Tại báo cáo cập nhật về ngành dệt may mới công bố, Chứng khoán SSI Research kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ đạt mức tăng trưởng lợi nhuận dương ngay từ quý 4/2023 nhưng sẽ khó quay lại mức đỉnh của năm 2019.
Theo số liệu công bố, trong tháng 7/2023, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 3,8 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ, một tín hiệu tích cực hơn so với mức giảm 17% ghi nhận trong nửa đầu năm 2023. Tháng 7/2023 cũng ghi nhận giá trị xuất khẩu dệt may theo tháng cao nhất kể từ đầu năm đến nay.
Kim ngạch xuất khẩu của ngành 7 tháng đầu năm 2023 đạt 22,8 tỷ USD (giảm 15% so với cùng kỳ).
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ (thị trường xuất khẩu lớn nhất đóng góp 39% tổng kim ngạch xuất khẩu) đạt 8,7 tỷ USD (giảm 24%). Xuất khẩu sang châu Âu và Nhật Bản lần lượt đạt 2,7 tỷ USD (giảm 10%) và 2,2 tỷ USD (tăng 4%).
SSI đánh giá, do nền kinh tế toàn cầu suy thoái, áp lực lạm phát và mức tồn kho cao trong nửa đầu năm 2022, các quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn khác cũng đã ghi nhận mức xuất khẩu giảm hơn 20% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm 2023.
Bangladesh là quốc gia duy nhất ghi nhận mức tăng 4% so với năm ngoái trong nửa đầu năm 2023. Theo khảo sát của các nhà bán lẻ lớn, mặc dù Việt Nam được đánh giá cao hơn Bangladesh về chất lượng và năng lực sản xuất, nhưng Bangladesh có lợi thế về chi phí, thuế và các khoản trợ cấp của chính phủ nước này (từ hải quan đến trợ cấp lãi suất).
Theo SSI, trong thời kỳ nền kinh tế suy thoái, chi phí là một trong những yếu tố quan trọng nhất khi các nhà bán lẻ lựa chọn nhà sản xuất. Mức lương tối thiểu ở Bangladesh hiện là 75 USD/tháng, trong khi mức lương tối thiểu ở Việt Nam và Trung Quốc lần lượt là 199 USD/tháng và 300 USD/tháng.
Chuyên gia SSI cũng lưu ý rằng trong năm 2022, tỷ giá USD/BDT giảm 17% so với tỷ giá USD/Đồng giảm 3,5%. Theo đó, xuất khẩu của Bangladesh trở nên cạnh tranh hơn so với Việt Nam.
"Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục được xếp hạng cao hơn về chất lượng sản phẩm, năng suất lao động và thời gian giao hàng, đây là những yếu tố quan trọng đối với các nhà bán lẻ khi nền kinh tế phục hồi và nhu cầu gia tăng'', báo cáo viết.
SSI Research ước tính giá bán bình quân sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp (thấp hơn khoảng 20% so với mức bình quân trong nửa đầu năm 2022) và chỉ cải thiện nhẹ so với cùng kỳ năm trước đối với đơn hàng FOB.
Dù lợi nhuận được dự báo tăng trưởng dương trở lại so với nửa đầu năm nhưng biên lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục thu hẹp dẫu cho chi phí nguyên liệu đầu vào đang dần cải thiện. Vì vậy, chuyên gia SSI nhận xét, biên lợi nhuận gộp sẽ khó quay trở lại mức đỉnh trong năm 2019.
Giống với phân tích của SSI, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng đã lưu ý trong báo cáo định kỳ vừa qua về rủi ro quy mô đơn hàng bị giảm và rủi ro tỷ giá.
Tuy vậy, Vinatex cũng cho biết, ngành dệt may Việt Nam đã qua “đáy xấu nhất”, hơn một nửa khách hàng của tập đoàn này đánh giá tình hình thị trường đang tốt lên.
Mặc dù vậy, Tập đoàn đánh giá sự phục hồi sẽ chậm do mức chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu cần có thời gian để phục hồi.