xa, mật độ lưu thông rất cao có thể làm hàng không tới cảng kịp thời, gây thiệt hại cho hoạt động chung.

“Cảng nước sâu Trần Đề nằm sát địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long sẽ hỗ trợ hoạt động nhiều mặt, như giảm chi phí, giảm rủi ro, tăng độ tin cậy với đối tác trong việc giao nhận hàng hóa và nhiều lợi ích khác”, ông Lực nói.

Phối cảnh cảng biển Trần Đề.

Phối cảnh cảng biển Trần Đề.

Theo quy hoạch, diện tích khu vực Cảng biển nước sâu Trần Đề lên tới 5.400 ha; Trong đó, cảng ngoài khơi có diện tích 1.400 ha, với cầu cảng vượt biển dài khoảng 18 km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT…

Từ năm 1994 đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về việc xây dựng cảng nước sâu trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện nội dung nghiên cứu các vị trí trong vùng nhằm tìm vị trí thích hợp xây dựng cảng biển nước sâu trình Chính phủ bổ sung vào quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

10 sự kiện ngành logistics Việt Nam năm 2023

Bộ Công Thương nhận định, ngành logistics Việt Nam đang từng bước đáp ứng yêu cầu của thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước dẫn đầu ASEAN trong Bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả logistics năm 2023.